Khánh thành cầu Vàm Cống, tài xế phản ứng trạm T2 BOT QL91
Cánh tài xế phản ứng việc bất hợp lý khi cầu Vàm Cống thông xe khiến các phương tiện qua lại thuận tiện hơn nhưng lại gặp phải cái “ách” là Trạm thu phí T2 BOT Quốc lộ 91.
Thanh Niên đưa tin, sáng 19/5, tại TP.Cần Thơ, Bộ GTVT, UBND TP.Cần Thơ, UBND tỉnh Đồng Tháp và Ngân hàng XNK Hàn Quốc đã tổ chức lễ khánh thành cầu Vàm Cống sau hơn 5 năm xây dựng.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, cầu Vàm Cống có vai trò đấu nối các tỉnh miền Tây với TP.HCM, việc lưu thông hàng hóa sẽ được rút ngắn lại, đồng thời giảm tải cho tuyến QL1A thường xuyên quá tải vào các dịp lễ, Tết.
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, khẳng định việc thông xe cầu Vàm Cống sẽ góp phần giúp người dân hai bên bờ sông Hậu đi lại thuận tiện hơn và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng được thuận lợi hơn.
Cầu Vàm Cống. Ảnh: Thanh Niên
Trạm BOT tuyến Quốc lộ 91 và 91B. Ảnh: PLO
Cầu Vàm Cống được khởi công ngày 10/9/2013, có quy mô 6 làn xe (4 làn ô tô và 2 làn xe gắn máy) lưu thông với vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Cầu có chiều dài 2,97 km, phần cầu vượt sông dài 870 m và đường dẫn dài 2 km. Cầu được thiết kế là cầu dây văng bắc qua sông Hậu, nối liền Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ và H.Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
Tổng mức đầu tư dự án là 271 triệu USD bằng nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Công trình được thực hiện bởi các nhà thầu Hàn Quốc.
Tuy nhiên, trong ngày 20/5, theo PLO, trên mạng xã hội đã có thông tin được cho là của giới tài xế phản ứng việc bất hợp lý khi cầu Vàm Cống thông xe khiến các phương tiện qua lại thuận tiện hơn nhưng lại gặp phải cái “ách” là Trạm thu phí T2 BOT Quốc lộ 91.
Sau đó, trưa 21/5, tại Trạm thu phí T2 BOT Quốc lộ 91- thu phí hoàn vốn cho dự án BOT tuyến Quốc lộ 91 và 91B , hướng An Giang đi Cần Thơ – Kiên Giang xảy ra ùn tắc do nhiều tài xế không đồng ý mua vé qua trạm.
Đến gần 14 giờ cùng ngày, sau khi lực lượng chức năng vận động và điều tiết giao thông tình hình mới thông thoáng trở lại. Lý do không mua vé các tài xế đưa ra là do xe di chuyển từ An Giang qua ngã ba lộ tẻ, vào quốc lộ 80 rồi lên cầu Vàm Cống chỉ sử dụng đoạn đường chưa tới 300 m mà phải trả tiền vé cho toàn tuyến.
Giới tài xế cho biết, lượng xe từ các tỉnh lân cận và TP.HCM, hoặc xe ở các huyện, thị xã và TP ở tỉnh An Giang như Châu Đốc, Tri Tôn, Tịnh Biên, Tân Châu… không thuộc phạm vi miễn giảm. Các xe này chỉ sử dụng vài trăm mét đường BOT mà vẫn đóng phí toàn tuyến là rất vô lý. Đây là thực tế đang diễn ra tại Trạm T2 BOT Quốc lộ 91 sau hai ngày thông xe cầu Vàm Cống.