Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô bị bắt, người mua bằng có bị xử lý?
Cơ quan chức năng đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô để điều tra về tội "Giả mạo trong công tác".
Ngày 30/7, cơ quan chức năng đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội “Giả mạo trong công tác” đối với 4 bị can, gồm: Dương Văn Hòa (SN 1983, trú tại Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội - Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô); Trần Ngọc Quang (SN 1962, trú tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội - Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên trường Đại học Đông Đô); Phạm Vân Thùy (SN 1981, trú tại phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, TP. Hà Nội - cán bộ trường Đại học Đông Đô); Lê Thị Lương (SN 1996, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội - cán bộ trường Đại học Đông Đô).
Theo tài liệu của cơ quan chức năng, Hiệu trường trường Đại học Đông Đô và một số cán bộ đã có dấu hiệu thông đồng, móc ngoặc với các trung tâm đào tạo ngắn hạn ở bên ngoài, thu thập hồ sơ của những người có nhu cầu tuyển sinh đào tạo, cấp văn bằng 2 cử nhân ngành ngôn ngữ Anh, hệ chính quy để thu tiền.
Sau khi sự việc xảy ra, dư luận quan tâm tới việc sau khi ông Hoà bị bắt, liệu rằng những tấm bằng đã được cấp trái quy định có được thu hồi và nhiều ý kiến cũng cho rằng, song song với việc xử lý các đối tượng, cơ quan chức năng cũng cần tìm và xử lý những người có hành vi mua bằng.
Trao đổi với PV, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã có những phân tích dưới góc nhìn pháp lý về vụ việc. Theo Luật sư Cường, chứng cứ cho thấy Dương Văn Hòa và 3 thuộc cấp đã thực hiện một trong các hành vi như sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả hoặc Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
Theo thông tin ban đầu, cơ quan điều tra xác định một số người không thi tuyển, không tham gia học tập tại trường nhưng đã bỏ tiền ra để được nhận văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh.
Các bị can hợp thức hóa hồ sơ để cấp bằng cho học viên trong thời gian ngắn. Việc cấp bằng đại học mà không thực hiện thủ tục tuyển sinh, không đào tạo như vậy là hành vi được xác định là làm, cấp giấy tờ giả.
Theo Điều 359 Bộ luật Hình sự, hành vi làm, cấp giả giấy tờ được xác định là cấp giấy tờ, bằng cấp không đúng thẩm quyền hoặc không đúng trình tự, thủ tục gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, ảnh hưởng đến việc quản lý chất lượng giáo dục đào tạo. Bởi vậy, hành vi này được xác định là nguy hiểm cho xã hội là căn cứ để buộc tội các bị can.
Hành vi của các bị can được xác định là có tổ chức và người phạm tội là người có trách nhiệm cấp các giấy tờ tài liệu đó. Vì vậy, 4 bị can có thể đối mặt với khung hình phạt từ 3 năm đến 10 năm tù, theo quy định tại các điểm a và b Khoản 2 Điều 359 Bộ luật Hình sự.
Quá trình điều tra, nếu cơ quan chức năng xác định có từ 6 đến 10 giấy tờ giả thì các bị can đối diện mức hình phạt có thể đến 15 năm tù. Trường hợp các giấy tờ, tài liệu giả từ 11 giấy tờ trở lên thì hình phạt sẽ là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm theo quy định tại Khoản 4 của điều luật này.
Người mua bằng sẽ bị xử lý ra sao?
Luật sư Cường cũng phân tích thêm, với các học viên học văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh của trường này sẽ chia làm hai nhóm. Theo đó, nhóm thứ nhất là những người không tham gia thi tuyển, không tham gia học tập... mà bỏ tiền ra để được nhận bằng tốt nghiệp thì đây là hành vi sai phạm của cả học viên lẫn cán bộ nhà trường.
Đối với các học viên không tham gia đào tạo, đã bỏ tiền ra để được cấp bằng theo hình thức mua - bán cũng cần phải xử lý tùy theo mức độ vi phạm. “Nếu họ biết là bằng cấp giả mà vẫn sử dụng để lừa dối cơ quan chức năng thì hành vi này có thể xử lý về tội Làm giả hoặc sử dụng tài liệu giả của cơ quan Nhà nước, quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự với hình phạt cao nhất là 7 năm tù.
Còn trường hợp những người này không nhận thức được đó là bằng cấp giả, chưa sử dụng vào mục đích lừa dối cơ quan chức năng thì hành vi này chỉ bị xử lý kỷ luật theo quy định của nơi họ công tác, hoặc phạt hành chính và thu hồi số tiền đã bỏ ra để mua bằng”, Luật sư Cường cho biết.
Nhóm thứ hai là các học viên tham gia thi tuyển sinh, tham gia học tập đào tạo theo đúng nội dung, chương trình của bộ giáo dục, đã thi tốt nghiệp (như các lớp VB2TA01, VB2TA02...) thì những học viên này phải được đảm bảo quyền lợi, phải được xem xét cấp bằng theo đúng quy định.
Những học viên này tham gia thi tuyển, tham gia học tập đào tạo là hoàn toàn công khai, ngay tình, đúng thủ tục, quy trình giáo dục, họ không biết được những sai phạm khác của cán bộ nhà trường.
Những học viên tham gia thi thật, học thật như vậy có đến hàng trăm người, họ đi học để phục vụ cho công việc và học tập, việc cấp bằng, nhận bằng tốt nghiệp là rất cần thiết.
Bởi vậy trường Đại học Đông Đô và Bộ GD&ĐT phải xem xét phân loại và sớm cấp bằng, trao bằng Đại học văn bằng hai, khoa ngôn ngữ Anh cho các học viên chân chính này.
Còn đối với những học viên thi cử, học tập nghiêm túc, được tổ chức học liên tục gần 2 năm theo từng lớp học như lớp VB2TA01, VB2TA02... ở trường này hệ văn bằng hai, ngôn ngữ Anh thì có đến hàng trăm người.
Những người này học tập là công khai, ngay tình, liên tục và không có bất cứ sai phạm nào liên quan đến vụ án hình sự nếu trên. Việc một số cán bộ nhà trường mua bán bằng cấp với người khác, những người này không biết nên không thể để họ chịu ảnh hưởng chung với những sai phạm đó.
Trường này thông báo tuyển sinh nhiều năm nay đăng công khai trên website, tổ chức thi đầu vào, tổ chức học, tổ chức thi học phần và thi tốt nghiệp theo quy định.
Bởi vậy những người tham gia quá trình đào tạo, tham gia thi thật, học thật phải được xem xét cấp bằng tốt nghiệp theo quy định chung của bộ giáo dục và đào tạo. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của Bộ DG&ĐT và trường đại học Đông đô, sao cho đảm bảo quyền lợi của những người học thật, thì thật.