Hà Nội: Nhiều người dân ở Nhật Tân bỏ đào trồng rau để kịp bán Tết
Sau lũ, nhiều diện tích đất trồng đào trước đây bị bỏ không vì đào đã chết. Giá đào giống tăng cao, một số nhà vườn đành phải chuyển sang trồng các loại rau màu như su hào, cải bắp để có thu nhập trước Tết.
Hơn một tháng trôi qua, những gốc đào héo úa vẫn nằm ngổn ngang trên đường vào vườn đào Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội), giống như một vết sẹo chưa lành sau cơn bão Yagi tàn khốc để lại.
Dọc bờ sông Hồng, hàng trăm gốc đào vẫn trơ trụi chưa có người dọn dẹp, nhổ bỏ. Ở thời điểm này những năm trước, các chủ vườn đang tất bật chuẩn bị tuốt lá, dùng mọi biện pháp kỹ thuật để kích đào chuẩn bị ra hoa chờ Tết. Nhưng năm nay lại khác, một bầu không khí ẩm đạm, thậm chí u buồn hiển hiện trên khuôn mặt của những người cả cuộc đời gắn bó với cây đào ở Nhật Tân.
Nước lũ lên cao nhấn chìm những vườn đào, vườn quất ở Nhật Tân.
Nhật Tân là vựa đào lớn bậc nhất miền Bắc, những cây đào vừa là niềm tự hào vừa là sinh kế của người dân nơi đây. Không chịu để đất trống, những khoảng đất trước đây trồng đào nhưng bị chết do lũ lụt hiện đang được cày xới để gieo trồng những loạt cây hoa màu ngắn ngày như hoa cúc, su hào, cải bắp... để kịp bán vào vụ Tết sắp tới.
Anh Hậu (Nhật Tân, Tây Hồ) đang tất bật kéo những cành đào chết khô, dọn dẹp hậu quả sau trận lũ lụt lớn. Cách đó không xa vợ chồng anh Lượng cho biết, gia đình anh vốn có hàng trăm gốc đào xanh mướt nay chỉ còn là những cành cây khẳng khiu, khô héo, nhìn mà chán chưa buồn xử lý.
Trước tình cảnh vườn đào hơn 300 gốc bị tàn phá hoàn toàn sau trận lũ, mảnh đất rộng lớn đầy màu mỡ, phù sa không thể bỏ không như vậy, ông Hoàng Thăng Long đã quyết định tận dụng mảnh đất này để trồng su hào tạm thời. Nhiều nhà vườn xung quanh cũng có ý tưởng tương tự, họ chọn trồng hoa cúc với hy vọng kịp bán vào dịp Tết.
Người dân Nhật Tân cải tạo đất để trồng hoa màu.
Việc lựa chọn các loại cây có thời gian sinh trưởng ngắn như su hào và hoa cúc là một giải pháp tình thế, giúp các nhà vườn có thể thu hồi một phần chi phí đã bỏ ra sau khi hứng chịu thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra.
Để phục vụ những vườn đào bị tàn phá sau trận lũ lịch sử, nhiều hộ gia đình ở Nhật Tân đã quyết định trồng lại. Họ đã mang cây đào con từ các tỉnh như Phú Thọ, Thanh Hóa về để ghép mắt đào Nhật Tân.
Tuy nhiên, do nhu cầu trồng lại tăng cao đột ngột, giá cây giống đã tăng vọt, từ mức 5.000 - 6.000 đồng lên đến 40.000 đồng một gốc. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho người dân, thậm chí nhiều người không thể mua được cây giống vì cung nhỏ hơn cầu.
"Quá trình khôi phục từng gốc đào không chỉ tốn kém mà còn mất thời gian. Phải mất ít nhất 3 năm nữa những cây đào con mới có thể đem lại lợi nhuận. Điều này có nghĩa người dân Nhật Tân sẽ phải đợi đến năm 2026 mới có thể trở lại với không khí Tết như xưa", ông Long buồn rầu chia sẻ.
Rau màu được trồng trên đất phù sa tươi tốt nên phát triển nhanh.
Phải mất nhiều năm khôi phục, vựa đào Nhật Tân mới có thể trở lại như trước đây.
Chị Hoàng Quỳnh (35 tuổi, Cầu Giấy), một người chơi đào lâu năm tâm sự: "Do ảnh hưởng của bão lũ, mùa màng cây trồng của nông dân bị thiệt hại nặng nề. Đó là nỗi buồn chung của tất cả mọi người. Chính mình cũng rất quan ngại về thị trường đào Tết năm nay, dự đoán giá cả sẽ tăng cao nhưng mong rằng người dân sẽ cố gắng vượt qua được giai đoạn này".
Theo báo cáo của UBND quận Tây Hồ, trận mưa lũ vừa qua đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho diện tích trồng đào và quất trên địa bàn. Cụ thể, khoảng 105ha đào và 35,5ha quất bị ngập, ước tính thiệt hại khoảng 85 tỷ đồng.
Tại phường Nhật Tân, tình hình còn nghiêm trọng hơn khi gần như toàn bộ diện tích đất bãi sản xuất nông nghiệp của người dân bị ngập. Hơn 65 ha đào, chiếm 65,4% tổng diện tích trồng đào của phường, đã bị mất trắng, gây thiệt hại lên tới 40 tỷ đồng.
Để giảm thiệt hại và tận dụng tối đa diện tích đất sau lũ, người dân các phường ở Tây Hồ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cụ thể, người dân phường Phú Thượng tập trung trồng các loại hoa ngắn ngày như hoa dơn, loa kèn, hoa cúc. Người dân phường Nhật Tân chủ yếu trồng hoa cúc, trong khi người dân phường Tứ Liên và khu vực bãi giữa sông Hồng chuyển sang trồng rau màu và cây dược liệu.