Hai người đàn ông nguy kịch do ăn tiết canh ngan và thịt lợn ốm
Trước khi bị viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn liên cầu lợn, hai nam bệnh nhân có tiền sử ăn tiết canh ngan, giết mổ và ăn thịt lợn ốm.
Hình ảnh bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn. Ảnh Báo Sức khỏe và đời sống.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới đang cấp cứu và điều trị cho hai bệnh nhân bị viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn liên cầu lợn.
Cụ thể, trường hợp thứ nhất là ông Hà Văn E. (73 tuổi, Ở Duy Tiên, Hà Nam). Theo lời kể của người nhà, ngày 6/3, nhà ông E. được hàng xóm cho một con lợn khoảng 50 kg bị ốm, một mình ông E. đã giết mổ con lợn đó và nấu ăn.
Sau một ngày, ông E. xuất hiện đau đầu, buồn nôn, sốt cao và mê hoảng, được gia đình đưa vào Bệnh viện Hưng Hà (Hưng Yên), chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết/suy đa tạng.
Do diễn biến nặng nên ông E. được chuyển lên Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 8/3. Tại đây, bệnh nhân được cấp cứu, hồi sức tích cực, sử dụng kháng sinh liều cao và chăm sóc toàn diện, chẩn đoán viêm màng não do liên cầu lợn.
Trường hợp thứ hai là Đinh Văn Kh. (41 tuổi, ở Hưng Yên), bị viêm màng não mủ do liên cầu lợn sau 9 ngày ăn tiết canh ngan. Theo lời kể của người nhà, cách 9 ngày vào viện, bệnh nhân ăn tiết canh ngan mua ở chợ. Sau đó 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt không rõ nhiệt độ kèm đau đầu, mệt nhiều, bệnh nhân được đưa đến BVĐK Phố Nối (Hưng Yên) điều trị giảm đau.
Đến ngày 13/3, bệnh nhân xuất hiện đau đầu nhiều, vật vã, kích thích nên đã được đưa đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, bệnh nhân bị viêm màng não do liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh ngan.
Trao đổi với PV Báo Người lao động, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ lợn sang người. Hầu hết các ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín… Một số nhà hàng hiện nay dùng tiết lợn pha trộn vào tiết ngan, vịt, dê,... để bán ở các cửa hàng nhưng khi xét nghiệm vẫn ra vi khuẩn liên cầu lợn Streptococcus suis.
Ngoài ra, cũng có một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh do có thể do ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn sống, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.