Khăn lụa Khaisilk hoán đổi nhãn mác đã "giết chết" làng nghề sản xuất tơ lụa chân chính?

27-10-2017 21:20:04

Việc khăn lụa Khaisilk hoán đổi nhãn mác bán giá "cắt cổ" đã làm ảnh hưởng đến những người sản xuất tơ lụa chân chính tại các làng nghề truyền thống ở Việt Nam.


Mới đây, việc thương hiệu khăn lụa Khaisilk hoán đổi nhãn mác đã bị khách hàng phát hiện và vạch trần sự thật. Ngoài ra, khách hàng còn phát hiện dấu hiệu của việc cắt mác cùng màu với dòng chữ “Made in China”. Sau đó, doanh nhân Hoàng Khải, Chủ thương hiệu Khaisilk, đã thừa nhận thương hiệu Khaisilk có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc suốt 30 năm và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng. Đồng thời, vị doanh nhân này cũng cho biết, nguồn tơ lụa trong hệ thống Khaisilk là nhập khẩu 50%, 50% còn lại là nhập từ làng nghề nổi tiếng ở Việt Nam, trong đó, chủ yếu là làng nghề Nha Xá (Hà Nam). Tuy nhiên, người dân làng Nha Xá lại phủ định thông tin trên và cho biết, Khaisilk lấy hàng rất ít và đã ngưng mua hàng từ vài năm trước


Bà Bích- một người dân làng Nha Xá có kinh nghiệm 30 năm sản xuất lụa tơ tằm cho biết, trước đây có một hộ kinh doanh đứng ra gom hàng rồi bán lại cho Khaisilk. Nhưng 5 năm trở lại đây, Khaisilk không thu mua lụa ở đây nữa


Theo vợ chồng bà Bích, việc Khaisilk nói thu mua 50% lụa tơ ở các làng nghề Việt Nam, trong đó chủ yếu là làng Nha Xá là không đúng vì người dân ở đây hàng chủ yếu bán vào Sài Gòn, Quảng Nam hay xuất khẩu sang nước ngoài. Việc làm hoán đổi nhãn mác của Khaisilk đã "giết chết" những người sản xuất lụa chân chính ở các làng nghề truyền thống Việt Nam.


Những sản phẩm lụa chuẩn đến tay người tiêu dùng là cả một chuỗi những khâu vất vả, mệt nhọc của người làm nghề sản xuất tơ lụa.


Tất cả lụa ở làng Nha Xá đều là hàng thật 100% vì những người dân ở đây làm hoàn toàn thủ công. Đây là một trong những phẩm màu để nhuộm lụa tơ tằm


Những chiếc khăn như này được vợ chồng bà Bích bán sỉ cho các công ty với giá 100 nghìn đồng/chiếc. Công sức để làm ra một chiếc khăn như này rất vất vả nhưng lợi nhuận thu về lại không cao.


Tuy nhiên, khi nhập khẩu sang nước ngoài, chiếc khăn này lại có giá 54 đô la tương đương với hơn 1 triệu đồng tiền Việt.


Theo ông Phạm Khắc Hà (Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc), doanh nghiệp cần phải trung thực với sản phẩm mình làm ra và phải có trách nhiệm đảm bảo về chất lượng sản phẩm. Như vậy, việc kinh doanh mới bền vững. Việc hoán đổi nhãn mác của khăn lụa Khaisilk đã làm ảnh hưởng đến những người sản xuất lụa chân chính và gây thiệt hại lớn đến thương hiệu lụa Việt Nam. Vì vậy, cơ quan chức năng cần phải làm rõ để trả lại công bằng cho những người làm nghề.


Thực tế làng lụa Vạn Phúc vẫn tồn tại những gia đình sản xuất thủ công


Họ cũng có nhập khẩu hàng nước ngoài để phong phú thể loại nhưng sản phẩm nào ghi rõ nhãn mác ở nước đó


Người dân làng Vạn Phúc vẫn say mê giữ lửa nghề lụa tơ tằm truyền thống 


Những cụ bà cao tuổi vẫn miệt mài với công việc bao năm qua


Người dân làng nghệ sản xuất tơ lụa cho biết, họ không thể chấp nhận việc hoán đổi nhãn mác của khăn lụa Khaisilk để thu lợi nhuận cao.


Nhiều khách hàng tỏ ra khá bất ngờ trước việc khăn lụa Khaisilk thừa nhận nhập 50% hàng Trung Quốc rồi gắn mác Việt Nam bán giá "cắt cổ".

Cao Nguyên
Theo Đời sống Plus/GĐVN //