Hôm nay (31/3), đường sắt Cát Linh – Hà Đông lỡ hẹn chưa thể "chìa khoá trao tay"?
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 31/3, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải bàn giao cho TP Hà Nội, tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, ngày 31/3, vẫn chưa bàn giao "chìa khoá trao tay".
Để tháo gỡ vướng mắc cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định điều chỉnh tiến độ của Bộ GTVT ban hành tháng 12/2020, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được điều chỉnh tiến độ thực hiện đến 31/3/2021.
Theo Bộ GTVT, dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông là dự án đường sắt đô thị đầu tiên được cho phép triển khai thí điểm tại Việt Nam. Dự án có tính đặc thù cao, nền tảng kỹ thuật phức tạp, công nghệ mới, các đơn vị tham gia thực hiện còn thiếu kinh nghiệm; đồng thời, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động quản lý, tổ chức thực hiện loại hình hợp đồng EPC hiện nay chưa thực sự đầy đủ...
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang được Bộ GTVT phối hợp với TP Hà Nội kiểm đếm tài liệu, hồ sơ. (Ảnh: Thế Anh)
Từ thực tế nêu trên, dẫn đến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị chậm tiến độ, hoãn, giãn, dừng tiến độ nhiều lần trong 10 năm qua; mốc hoàn thành, khai thác kéo dài, chưa đáp ứng được kỳ vọng của chính quyền và nhân dân Thủ đô về việc sớm đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này, nhằm giúp khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông của Hà Nội.
Theo Bộ GTVT, thời gian qua Bộ này đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung toàn bộ nhân lực, thời gian để thực hiện những 1% những hạng mục còn lại của dự án.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp tích cực của TP Hà Nội, các Bộ, ngành liên quan, cùng các chủ thể thực hiện dự án (Tổng thầu, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định...) để tháo gỡ những vướng mắc còn lại.
Cửa lên xuống tàu Cát Linh - Hà Đông đều có chỉ dẫn hành khách. (Ảnh: Thế Anh)
Sáng (31/3), trao đổi với PV Dân Việt, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết: "Ngày 31/3, mới chỉ bắt đầu tiến hành quá trình bàn giao dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Dự án Cát Linh – Hà Đông rất phức tạp vì còn liên quan tới trách nhiệm của 3 bên, nếu bàn giao giữa 2 bên thì lại khác".
Đối với việc Tư vấn Pháp đánh giá theo tiêu chuẩn Pháp để tiến hành nghiệm thu bàn giao dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: "Dự án Cát Linh – Hà Đông không áp dụng theo tiêu chuẩn của Tư vấn Pháp mà vẫn áp dụng tiêu chuẩn của Trung Quốc. Hiện nay, tất cả các hạng mục thiết kế, thi công đều theo tiêu chuẩn Trung Quốc, luật pháp thì theo luật pháp Việt Nam. Tất nhiên, các bên có thể tham chiếu theo các tiêu chuẩn của nhau".
Hệ thống bán vé tàu Cát Linh - Hà Đông tự động. (Ảnh: Thế Anh)
Khi được hỏi về việc ngày 31/3, có phải là ngày bàn giao dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: "Chưa! hôm nay là quá trình tiến hành kiểm đếm, tiếp nhận từng hạng mục, còn ngày cuối cùng bàn giao thì Bộ GTVT sẽ ký với TP Hà Nội mới là ngày bàn giao, chứ chưa bàn giao chìa khoá trao tay".
"Hôm nay, không phải là ngày Bộ GTVT trao chìa khoá cho TP Hà Nội quản lý dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Bắt đầu từ hôm nay, Hà Nội sẽ cùng Bộ GTVT đi vào các phòng, các hạng mục để tiếp nhận ký các biên bản kiểm tra với nhau", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cũng đã khắc phục rất nhiều hạn chế theo yêu cầu của Tư vấn Pháp ví dụ: Phòng cháy chữa cháy phải di dời cây xăng ở khu vực ga La Khê, Hà Nội sẽ di dời.
Ngoài ra, việc cấp chứng chỉ phòng cháy, chữa cháy Công an sẽ cấp. Trước mắt, khi khai thác sẽ có nhân viên cảnh giới, hướng dẫn hành khách đi lại lên tàu Cát Linh – Hà Đông. Quá trình kiểm đếm diễn ra trong khoảng 3 tuần, sau đó sẽ bàn giao cho TP Hà Nội khai thác.