Hơn 130 người nhập viện nghi do ăn đồ chay mua ở chợ
Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm do ăn đồ chay mua ở chợ.
Hơn 130 người nhập viện nghi do ăn đồ chay mua ở chợ. Hình ảnh các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh Dân Trí.
Sáng 8/5, ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) thông tin, hơn 130 người dân của các xã thuộc huyện Hòa Vang đã phải nhập viện sau khi ăn đồ chay ở chợ Túy Loan.
UBND huyện Hòa Vang xác nhận đến 8h sáng nay 8/5, có 133 người trên địa bàn nhập viện với các triệu chứng do ngộ độc, đau bụng, tiêu chảy.
Trong 133 người có 4 ca là trẻ em. Tất cả các trường hợp nghi ngộ độc nói trên đều là người dân chủ yếu đến từ các xã Hòa Nhơn, Hòa Phong thuộc huyện Hòa Vang.
Ông Dũng thông tin, có hơn 27 ca có triệu chứng nặng hơn đã được Trung tâm Y tế huyện chuyển lên các bệnh viện tuyến trên. Đến sáng 8/5, toàn bộ bệnh nhân tại Trung tâm y tế huyện Hòa Vang và các bệnh viện tuyến trên đều đã ổn định sức khỏe, đang được theo dõi điều trị.
"Hiện cơ quan y tế đã lấy tổng cộng 16 mẫu từ các cửa hàng bán thực phẩm chay trong đó có thực phẩm chưa chế biến, thực phẩm đã nấu chín" - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang nhận định.
Thông tin thêm, ngộ độc thực phẩm thường có các dấu hiệu như:
Đau bụng, người bệnh có thể chườm ấm giúp giảm đau tạm thời. Nhưng trong trường hợp đau bụng không giảm sau 48 giờ hoặc đau bụng dữ dội thì cần phải tìm trợ giúp y tế ngay.
Buồn nôn: Buồn nôn và lợm giọng là triệu chứng thường gặp của ngộ độc thực phẩm, sau đó thường kèm nôn.
Tiêu chảy: Khi bị ngộ độc thực phẩm người bệnh thường dễ gặp phải tình trạng tiêu chảy. Tiêu chảy có thể dẫn tới mất nước gây nguy hiểm tới sức khỏe người bệnh.
Khi có hiện tượng ngộ độc thức ăn chúng ta cần phải tìm ra nguyên nhân chính xác và tìm xem chất độc là gì thì mới có biện pháp xử lý kịp thời được.
Vì vậy, để tránh xảy ra ngộ độc thực phẩm, các chuyên gia luôn khuyên người dân nên sử dụng thực phẩm đảm bảo còn tươi sống như cá tươi sống, rau quả tươi, trứng còn nguyên vẹn.
Không nên ăn đồ hộp đóng gói, nếu ăn cần phải nấu chín kĩ. Không nên ăn các thực phẩm bơ sữa đã để quá lâu. Bảo quản thịt cá tươi cần bỏ vào bao sạch bỏ vào ngăn tủ lạnh.
Thức ăn khi đã bảo quản trong tủ lạnh thì nên để 1 – 2 ngày, không nên để quá lâu vì vi khuẩn có thể sinh sản và phân hủy trong đó. Những thức ăn khi đã có mùi lạ phải bỏ đi, thực phẩm bị ôi thiu không nên sử dụng nữa. Đặc biệt, không nên ăn thức ăn dọc đường để bảo đảm sức khỏe.