HAGL của bầu Đức thực sự lỗ bao nhiêu?
Chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long cho rằng, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – mã: HAG) của bầu Đức đã hồi tố ghi nhận khoản lỗ 4.916 tỷ đồng vào chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2019. Nếu ghi nhận vào năm 2020, số lỗ của HAGL sẽ lên tới hơn 5.000 tỷ đồng.
Bất ngờ khoản lỗ lũy kế 5.000 tỷ đồng tại HAGL của bầu Đức
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã: HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020.
Tại báo cáo này, HAGL ghi nhận hơn 3.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 49% so với năm 2019. Tuy nhiên, HAGL của bầu Đức vẫn ghi nhận mức lỗ trước thuế 2.170 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ -1.200 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý IV/2020 của HAGL do bầu Đức làm Chủ tịch HĐQT
Điều đáng nói, tại báo cáo tài chính quý IV/2020, HAGL của bầu Đức bất ngờ ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên tới gần 5.086 tỷ đồng. Trong đó, lỗ lũy kế sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2019 là 3.885 tỷ đồng và 1.200 tỷ lỗ sau thuế chưa phân phối trong năm 2020 vừa qua.
Con số này bất ngờ ở chỗ, tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2019 công bố trước đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm 2019 của HAGL dương gần 291 tỷ đồng, trong đó 216,5 tỷ đồng là khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của doanh nghiệp trong năm 2019.
Giải mã số lỗ 5.000 tỷ đồng của HAGL
Đề cập về con số này, các khoản mục trên bảng cân đối kế toán của HAGL tại thời điểm 31/12/2019 đã được trình bày lại tại báo cáo quý IV/2020.
Trong đó, số lợi nhuận/lỗ lũy kế chưa phân phối từ +291 tỷ đồng đã giảm xuống âm 4.625 tỷ đồng sau điều chỉnh. Do đó, lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2020 được HAGL ghi nhận - 5.086 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý IV/2020 của HAGL do bầu Đức làm Chủ tịch HĐQT
Như vậy, HAGL của bầu Đức đã điều chính hồi tố ghi nhận thêm lỗ 4.916 tỷ đồng vào chỉ tiêu lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2019.
Theo lý giải của HAGL, trong các báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, 2019 đã được kiểm toán, công ty kiểm toán Ernst&Young đã đưa ra ý kiện loại trừ liên quan đến khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tồn động.
Đến nay, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của Tâp đoàn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Ban Tổng giám đốc HAGL đã dựa trên nguyên tắc thận trọng rà soát lại số liệu quá khứ liên quan đến ước tính và dự phòng giá trị thu hồi các khoản phải thu và thực hiện điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2019 bằng cách trích lập dự phòng các khoản phải thu tồn đọng nhằm giúp cho báo cáo tài chính năm 2020 không phải tiếp tục bị ý kiến ngoại trừ.
"Trong tương lai, khi các dự án và tài sản làm cơ sở đảm bảo phát triển và tăng giá trị thì các khoản dự phòng này có thể được hoàn nhập dần dần. Ban Tổng giám đốc tin rằng, việc trích lập dự phòng trên nguyên tắc thận trọng sẽ giúp nâng cao tính minh bạch của báo cáo tài chính và trên cơ sở đó phục vụ tốt hơn cho việc sử dụng thông tin của các cổ đông", HAGL nhấn mạnh.
Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HAGL
Dưới góc nhìn của một chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính kế toán, ông Phan Lê Thành Long cho biết: HAGL "chơi" kỹ thuật hồi tố, đẩy khoản lỗ ghi nhận này về báo cáo tài chính năm 2019, để tránh ghi vào BCTC năm 2020, mặc dù việc ghi lỗ này vừa mới quyết định.
Trên thực tế, trong quý III/2020 HAGL của bầu Đức đã thực hiện hoán đổi khoản phải thu lấy cổ phần của Chăn nuôi Gia Lai, biến Chăn nuôi Gia Lai thành công ty con, tạo ra lợi thế thương mại tăng thêm gần 6.000 tỷ đồng.
Đến quý IV/2020, HAGL quyết định dự phòng (làm sạch) cho khoản này và ghi hồi tố vào lỗ trên báo cáo tài chính năm 2019. Cụ thể, nhìn lại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2019 của HAGL trước đây có thể thấy, khoản dự phòng phải thu ngắn hạn và dài hạn lần lượt là 91 tỷ đồng và 253 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính quý IV/2020, sau khi được trình bày lại, con số này tăng lên 2.938 tỷ đồng (dài hạn) và 2.209 tỷ đồng (ngắn hạn). Theo ông Long, nếu như HAGL lập dự phòng này trong năm 2020, số lỗ năm 2020 là hơn 5.000 tỷ đồng.