Hàng hóa nông sản Hải Dương vẫn 'tắc' do quy định của Hải Phòng
UBND tỉnh Hải Dương có văn bản gửi UBND TP Hải Phòng, tiếp theo văn bản ngày 21-2 về việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là công văn thứ 4 gửi UBND TP Hải Phòng tính từ đầu tháng 2/2021.
Hải Phòng khẳng định “không ngăn sông cấm chợ” khi dừng tiếp nhận công nhân và hàng hóa từ Hải Dương về Hải Phòng là để đảm bảo an toàn cho nhân dân, mặc dù tỉnh Hải Dương đã có 4 công văn gửi Hải Phòng kêu “cứu”.
Điều này khiến hàng chục ngàn tấn nông sản của Hải Dương không xuất khẩu được gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, người dân.
Hàng chục ngàn tấn nông sản bị tắc tại cửa ngõ
Ngày 22/2, UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản gửi UBND TP Hải Phòng, tiếp theo văn bản ngày 21-2 về việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là công văn thứ 4 gửi UBND TP Hải Phòng tính từ đầu tháng 2/2021.
Văn bản do Chủ tịch Nguyễn Dương Thái tỉnh Hải Dương ký nêu rõ “hiện nay rau màu vụ đông của Hải Dương đang vào mùa thu hoạch rộ với sản lượng còn lại khoảng 90.000 tấn hành, tỏi, cà rốt, rau ăn lá. Trong số đó, cà rốt còn 30.700 tấn đã đến kỳ thu hoạch và 10.000 tấn đang được bảo quản trong kho mát (tương đương gần 1.500 container loại 40 feet); 5.500 tấn rau đến kỳ thu hoạch và 3.000 tấn đang bảo quản trong kho mát; 1.000 tấn lợn sữa và rau chế biến bảo quản trong kho.
Cà rốt được bày la liệt trên cánh đồng của tỉnh Hải Dương.
Theo kế hoạch, 80% lượng nông sản sẽ xuất khẩu qua cảng Hải Phòng từ nay đến cuối tháng 2/2021, đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia, Thái Lan... theo hợp đồng mà các doanh nghiệp đã ký kết với các đối tác nước ngoài và đặt lịch tàu biển. Để đạt được khối lượng nông sản xuất khẩu của Hải Dương như trên, trong nhiều năm qua các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương và các Bộ, ngành Trung ương đã rất nỗ lực trong đàm phán, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, tạo uy tín nông sản Việt Nam vào được các thị trường khó tính như vải, nhãn xuất khẩu sang Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Úc.
Cụ thể, cà rốt xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông; bắp cải xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc; hành, tỏi xuất sang Malaysia... Theo chủ tịch tỉnh Hải Dương, việc không thực hiện và giao hàng không đúng hợp đồng xuất khẩu đã ký kết không những gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nông dân và doanh nghiệp mà còn làm mất uy tín với hàng nông sản của Việt Nam. Do đó, lãnh đạo tỉnh này "một lần nữa đề nghị UBND TP Hải Phòng sớm tạo điều kiện để nông sản của Hải Dương lưu thông vào Hải Phòng để kịp thời xuất khẩu".
Su hào tại Hải Dương không được tiêu thụ buộc người nông dân phải chặt bỏ.
Trước việc UBND tỉnh Hải Dương liên tiếp gửi công văn đề nghị Hải Phòng tạo điều kiện cho nông sản lưu thông, chiều 23/2, trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công thương Hải Dương cho biết, đến nay việc tháo gỡ cho các xe xuất khẩu mới dừng lại ở một vài chuyến từ tối 21/2 vào đã chờ từ vài ngày trước, hiện còn hàng ngàn tấn nông sản xuất khẩu khác đang nằm chờ. Lý do TP Hải Phòng yêu cầu lái xe phải có chứng nhận xét nghiệm Covid-19 RT-PCR do CDC Hải Dương xét nghiệm và chứng nhận. Ông Hải cũng cho biết thêm, “Ngay sau khi UBND tỉnh Hải Dương có công văn gửi TP Hải Phòng về việc tạo điều kiện cho nông sản Hải Dương lưu thông vào Hải Phòng để kịp thời xuất khẩu, địa phương đang chờ trả lời của Hải Phòng và chờ động thái của Chính phủ họp trực tuyến”.
Hải Phòng vẫn “khước từ” Hải Dương
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Thọ- Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, “Sau khi nhận được công văn của UBND tỉnh Hải Dương, ngày 23/2 Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã có công văn trả lời tỉnh Hải Dương”.
Theo công văn, UBND TP Hải Phòng nhận được văn bản số 558/UBND-VP ngày 21/2/2021 của UBND tỉnh Hải Dương về việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Sau khi xem xét, UBND TP Hải Phòng có ý kiến: Thực tế từ ngày 16/2/2021, UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của thành phố giải quyết cho các lái xe cùng phương tiện vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu từ các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại tỉnh Hải Dương vào thành phố Hải Phòng khi đảm bảo các điều kiện: Có hợp đồng, đơn hàng cụ thể và có các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định. Lái xe, phụ xe phải có xét nghiệm âm tính đối với virus SARS- CoV-2 bằng phương pháp PCR tại các đơn vị Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định trong thời gian 3 ngày gần nhất.
Ngoài kiểm soát chặt hàng hóa từ Hải Dương vào, Hải Phòng còn dựng nhiều chốt quanh khu vực giáp ranh để ngăn người Hải Dương xâm nhập vào.
Các doanh nghiệp, chủ phương tiện và các lái xe, phụ xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, giấy tờ khi xuất trình cho cơ quan chức năng TP Hải Phòng kiểm soát. Đối với các lái xe của Hải Phòng chở hàng đi tỉnh Hải Dương thì phải có xác nhận của chủ phương tiện hoặc UBND xã, phường, thị trấn khi trở về thì phải ở tại khu tập trung do chủ phương tiện bố trí và lấy mẫu để xét nghiệm, trường hợp cố tình về nhà thì mới bắt buộc vào nơi cách ly tập trung. Hiện nay các lái xe cùng phương tiện vận tải hàng hóa của tỉnh Hải Dương và các lái xe Hải Phòng đi tỉnh Hải Dương khi trở về vẫn được vào thành phố Hải Phòng trên cơ sở đảm bảo các điều kiện trên.
Vì vậy, không cần thiết phải thực hiện phương án của UBND tỉnh Hải Dương đề xuất.
Trước đó, lãnh đạo TP Hải Phòng khẳng định, để đảm bảo cho công tác phòng chống dịch, thành phố Hải Phòng quyết định trong thời gian Hải Dương giãn cách xã hội (từ 16/2/2021 đến 3/3/2021), Hải Phòng dừng tiếp nhận tất cả công dân và hàng hóa từ Hải Dương về Hải Phòng. Đây là những biện pháp để đảm bảo an toàn cho Nhân dân, không có chuyện Hải Phòng “ngăn sông cấm chợ” như một số ý kiến phản ánh.
Bởi lẽ, trước tình Dịch bệnh Covid-19 hiện nay diễn biến hết sức phức tạp, Hải Phòng là địa phương có đến 5 huyện giáp ranh với Hải Dương, với nhiều tuyến giao thông huyết mạch quan trọng và đường mòn, lối mở tiếp nối với Hải Dương, một trong những tỉnh có số ca mắc bệnh cộng đồng nhiều nhất cả nước, đến nay tất cả các huyện và thành phố ở Hải Dương đều có ca nhiễm cộng đồng.
Qua lắng nghe ý kiến của nhân dân cũng như phản ánh của chính quyền địa phương và kiểm tra thực tế, tại các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ và các đường mòn, lối mở giáp ranh giữa Hải Phòng và Hải Dương có rất nhiều hàng hóa là lương thực, thực phẩm được người dân từ Hải Dương vận chuyển đến Hải Phòng tiêu thụ.
Mặt khác, hiện nay trong sân bay Tân Sơn Nhất, một số nhân viên bốc dỡ hàng hóa cho kết quả xét nghiệm dương tính với dịch bệnh Covid-19 mà nguồn lây nhiễm đang nghi là do hàng hóa. Ngay cả các loại hàng đông lạnh, Bộ Y tế cũng đã cảnh báo rất nhiều lần đó có thể là nguồn lây nhiễm. Đồng thời thành phố cũng xem xét từng trường hợp cụ thể gắn với các yêu cầu đảm bảo các điều kiện về hàng hóa và phòng chống dịch theo quy định.