35 trường hợp tử vong do không tiêm phòng dại trong 6 tháng đầu năm
Tuy có giảm 3 ca bệnh so với cùng kỳ năm 2016, nhưng tất cả các trường hợp tử vong đều do chủ quan không đi tiêm phòng sau khi bị chó cắn.
Trong gần 6 tháng đầu năm năm 2017, bệnh dại đã xảy ra tại 18 tỉnh, thành phố và làm 35 người tử vong. Các địa phương có người tử vong vì bệnh dại bao gồm: Nghệ An (05), Thanh Hóa (04), Bắc Giang (05), Tây Ninh (02), Điện Biên (02), Sơn La (02), Hà Nội (02), Tuyên Quang (02), Bình Phước (01), Lạng Sơn (01), Bắc Kạn (01), Cao Bằng (01), Thái Bình (01), TP.HCM (01), Quảng Ninh (02), Hải Phòng (01), Hà Tĩnh (01) và Hải Dương (01) người.
Tiêm phòng bệnh dại là cách để bảo vệ tính mạng của mình. Ảnh: AloBacsi
Đây là trích báo cáo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương được trình bày tại Hội nghị “Tăng cường công tác phối hợp Một Sức khỏe tại Việt Nam theo Kế hoạch Chiến lược Một Sức khỏe Quốc gia phòng chống bệnh truyền lây giữa động vật và người (OHSP) 2016 - 2020”, được tổ chức dưới sự chủ trì của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lãnh đạo Bộ Y tế cùng đại diện nhà tài trợ tại Việt Nam.
TS Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tuy so với cùng kỳ năm 2016, số ca tử vong do dại đã giảm 3 trường hợp. Nhưng điều đáng nói là cả 35 trường hợp tử vong do dại đều không đi tiêm phòng sau khi bị chó cắn.
Có nhiều lý do khiến nạn nhân không đi tiêm phòng dại, phổ biến nhất là: Chủ quan cho rằng chó nhà cắn, tại thời điểm cắn chó vẫn bình thường nên không cần tiêm phòng (70%); ngoài ra là các lý do như sử dụng thuốc nam để điều trị bệnh dại (9%), không hiểu biết về bệnh dại (9%); không rõ, không biết lý do (12%).
Nên tiêm phòng cho chó để phòng bệnh dại. Ảnh: SongKhoe.vn
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: Trong việc kiểm soát bệnh dại, vẫn còn tồn tại và bất cập ở khâu quản lý và đăng ký nuôi chó và công tác tiêm phòng chó nuôi. Có một điều nhận thấy: Các ca bệnh dại bắt đầu tái xuất hiện tại một số địa phương sau rất nhiều năm không có bệnh dại (Hải Phòng, Thái Bình, TP.HCM)...
Tại Hội nghị, Kế hoạch OHSP đã đưa ra một khung kế hoạch 5 năm nhằm nâng cao năng lực giúp giảm thiểu các tác động đến sức khỏe con người và các tác động khác gây ra bởi bệnh truyền lây giữa động vật và người. Trọng tâm của kế hoạch hướng đến việc phát triển năng lực của các cơ quan có trách nhiệm liên quan đến tiếp cận Một sức khỏe, tập trung các lĩnh vực ưu tiên và các dịch bệnh của quốc gia, với 3 mục tiêu chính: Tăng cường năng lực thực hiện tiếp cận Một sức khỏe trong việc phòng ngừa, kiểm soát các bệnh truyền lây giữa động vật và người; Đẩy mạnh dự phòng các trường hợp khẩn cấp đối với bệnh có nguồn gốc động vật xuất hiện trên người; Vận dụng các nguyên tắc Một sức khỏe nhằm hạn chế tác động đến sức khỏe cộng đồng của các bệnh truyền lây giữa động vật và người hiện nay.
Các đại biểu quốc tế và Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh: HH