Hôi hoa ở Kim Mã: Bức tranh trần trụi về thói xấu của người Việt

07-03-2019 15:08:00

Những chậu hoa nhỏ dùng để trang trí trên dải phân cách đường Kim Mã bị nhiều người dân tới "hôi" của nhặt về nhà.


Hôi hoa ở Kim Mã: Bức tranh trần trụi về thói xấu của người Việt.

Mấy hôm nay, trên các mặt báo lớn, đâu đâu cũng thấy tin tức về vụ hôi hoa trang trí phục vụ dịp hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vừa qua trên đường Kim Mã, Hà Nội. Thật ra thì bao nhiêu sự thất vọng, bao nhiêu sự xấu hổ thì người ta cũng nói hết rồi. Buồn thì cũng buồn, thương thì cũng thương thật nhiều. Nhưng rồi đọng lại, chúng ta đánh đổi được nhiều bài học. Dù cái giá thực sự cay đắng và chua chát.

Nó là một sự thật trần trụi, nó cho chúng ta thấy được góc tối trong những lý tưởng hàng ngày mà ta vẫn thường nghĩ về nhau. Câu chuyện này không chỉ đơn giản là mấy chục cây hoa trang trí bị lấy đi mà là một bức tranh trần trụi về thói xấu của người Việt.

Còn nhớ tại lễ hội hoa anh đào Nhật Bản diễn ra tại Hà Nội năm 2008, trong khi nhiều người Nhật xếp hàng để vào cổng thì nhiều bạn trẻ Việt Nam công kênh nhau bật tường rào để vào. Rồi cả nam lẫn nữ ào ạt, xô đẩy nhau tranh nhau bứt hoa bẻ cành những cây hoa anh đào mà nước bạn đưa sang. Hành động ấy khiến nhiều người Việt thấy xấu hổ với những người bạn Nhật.

Chỉ sau đó 2 năm, cũng tại lễ hội hoa này trước khu tượng đài Lý Thái Tổ, đông đảo người dân xông vào cướp các chậu hoa khi Ban tổ chức Lễ hội phố Hoa Hà Nội đang thu dọn sau lễ bế mạc.  Hàng trăm chậu hoa, cây cảnh bị giẫm đạp đổ nát trước sự bất lực của lực lượng an ninh. Thật đáng buồn là những người tham gia cướp hoa lại có cả những cụ ông, cụ bà và nam thanh nữ tú.

Lễ hội Hoa Hà Nội bên Hồ Gươm kết thúc trong cảnh nhốn nháo, hỗn loạn như chợ vỡ. Đến nỗi có vị khách nước ngoài đi qua lắc đầu, buông: Crazy!

Năm 2014, hình ảnh những người dân Sài Gòn hôi hoa tại lễ khai trương của tập đoàn bán lẻ Aeoon Mall (Nhật) ở quận Tân Phú, TP.HCM đã làm xấu xí thêm hình ảnh con người Việt.

Sự việc xảy ra khi Aeoon Mall chưa tổ chức xong lễ khai mạc thì người dân đã lao vào giành hoa, mạnh ai người đó lấy. Điều đáng nói là một số người "hôi hoa" trông gia cảnh có vẻ không khó khăn gì.

Đó là những bài học mà chúng ta, mỗi người Việt Nam, đều phải học và đánh đổi bằng sự đắng cay, xấu hổ, bất lực trước cái xấu xa của những người Việt Nam khác.

Nghĩ mà đau lòng. Hết từ hôi bia, hôi lợn của sang hôi hoa. Những hành động như thế này có khác gì cướp ngày đâu. So với cách đây vài chục năm, đời sống của nhân dân ta đã khấm khá hơn rất nhiều nhưng nạn hôi của lại diễn ra khắp nơi và có chiều hướng ngày càng tăng.

Họ kiếm thêm được chút để lo cho bản thân và gia đình là được. Dường như họ đã quên mất lời răn dạy của ông bà ta “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Nghèo nhưng không được hèn”...

Hôi của xuất phát từ lòng tham vô đáy và sự ích kỷ, dù họ ý thức được đó không phải là tài sản của mình nhưng lại dung túng bản thân, cho bản thân cái quyền ngang nhiên đút túi. Sự tham lam vô lối đã lấn át lý trí và lòng tự trọng khiến họ - những người hôi của – có thể biết rõ việc mình làm là sai nhưng vẫn làm, bỏ qua việc bị cả xã hội lên án.

Căn nguyên sâu xa nhất của tệ nạn hôi của cũng như nhiều vấn nạn khác, là trách nhiệm cá nhân đã bị coi nhẹ trong cộng đồng, tâm lý đám đông đã ngấm vào máu, từ quan chức tới người dân. 


Xem thêm: Người dân hôi hoa ở Kim Mã.

Lý Thừa Ngân
Theo Đời sống Plus/GĐVN //