Hai mẹ con bác sỹ hiến tạng, làm 'ngân hàng máu sống' khiến cộng đồng rơi nước mắt

27-02-2018 19:15:35

Hiến tạng, cấp cứu đột xuất, bác sĩ trẻ làm "ngân hàng máu sống", bác sĩ phiên dịch cho bệnh nhân người dân tộc thiểu số, là những nghĩa cử ngành y chinh phục trái tim cộng đồng.


Tấm lòng nhân hậu của bé Hải An đã mang món quà ánh sáng tới 2 bệnh nhân khiếm thị

Hiến tạng sau khi qua đời, đem lại cuộc sống và ánh sáng cho người khác

Ngày 17/3/2017, tại TPHCM, nữ công nhân Nguyễn Thị Sáng (19 tuổi, quê ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nhận tin mẹ tai nạn giao thông. Sau 5 ngày bất tỉnh, mẹ qua đời, Sáng rất đau đớn, chỉ biết khóc thương mẹ và nghĩ cảnh mấy chị em sớm mồ côi mẹ. 

Sau đó, ghi nhớ tấm lòng nhân hậu, vốn luôn giúp đỡ người khác của của mẹ, Sáng quyết định hiến tạng mẹ cho y học. Sáng tin rằng, mẹ cô sẽ ủng hộ quyết định này. 

Nhờ nghĩa cử của Sáng, bốn cuộc đời đã được hồi sinh. Câu chuyện Sáng hiến tạng mẹ để cứu người đã lan truyền rộng rãi, làm lay động lòng người. 


Bác sĩ Hoàng Thanh Tùng đã đăng ký hiến toàn bộ cơ thể mình tại Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia.

Câu chuyện hiến tạng truyền cảm hứng về tấm lòng tử tế còn phải kể đến hai mẹ con bác sĩ Vũ Thị Kim Thoa đều đăng ký hiến tạng.  Bác sĩ Vũ Thị Kim Thoa, Trưởng khoa Mắt, bệnh viện 198 trước khi qua đời đã hiến tặng giác mạc. Con trai bà là BS Hoàng Thanh Tùng cũng tình nguyện hiến tạng vào ngày 1/11/2017.

Năm 2013, bệnh ung thư vú của bác sĩ Vũ Thị Kim Thoa tái phát, di căn xương, bà đã điều trị và liên tục chiến đấu với bệnh tật đến giây phút cuối cùng.  Là một bác sĩ cả đời cống hiến cho ngành nhãn khoa, đến khi qua đời, bà dành đôi mắt của mình cho những ai chưa có may mắn được nhìn thấy ánh sáng.

Giác mạc của BS Thoa sau đó được gia đình quyết định trao tặng cho hai bệnh nhân bị mù bẩm sinh. Chỉ sau 1 ngày cấy ghép, mắt của bệnh nhân nhận giác mạc đã có thể nhìn thấy.

Chính đôi mắt của mẹ, hành động hiến giác mạc của mẹ đã tiếp thêm sức mạnh cho BS Hoàng Thanh Tùng thực hiện đăng ký hiến toàn bộ cơ thể mình tại Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia.

BS Tùng vừa tốt nghiệp bác sĩ nội trú của bệnh viện Mắt Trung ương. Trong tương lai, anh sẽ tiếp nối người mẹ của mình - trở thành một bác sĩ khoa Mắt, đem lại ánh sáng cho mọi người.

Gần đây, ngày 22/2/2018, câu chuyện bé Hải An qua đời nhưng có tâm nguyện hiến giác mác đem lại ánh sáng cho người khác cũng tiếp tục gây xúc động mạnh mẽ trong cộng đồng.

Bé Hải An (7 tuổi), qua đời vì chứng bệnh ung thư thần kinh thể hiếm. Sau khi bé mất, thực hiện mong ước của bé cũng như người nhà, cuộc phẫu thuật ghép giác mạc bé Hải An cho 2 bệnh nhân khiếm thị đã diễn ra vào chiều 26/2/2018. 

Cuộc phẫu thuật thành công, đem món quà ánh sáng của bé Hải An đến cho cụ bà 73 tuổi và người đàn ông 42 tuổi, đã nhiều năm phải sống trong bóng tối.


Thai nhi được cứu sống bởi các bác sĩ chạy đua 11 phút để đưa sản phụ lên bàn mổ

Chạy đua với tử thần, cứu người mẹ trẻ bị vỡ tử cung đột phát

Đêm 6/11/2017, sản phụ Nguyễn Thị Tuyết (22 tuổi, ở Thạch Thất, Hà Nội) đã mang thai 37 tuần, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng tử cung bị vỡ, ổ bụng ngập máu và nước ối. 

Nhận định tính mạng sản phụ và thai nhi đang bị đe dọa từng phút, lãnh đạo Bệnh viện đã chỉ đạo mổ cấp cứu khẩn cấp ngay 11 phút sau khi sản phụ vào viện. 

Ca mổ kéo dài 90 phút, thai nhi được chào đời ngay, cân nặng 2,5 kg; tử cung sản phụ đã được kíp mổ cố gắng bảo tồn thay vì cắt bỏ. Nhờ có cuộc cứu chữa xuất sắc này, sức khỏe của mẹ và con sản phụ đều được bảo toàn, ổn định. 


Bác sĩ Cương "ngân hàng máu sống" 

Bác sĩ trẻ làm "ngân hàng máu sống"

Bác sĩ trẻ Hoàng Chí Cương, sinh năm 1983 hiện là Phó trưởng Khoa Miễn dịch Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Tính đến nay, bác sỹ Chương đã đạt được kỷ lục với (86 lần) hiến máu và tiểu cầu để cứu sống cho nhiều người bệnh.

Với nụ cười tươi tắn, vui vẻ, hòa đồng và đặc biệt, anh được mệnh danh là "Ngân hàng máu sống" cho rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh về máu. 

Trung bình mỗi năm bác sỹ Cương tham gia hiến tiểu cầu từ 8-13 lần. Bác sỹ Cương cho hay, với anh mùng 1 Tết trong thời gian gần đây đã trở thành thông lệ là ngày đầu tiên anh đi hiến tiểu cầu của năm. 

Bác sỹ Cương giải thích: “Tiểu cầu chỉ bảo quản được 5 ngày. Trong khi mỗi dịp Tết, người dân được nghỉ dài từ 7-9 ngày, nếu không có đủ lượng tiểu cầu được hiến thì bệnh nhân rất khan hiếm máu. Vậy nên, cứ được phân công trực Tết ở viện vào Mùng 1 Tết là tôi lại hiến tiểu cầu.”

Những năm qua, với tâm niệm sẵn sàng giúp đỡ khi bệnh nhân cần máu, tiểu cầu, bác sỹ Cương không ngần ngại đăng ký tên mình vào danh sách “Ngân hàng máu sống” của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để khi nào có bệnh nhân cần, chỉ cần một cú điện điện thoại là anh lập tức có mặt.


Bác sĩ Phạm Văn Tuấn bên bệnh nhân nhí

Bác sĩ trở thành phiên dịch cho bệnh nhân dân tộc thiểu số

Sau khi tốt nghiệp loại giỏi tại Trường Đại học Y Hải Phòng, bác sỹ Phạm Văn Tuấn (sinh năm 1989) - quê ở Hải Dương, đã tham gia vào dự án đưa bác sỹ trẻ tình nguyện lên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa của Bộ Y tế.

Qua thời gian ngắn công tác, bác sĩ Tuấn đã thúc đẩy việc điều trị thành công các bệnh chuyên khoa nặng như: trẻ bị vàng da sơ sinh, tràn dịch màng phổi, viêm cầu thận cấp tiến triển nhanh... Đặc biệt, bác sỹ Tuấn đã phát hiện sớm những ca bệnh tim bẩm sinh, tư vấn cho gia đình khám và can thiệp thành công.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh, bác sỹ Tuấn còn trực tiếp giảng bài theo các chuyên đề, bồi dưỡng chuyên môn cho các đồng nghiệp tại đơn vị. 

Bác sĩ Tuấn cho hay, khó khăn lớn trong công việc là giao tiếp với những bệnh nhân người dân tộc thiểu số, bao gồm người Tày, người Mông, người Dao. Bởi vậy, cùng với việc khám chữa bệnh cho người dân, bác sỹ Tuấn còn cố gắng học tiếng của người dân, để làm sao chẩn đoán và điều trị bệnh tốt nhất. Và biết đâu anh sẽ là phiên dịch viên của những bệnh nhân người dân tộc khi về điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương?

Nhật Anh (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //