Hà Nội: Đường ngập, nhiều người tranh thủ bắc cầu tạm, kéo xe thu tiền triệu mỗi ngày ở Đại lộ Thăng Long
Nước ngập sâu từ 40 đến 50 cm, khiến xe máy không thể lưu thông. Nắm bắt được điều này, nhiều người dân đã dựng cầu tạm bắc qua đoạn ngập sau đó thu tiền người đi xe máy với giá 10 nghìn đồng một lượt.
Đại lộ Thăng Long kết nối trung tâm Hà Nội với các huyện phía Tây như Hoài Đức, Quốc Oai, và Thạch Thất. Cả tuần nay, nhiều điểm ở dọc đường gom Đại lộ Thăng Long vẫn ngập nước do mưa lớn kéo dài, nước sông Tích lên cao khiến cho việc di chuyển của người dân gặp vô cùng khó khăn.
Nắm bắt được cơ hội này, nhiều người đã tranh thủ kiếm tiền từ việc bắc cầu tạm mem theo điểm ngập để cho xe máy đi qua rồi thu tiền. Cầu tạm được người dân dùng nhiều miếng gỗ ghép vào nhau, chằng buộc, đóng đinh rồi bắc qua đoạn nước sâu.
Anh Nguyễn Anh Tuấn (Thạch Thất) chia sẻ: "Hằng ngày tôi di chuyển qua tuyến đường này bằng xe máy để đi làm. Những ngày gần đây, nếu muốn tránh chết máy hay ướt quần áo, tôi phải thuê xe kéo với giá 50.000 VND, cũng khá tốn kém".
"Mỗi ngày 2 lần đi và về tôi phải bỏ 20 nghìn đồng để đi qua chiếc cầu tạm do một số người dân dựng lên. Trong hoàn cảnh như thế này thì phải chấp nhận thôi. Nếu tôi cố đi qua chỗ ngập sẽ bị chết máy, hoặc thuê xe kéo thì số tiền tăng lên nhiều lần", Chị Trần Phương (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết.
Một tấm biển có nội dùng "Qua cầu 10K" được đặt ngay đầu cầu để tiện cho việc thu tiền người dân qua lại.
Bên cạnh việc làm cầu tạm để kiếm tiền, suốt những ngày qua, hàng chục người dân sinh sống quanh khu vực ngập lụt ở Đại lộ Thăng Long bỏ việc nhà, mang xe kéo ra đường kiếm tiền.
Cứ hai người một xe, chuyển một chiếc xe máy qua điểm ngập lụt họ thu 50 nghìn đồng. Chị Lê Thị Tĩnh (Thạch Thất) cho biết: "Tôi với đứa em cắm chốt ở km 27 từ những hôm đầu tiên nước dâng cao. Nhìn vậy thôi chứ cũng vất vả lắm, khó nhất là lúc cho xe máy lên và xuống xe kéo, không cẩn thổ đổ vỡ còn phải đền".
Theo quan sát, số lượng người đi xe máy có nhu cầu thuê xe kéo khá đông, nhất và vào giờ tan tầm, công nhân ở các khu cung nghiệp quanh đó hết giờ làm. "Có lúc chúng tôi làm không hết việc, ngày cao điểm tôi kéo 20 đến 30 chiếc xe là bình thường", một người kéo xe tiết lộ.