Huyện Thanh Oai: Cả làng tan nát vì lốc "họ", bão "phường"
Nhiều hộ dân thôn Châu Mai, Liên Châu, Thanh Oai, Hà Nội đã giao hết cho bà Quách Thị Phượng để tham gia đường dây “đi phường”. Nhưng, khi đã “ẵm” được một khoản lên tới hàng chục tỷ đồng, bà Phượng bỗng biến mất...
Khắp thôn “sốt sình sịch”
Gần 20 ngày nay, cư dân thôn Châu Mai như lên cơn sốt. Người ta nhớn nhác hỏi nhau về các món nợ, rồi lũ lượt kéo đến nhà bà Phượng mong đòi được những khoản tiền đã giao cho người phụ nữ này trong một thời gian dài.
Thế nhưng, đáp lại chỉ là những lời hứa hẹn, khất lần và cuối cùng thì bà Phượng cáo ốm và đi đâu không ai biết. Ngay cả chồng con và gia đình bà Phượng cũng lắc đầu quầy quậy khi trả lời về tung tích của vợ mình.
Cư dân thôn Châu Mai bàng hoàng vì vỡ đường dây "đi phường" (chơi họ, hụi)
Anh Trương Văn Vinh trú tại xóm 5, thôn Châu Mai cho biết: “Người dân quê tôi lâu nay vẫn “đi phường” để có điều kiện dồn những khoản tiền nhỏ thành món tiền lớn. Và ở trong thôn, chị Phượng là người cầm “phường” có “thâm niên” cả chục năm. Chị ấy điều hành hàng chục dây “phường tháng” (đóng họ theo tháng) lẫn “phường mùa” (đóng họ 6 tháng/lần) rất uy tín, chưa từng thất hẹn bao giờ.
Vì thế, hầu hết bà con đều dồn tiền về đây. Vừa rồi, một số người đến hạn lấy tiền thì chị Phượng không thanh toán nữa. Đòi gắt quá thì chị ấy hứa hẹn sẽ gán ruộng để trả. Nhận thấy có những tín hiệu bất thường, chúng tôi bảo nhau đến hỏi cho ra nhẽ thì chị ấy bỏ trốn. Lúc ấy, cả thôn mới vỡ lẽ là chị Phượng không còn khả năng thanh toán cho mọi người nữa.
Anh Trương Văn Vinh có nguy cơ mất trắng số tiền 490 triệu đồng
Anh Vinh vốn làm nghề giao trứng gà thuê kiêm xe ôm, cả gia đình 3 thế hệ phải ở trong một ngôi nhà xập xệ, dột nát. Từ lâu, anh mong ước có đủ tiền để cất lại mái nhà cho bố mẹ mình có chốn dưỡng già. Vì thế 2 vợ chồng làm ngày làm đêm, tích cóp tiền, hy vọng biến giấc mơ thành hiện thực.
Cứ cóp nhặt được đồng nào anh lại góp tiền vào dây “phường tháng” của bà Phượng và đến nay đã đóng được 21 tháng với số tiền là 490 triệu đồng. Tuy nhiên, từ khi có tin bà Phượng “biến mất”, anh như ngồi trên đống lửa và cũng không biết bao giờ mới đòi lại được món tiền của mình.
Cũng đã “đi phường” được 72 tháng, những hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Sỹ còn đau khổ hơn. Bà đã góp cho chủ “phường” tổng số tiền là 660 triệu đồng và theo lịch thì đến tháng 4-2018 sẽ tới lượt lấy tiền về. Thế nhưng, trước tình hình hiện nay, bà bảo, chỉ mong thu lại một nửa chắc cũng rất khó.
Gương mặt thất thần của những người nông dân trước thông tin mất hết số tiền đã góp cho chủ "phường"
Để có được số tiền ấy, bà Sỹ đã phải huy động cả 3 người con đang làm công nhân ở trong miền Nam gửi tiền lương tháng ra cho mẹ như một hình thức tiết kiệm trong suốt 6 năm ròng. Bây giờ bỗng dưng mất trắng, bà mất ăn mất ngủ không dám thông báo cho các con, người gầy rộc như xác ve.
“Gia đình tôi còn một khoảng nợ vay ngân hàng để kinh doanh, tất cả đều trông vào đây cả. Nếu đến lúc đáo hạn mà không có tiền để thanh toán, chắc tôi chết mất” - bà Sỹ khóc nói.
Không tha cả người già
Nghe tin có nhà báo về nắm tình hình vỡ nợ ở địa phương, chẳng mấy chốc nhà anh Vinh - nơi chúng tôi ghé thăm đầu tiên - đã đầy chật người. Hầu hết những chủ nợ mà chúng tôi gặp ở đây đều là những người nông dân chân chất, quanh năm chỉ biết cắm cúi ruộng đồng hoặc buôn bán nhỏ. Ai đến cũng cầm theo những cuốn sổ ghi chi chít các khoảng tiền đóng “phường” kèm theo chữ ký xác nhận của bà Quách Thị Phượng.
Cụ Hoàng Thị Mượn xót xa cho số tiền ki cóp suốt cả chục năm ròng
Trong số những nạn nhân ấy có cụ Hoàng Thị Mượn năm nay đã gần 90 tuổi. Cụ Mượn lụ khụ chống gậy vừa khóc vừa kể: “Ông nhà tôi lúc sắp mất có để lại cho tôi một món tiền nhỏ bảo, tôi để lại cho bà dưỡng già. Rồi sau đám tang, có bao nhiêu tiền phúng viếng, con cháu cũng đưa hết cho tôi giữ.
Tôi tích suốt hơn chục năm, dồn thêm tiền bán rau cỏ có được 120 triệu đồng đều đưa cả cho cô Phượng để đóng “phường”. Về sau, thấy tôi có một khoản tiền các cháu mừng tuổi là 80 triệu đồng cô ấy cũng vay nốt. Tôi định bụng nếu có ốm đau hay nằm xuống thì với số tiền ấy cũng không phải phiền đến ai. Vậy mà nay cô ấy không trả thì tôi biết ăn nói với họ hàng, con cái làm sao bây giờ”.
Người dân thôn Châu Mai ùn ùn kéo tới tố cáo sự việc
Không chỉ có bà con lối xóm mà ngay cả mẹ chồng bà Phượng là cụ Đào Thị Hỏn (73 tuổi) cũng bất ngờ với vụ vỡ nợ của con dâu. Lúc chúng tôi tìm đến, cụ Hỏn vật mình khóc như mưa. Cụ bảo, có mấy chục triệu cụ cũng đưa cả cho con để đi “phường”, có ngờ đâu bây giờ sự thể lại ra nông nỗi này. Từ ngay con dâu bỏ đi, hàng ngày hai ông bà già phải nhịn nhục với những lời mạt sát, chửi rủa của bà con hàng xóm.
“Cái Phượng không có nhà nên họ cứ nhè chúng tôi mà đòi nợ. Chúng tôi đều già cả, làm gì ra tiền nữa. Không đòi được thì họ nhiếc móc đủ kiểu. Cùng làng cùng xã với nhau nên đều là chỗ quen biết cả, ví thử họ không nhiếc thì chúng tôi cũng đã đủ xấu hổ lắm rồi. Giờ thêm nỗi nhục này, chúng tôi chỉ muốn chui xuống đất” - cụ Đào Bá Sáu, bố chồng bà Phượng nói.
Bắc thang lên hỏi ông trời
Kể từ ngày vợ vỡ nợ, ông Đào Xuân Dư (chồng bà Phượng) ở rịt trong nhà không dám ra đường. Ông Dư bảo: “Tôi sức khỏe yếu, lại bị đủ thứ bệnh từ tiểu đường, thận và mới đi mổ tụy về nên mọi việc vợ tôi thu tiền “phường” của bà con tôi đều không nắm được.
Vợ tôi bán hàng khô ngoài chợ, mọi việc cô ấy làm đều ở ngoài quán chứ không mấy khi đem về nhà. Khi việc vỡ lở thì cô ấy đi đâu tôi cũng không hay, điện thoại không liên lạc được. Thôi thì sự thể đã thế này, tôi cũng chỉ biết nói rằng, ai làm người ấy chịu. Tất cả đành nhờ cơ quan pháp luật giải quyết”.
Ông Đào Xuân Dư (chồng bà Phượng) không biết hiện nay vợ mình ở đâu
Trao đổi với phóng viên, ông Đào Quang Tư - Trưởng thôn Châu Mai cho biết: “Thực tế việc cô Phượng cầm các dây “phường” ở trong thôn đã có từ lâu và người dân tham gia rất đông. Bản chất việc “đi phường” của người dân trong thôn là góp tiền nhỏ thành tiền to để lo những việc lớn trong gia đình như dựng vợ gả chồng cho con, xây nhà, hoặc huy động vốn phục vụ làm ăn chứ không phải để chơi bời, cờ bạc.
Căn nhà của vợ chồng bà Phượng đóng cửa im ỉm suốt ngày sau khi sự việc vỡ lở
Bản thân cô Phượng từ trước đến nay cũng không có điều tiếng gì. Dù có nghe nói là cầm tới hàng chục tỷ của mọi người, nhưng trong sinh hoạt gia đình chúng tôi thấy cô ta cũng rất chừng mực như tất cả mọi người, chứ không thấy tiêu xài phung phí.
Chính vì vậy, khi đường dây này vỡ mọi người đều ngỡ ngàng. Ngay trong họ nhà tôi cũng có nhiều người đã góp tiền cho cô ấy và đều xác định không có khả năng thu hồi được. Trước cô Phượng, ở đây cũng đã từng xảy ra những vụ vỡ nợ của các đường dây “phường” khác như cô Nguyễn Thị Sòn, Lê Thị Tuyết. Thế nhưng người dân vẫn không rút ra được bài học cho mình”.
Người dân thôn Châu Mai kể lại sự việc
Còn ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó trưởng CAX Liên Châu thì cho biết: “Việc cô Phượng vỡ nợ gây xôn xao dư luận là đúng. Ngay sau khi nhận được thông tin chúng tôi đã báo lên cấp trên và CAH cũng đã cho người về điều tra sự việc.
Hiện nay, cơ quan công an vẫn đang tiếp tục thu thập, củng cố thêm tài liệu, lời khai của nạn nhân. Theo ước tính ban đầu thì có khoảng 80 người đã góp tiền “đi phường” cho cô Phượng với số tiền khá lớn.
Sau khi sự việc xảy ra, CAX cũng cử cán bộ thường xuyên có mặt ở địa bàn và giám sát không để người dân quá khích, có hành động bột phát ảnh hưởng đến ANTT. Về phần cô Phượng thì theo thông tin chúng tôi nắm được đang điều trị tại bệnh viện tâm thần”.