Hàng cây cổ thụ đường Kim Mã sau 5 năm đánh chuyển: Sống dở, chết dở, không ai chăm sóc

22-04-2021 10:09:15

Sau 5 năm đánh chuyển sang vườn ươm ở Đa Tốn (Hà Nội), 106 cây cổ thụ ở đường Kim Mã không người chăm sóc.


Năm 2016, để lấy diện tích thực hiện dự án đường sắt trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã đồng ý cho di dời 106 cây xanh trên đường Kim Mã.


Sở Xây dựng cấp giấy phép dịch chuyển, chặt hạ cây xanh cho Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB). Sau đó, MRB đã ký hợp đồng với Công ty Beepro để thực hiện việc đánh chuyển cây xanh.


 Tiếp đó, Công ty Beepro đã thuê 3.000m2 đất của ông Nguyễn Văn Hưng (SN1966) ở Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) để trồng cây. Thời hạn thuê đất là 2 năm (từ 2/11/2016 đến 2/11/2018), chi phí thuê 150 triệu đồng/năm. Theo ông Hưng, thời gian đầu, Công ty Beep thuê một số người làm cây tại Văn Giang (Hưng Yên) lên chăm cây. Sau khoảng 2 tháng, cây đâm chồi, nảy lộc thì họ mời các bên liên quan và báo chí, truyền thông đến đưa tin rầm rộ.


Tuy nhiên, cũng kể từ đó trở đi, không còn ai đoái hoài đến hàng cây. Không còn công nhân đến tưới nước, làm cỏ… mùa hè, chúng bị bỏ mặc cho khô hạn nên một số cây đã chết


 Ông Hưng phản ánh, không chỉ bỏ mặc cây, Công ty Beepro còn nợ tiền thuê đất của ông. Phía Công ty mới trả 1 năm. Đến nay, đã quá thời hạn hợp đồng thuê đất 2 năm rưỡi nhưng số cây vẫn chưa được đánh chuyển đi, tiền thuê đất Công ty Beepro cũng không chi trả.


 “Mảnh đất này trước kia tôi thuê để trồng cây, nhưng sau đó tôi bán được số cây ấy đi nên thừa ra quỹ đất. Họ về thuê bảo để ươm cây cho thành phố, tôi tin tưởng nên cho thuê lại bằng đúng giá thuê của người dân. Bây giờ, hết hạn hợp đồng, cây không đánh chuyển đi, phá bỏ không được nên tôi phải tự đứng ra chịu chi phí thuê đất”, ông Hưng chia sẻ.


Ông Hưng đã nhiều lần liên hệ với phía Công ty Beepro nhưng không được. Ông tìm đến tận trụ sở công ty như ký trong hợp đồng nhưng nó hoàn toàn không tồn tại.


 Hiện tại, đã bước sang năm thứ 5 kể từ khi được đánh chuyển từ Kim Mã sang Đa Tốn, hàng cây cổ thụ đã chết nhiều do không được chăm sóc.

 
Ông Hưng ước tính, có khoảng 30-40 cây đã chết khô hoặc đang chết dần.


Theo khảo sát của PV, những cây chết khô phần đa là phượng, bằng lăng…  Thân cây đã chết khô lâu ngày, tróc vỏ.


Một vài cây xà cừ cổ thụ cũng đã chết, một số thì “sống dở, chết dở” do không được chăm sóc, tưới tắm thường xuyên.


 Ông Hưng mong muốn các cơ quan chức năng sớm có phương án đánh chuyển số cây trên để ông trả đất cho người cho thuê, đồng thời thanh toán nốt số tiền trong hợp đồng đã kí trước đó.

Triệu Quang – Như Hoàn
Theo Dân Việt //