Hướng dẫn chữa viêm mũi dị ứng bằng nước muối đúng kỹ thuật

19-09-2023 14:38:48

Bạn thắc mắc tại sao mình chữa viêm mũi dị ứng bằng nước muối nhưng không thấy hiệu quả? Điều này là do phương pháp sai hay do bạn thực hiện không đúng kỹ thuật? Chúng ta cùng tìm kiếm câu trả lời và cách thực hiện chữa viêm mũi dị ứng bằng nước muối đúng đắn nhất trong bài viết sau.

I. Thế nào là bệnh viêm mũi dị ứng?

Viêm mũi dị ứng là tình trạng mũi bị kích thích bởi các yếu tố nguy cơ dẫn đến mẫn cảm và xảy ra các tình trạng dị ứng như sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, nhức đầu…

Viêm mũi dị ứng có thể xảy ra theo mùa (có chu kỳ) hoặc quanh năm (không theo chu kỳ). Nguyên nhân chủ yếu là do cơ địa người bệnh vốn dễ bị mẫn cảm, dẫn đến mũi dễ bị kích ứng khi tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên.

Đây là bệnh thường gặp tại Việt Nam, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hoá hiện đại hoá, môi trường sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ô nhiễm. Mặc dù lành tính, không gây hại trực tiếp đến sức khoẻ tổng thể, tuy nhiên viêm mũi dị ứng lại gây bất tiện không nhỏ đến đời sống cá nhân. Bên cạnh đó nếu để bệnh tiến triển về lâu về dài không được chữa trị, bệnh lý này hoàn toàn có thể biến chứng sang các vấn đề sức khỏe nguy hiểm khác.

II. Tác dụng của nước muối trong chữa trị viêm mũi dị ứng

Nước muối sinh lý là một trong các giải pháp cải thiện triệu chứng viêm mũi dị ứng được các bác sĩ Việt Nam khuyên dùng. 

Nhờ có tính chất vô trùng và có nồng độ ngang với nồng độ Nacl bên trong cơ thể (0,9%) nên nước muối sinh lý có khả năng sát khuẩn tốt, vệ sinh sạch các chất dị ứng và dịch nhầy ra khỏi hốc mũi. Bên cạnh đó, loại dung dịch này cũng rất an toàn cho niêm mạc mũi và các vùng da nhạy cảm, được sử dụng phổ biến cho các vết thương hở, vệ sinh tai mũi họng hay truyền tĩnh mạch để bù đắp điện giải.

Khi các triệu chứng viêm mũi dị ứng tái phát, việc rửa mũi hàng ngày bằng nước muỗi sinh lý giúp làm dịu đi độ kích ứng ở niêm mạc, giảm nhẹ khó chịu do sổ mũi, nghẹt mũi, niêm mạc sưng tấy cũng được cải thiện giảm sưng rõ rệt.

III.  Cách chữa viêm mũi dị ứng bằng nước muối 

1. Chuẩn bị dung dịch nước muối

Vì tác dụng sát khuẩn tốt cùng với giá thành rẻ nên dung dịch muối sinh lý được sản xuất và phân phối phổ biến tại các nhà thuốc trong nước. Bạn hoàn toàn có thể dễ dàng tìm kiếm và mua chúng. 

Hoặc nếu bạn ngại đi mua thì có thể tự pha ngay tại nhà. Với dung dịch muối tự pha tại nhà, bạn cần chuẩn bị như sau: 

  • 1 lít nước sạch (là nước máy đã qua lọc, nước tinh khiết đóng thành chai hoặc nước đã đun sôi), 9g muối tinh.
  • Chai dung tích hơn 1 lít bằng thuỷ tinh hoặc nhựa tinh chế để đựng dung dịch. Hoà tan theo tỷ lệ đã chuẩn bị sẵn như trên là có thể dùng được ngay. 

Bên cạnh đó, nếu nước muối bạn tự pha tại nhà có thể lọc qua để thu lượng dung dịch tinh khiết nhất, hạn chế cặn muối hoặc bụi bẩn trong quá trình pha.

2. Các bước thực hiện chữa viêm mũi dị ứng bằng nước muối 

Hầu hết mọi người đều thực hiện rửa mũi bằng kinh nghiệm bản thân nên có thể không đúng kỹ thuật, khiến cho việc rửa mũi không đem lại hiệu quả tối đa nhất. 

Vì vậy, bạn có thể tham khảo quy trình thực hiện rửa mũi như sau:

Bước 1: Sau khi có dung dịch muối sinh lý, cho lượng dung dịch này vào bình rửa chuyên dụng. 

Bước 2: Cúi đầu nghiêng một góc 45 độ, nghiêng phía nào thì thực hiện xịt rửa từ mũi phía còn lại để nước chảy qua từng cánh mũi và chảy xuống bồn rửa. Như vậy bạn có thể đồng thời tận dụng tối đa khả năng sát khuẩn của nước muối sinh lý.

Bước 3: Thực hiện giống như vậy với bên còn lại.

Bước 4: Trong lúc xịt rửa mũi, thực hiện xì mũi nhẹ nhàng để các chất bẩn được đào thải hoàn toàn ra ngoài. Sau đó, vệ sinh các dụng cụ sạch để cho lần sử dụng sau. 

Khi thực hiện rửa mũi, bạn nên lưu ý rằng không đưa vòi xịt quá sâu và hốc mũi hoặc lực xịt quá mạnh khiến niêm mạc mũi bị tổn thương. Bên cạnh đó, thực hiện thở bằng mồm và tránh không cho nước muối chảy xuống họng, vì dòng nước này có thể kèm theo vi khuẩn từ bên trên hốc mũi gây viêm họng.

Bạn cũng không nên đi nằm hoặc ra ngoài ngay sau khi rửa mũi, nên chờ 15 - 20 phút để niêm mạc cân bằng trở lại. 

IV. Lưu ý khi dùng nước muối chữa viêm mũi dị ứng

Để chữa viêm mũi dị ứng bằng nước muối đạt hiệu quả cao thì ngoài việc thực hiện đúng kỹ thuật, người thực hiện cũng phải lưu ý một số vấn đề dưới đây:

  • Lựa chọn mua nước muối sinh lý tại các nhà thuốc uy tín. 
  • Nếu tự pha nước muối tại nhà, cần đảm bảo vệ sinh dụng cụ tốt và nên lọc qua trước khi sử dụng. 
  • Bên cạnh việc sử dụng nước muối để cải thiện các triệu chứng viêm mũi dị ứng, bạn cũng cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng để tăng cường đề kháng cho cơ thể.
  • Hạn chế hấp thụ các thực phẩm dễ kích ứng như đồ ăn cay nóng, chứa nhiều dầu mỡ, đồ có cồn và chất kích thích. 
  • Hạn chế tiếp xúc với môi trường khói bụi, ô nhiễm hoặc các nơi hoá chất nồng đậm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường có nhiều chất gây kích ứng, độc hại... cần đeo khẩu trang để giảm khả năng tiếp xúc. 
  • Giữ cơ thể ở nhiệt độ bình thường, tránh để bị quá nóng hoặc quá lạnh. Bên cạnh đó, duy trì tâm lý luôn thoải mái, hạn chế tình trạng bị stress kéo dài. 
  • Tránh lạm dụng rửa mũi quá nhiều lần trong ngày sẽ làm mất đi dịch nhầy tự nhiên của niêm mạc mũi, gây khô mũi.
  • Nước muối sinh lý chỉ là biện pháp hỗ trợ, cải thiện các triệu chứng ở mức độ nhẹ. Vì vậy khi bệnh diễn biến nặng, đừng quá phụ thuộc mà nên đi khám bác sĩ. 
  • Thường xuyên thăm khám bệnh định kỳ và giữ liên lạc với bác sĩ chuyên môn, nhằm ứng phó tình huống kịp thời.

Nên nhớ rằng, chữa viêm mũi dị ứng bằng nước muối là giải pháp hỗ trợ giống như các cách đến từ chế độ ăn hay sinh hoạt để cải thiện tình trạng bệnh. Giải pháp này đơn giản, chi phí thấp và thúc đẩy nhanh hơn tốc độ trị bệnh. Tuy vậy bạn cũng không nên quá phụ thuộc, nếu triệu chứng khó chịu của bệnh kéo dài hơn 2 tuần hoặc trở nặng bạn nên đi thăm khám tại các cơ sở y tế để có các biện pháp kịp thời điều trị.

DS. Hà Oanh
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //