ISW: Ông Putin sẽ không đàm phán hòa bình sớm với Ukraine bất chấp áp lực từ ông Trump

26-01-2025 08:16:56

Tổng thống Vladimir Putin đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên các kênh truyền hình nhà nước Nga rằng, Moscow khó có thể tham gia các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai gần, Pravda trích báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ (ISW).

Tổng thống Nga Putin được cho là sẽ không đàm phán hòa bình sớm với Ukraine bất chấp áp lực từ Tổng thống Trump. Ảnh IT

Cụ thể, theo ISW, trong cuộc phỏng vấn hôm 24/1, Tổng thống Putin đã tuyên bố với người Nga rằng chiến tranh sẽ tiếp diễn. Ông nhấn mạnh rằng, Nga khó có thể tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai gần và tái khẳng định rằng cuộc chiến ở Ukraine là một phần của cuộc xung đột rộng lớn hơn giữa Nga và phương Tây.

"Tổng thống Putin có thể đang sử dụng cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước Nga để báo hiệu với người dân Nga rằng nước này khó có thể tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai gần và chiến tranh khó có thể kết thúc sớm", ISW bình luận.

Các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh tin rằng với cuộc phỏng vấn này, ông Putin cũng tìm cách gửi thông điệp đến giới tinh hoa Nga đang muốn chấm dứt chiến tranh. Thông điệp của ông được cho là nhằm thông báo với họ rằng sẽ không có con đường tắt nào dẫn đến việc chiến tranh kết thúc.

Tuyên bố của ông Putin một lần nữa chứng minh lập trường kiên định của Tổng thống Putin, ISW nhấn mạnh.

Ngoài ra, Tổng thống Putin tin rằng các cuộc đàm phán về cuộc chiến chỉ có thể đạt được giữa Mỹ và Nga, mà không có sự tham gia trực tiếp của Ukraine.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Putin cũng bày tỏ lo ngại về việc giá dầu có thể giảm có thể ảnh hưởng đến sự ổn định nội bộ của Nga và khả năng chiến đấu của quân đội nước này ở Ukraine, theo ISW.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây tuyên bố giá dầu hiện đủ cao để Nga duy trì hoạt động quân sự tại Ukraine và kêu gọi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hạ giá để ép Moscow chấm dứt chiến tranh.

Tổng thống Putin tuyên bố rằng cả Nga và Mỹ đều là những nhà sản xuất và tiêu thụ dầu lớn, theo đó, giá quá cao hay quá thấp cũng sẽ không tốt cho cả hai nền kinh tế. Ông lưu ý rằng Nga và Mỹ phụ thuộc vào các nguồn năng lượng cho các ngành công nghiệp trong nước, do đó, "giá quá thấp" được cho là sẽ "làm suy yếu khả năng đầu tư của các công ty năng lượng".

Các nhà phân tích lưu ý rằng, giá dầu giảm sẽ làm giảm doanh thu ngân sách liên bang của Nga. Điều này có khả năng gây bất ổn cho Nga và làm giảm thị phần của nước này trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, do đó làm giảm ảnh hưởng kinh tế của Nga trên toàn thế giới.

ISW cho rằng việc ông Putin nhấn mạnh vào việc cần phải duy trì giá dầu phản ánh mức độ lo ngại của ông trước những lời đe dọa của ông Trump. Nỗ lực của ông Putin nhằm cảnh báo rằng, giảm giá dầu cũng sẽ khiến lợi ích của Mỹ suy giảm được cho là nhằm ngăn cản ông Trump theo đuổi các biện pháp hạ giá như vậy trong tương lai.

Trước đó, ngày 23/1, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, ông Trump kêu gọi Ả Rập Xê Út giảm giá dầu để giúp chấm dứt cuộc chiến của Nga với Ukraine.

Ngày 21/1, ông Trump tuyên bố tại Nhà Trắng về khả năng cao sẽ áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Nga nếu ông Putin không đồng ý đàm phán về Ukraine.

Phương Đăng (theo Pravda)
Theo Dân Việt //