Hồ Duy Hải có phải tham dự phiên Giám đốc thẩm ngày mai?
Chuyên gia pháp lý đã trả lời câu hỏi về việc Hồ Duy Hải có phải tham dự phiên tòa Giám đốc thẩm dự kiến diễn ra vào ngày mai (6/5).
Như đã thông tin, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao dự kiến mở phiên xử Giám đốc thẩm xem xét vụ án Hồ Duy Hải bị tuyên tử hình về tội Giết người và Cướp tài sản, từ ngày 6 - 8/5. Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ làm Chủ tọa phiên tòa.
Tại phiên sơ thẩm và phúc thẩm, Hồ Duy Hải bị tuyên tử hình về tội Giết người và Cướp tài sản.
Ngoài các thành viên Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, đại diện VKSND Tối cao, các cơ quan tố tụng của tỉnh Long An, TAND Tối cao còn mời luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn luật sư TP.HCM) tham gia bào chữa cho Hồ Duy Hải.
Sau thông tin này, nhiều người đặt câu hỏi liệu Hồ Duy Hải có phải tham dự phiên Giám đốc thẩm ngày mai?.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, Giám đốc thẩm được hiểu là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Giám đốc thẩm là thủ tục đặc biệt, chỉ được tiến hành khi có kháng nghị Giám đốc thẩm.
Theo quy định, đây là phiên toà Giám đốc thẩm nên Hồ Duy Hải sẽ không được triệu tập như phiên sơ thẩm và phúc thẩm. Hội đồng thẩm phán chủ yếu xử trên hồ sơ, không có bị cáo, không nhân thân đương sự, không có bị hại. Theo đó, Hội đồng thẩm phán chỉ triệu tập những người đã thực hiện các tố tụng ở các cấp đã xét xử như điều tra viên, kiểm sát viên, giám định viên, luật sư.
Tuy nhiên, trong trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa Giám đốc thẩm; nếu họ vắng mặt thì phiên tòa Giám đốc thẩm vẫn được tiến hành.
Hiện trường nơi xảy ra vụ án. Ảnh: Đình Việt
Về công tác chuẩn bị cho phiên tòa Giám đốc thẩm, luật sư Hòe cho biết, Chánh án tòa án phân công một thẩm phán là thành viên Hội đồng Giám đốc thẩm làm bản thuyết trình về vụ án. Bản thuyết trình tóm tắt nội dung vụ án và các bản án, quyết định của các cấp tòa án, nội dung của kháng nghị. Bản thuyết trình và các tài liệu có liên quan phải gửi cho các thành viên Hội đồng Giám đốc thẩm chậm nhất là 7 ngày trước ngày mở phiên tòa Giám đốc thẩm.
Về phạm vi Giám đốc thẩm, Hội đồng Giám đốc thẩm phải xem xét toàn bộ vụ án mà không chỉ hạn chế trong nội dung của kháng nghị nhằm đảm bảo tính cẩn trọng trong việc xem xét lại, tránh xảy ra sai sót ở bất kỳ nội dung nào của bản án, quyết định bị kháng nghị.
Về thủ tục tại phiên tòa Giám đốc thẩm, theo luật sư, sau khi chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa, một thành viên Hội đồng Giám đốc thẩm trình bày bản thuyết trình về vụ án. Các thành viên khác của Hội đồng Giám đốc thẩm hỏi thêm thẩm phán thuyết trình về những điểm chưa rõ trước khi thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án. Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị thì kiểm sát viên trình bày nội dung kháng nghị.
Trường hợp người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị có mặt tại phiên tòa, những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng Giám đốc thẩm yêu cầu. Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án.
Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tại phiên tòa Giám đốc thẩm tranh tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án. Chủ tọa phiên tòa phải tạo điều kiện cho kiểm sát viên, người tham gia tố tụng trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng trước tòa.
Các thành viên Hội đồng Giám đốc thẩm phát biểu ý kiến của mình và thảo luận. Hội đồng Giám đốc thẩm biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố quyết định giải quyết vụ án.