Gợi ý đáp án môn Ngữ Văn kỳ thi THPT Quốc Gia 2020 đợt 2

03-09-2020 08:51:27

Hướng dẫn gợi ý giải chi tiết đáp án đề thi môn Ngữ Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia đợt 2 năm học 2020-2021.

7h30 sáng ngày 4/9, trong kỳ thi đợt 2 này, các thí sinh bắt đầu buổi thi tổ hợp khoa học tự nhiên, trong đó Vật lý là môn thi đầu tiên và tổ hợp khoa học xã hội trong đó GDCD sẽ là môn thi đầu tiên. Đa số thí sinh đánh giá đề thi năm nay nằm trong kiến thức THPT và khá dễ dàng vượt ngưỡng tốt nghiệp nhưng lại có tính phân hóa cao, khó giành điểm giỏi.

Dưới đây là chi tiết đề thi Ngữ Văn:

Gợi ý đáp án đề thi môn Ngữ Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia đợt 2 năm học 2020-2021

BÀI GIẢI GỢI Ý

I .Đọc hiểu

Câu 1 Phương thức biểu đạt : Nghị luận 
Câu 2 Theo đoạn trích, người ta e ngại đó là một đại dự án viễn vông và không có tính khả thi. 
Câu 3 Theo đoạn trích, điểm tương đồng về cơ sở làm nên thành công trong thám hiểm vũ trụ và xây dựng đường hầm xuyên biển Manche là niềm tin kiên trì và sức mạnh của niềm tin sẽ dẫn đến sự thành công.
Câu 4 Đây là câu hỏi mở. học sinh có quyền đưa ra câu trả lời phù hợp với bản thân học sinh. Tuy nhiên, phần trả lời cần có những lập luận xác đáng, thuyết phục và hợp lý. Vì thế, học sinh có thể đồng ý rằng “Niềm tin cho ta sức mạnh để thực hiện mọi điều dù khó khăn nhất”. Tuy nhiên, trong việc thực hiện những điều khó khăn đó chưa chắc thành công nếu thiếu tài năng cần thiết và những điều kiện thực tế.

II Làm văn

Câu 1 Trình bày suy nghĩ về “Sự cần thiết phải có niềm tin vào cuộc sống”

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
- Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo hình thức diễn dịch, quy nạp, tổng – phân - hợp, móc xích hoặc song hành. 
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: “Sự cần thiết phải có niềm tin vào cuộc sống” 
c. Triển khai vấn đề nghị luận
- Thí sinh lựa chọn thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề lập luận theo nhiều cách khác nhau nhưng phải làm rõ “Sự cần thiết phải có niềm tin vào cuộc sống”. Bài viết có thể triển khai theo hướng sau:
Giới thiệu vấn đề:
Một nhà văn nào đó đã viết khi mất tiền người ta được kinh nghiệm, nhưng khi mất niềm tin người ta mất tất cả. Vì thế, con người cần phải có niềm tin vào cuộc sống.

Phần triển khai vấn đề:

- Giải thích vấn đề: 

+ Cuộc sống là gì? Một câu hỏi luôn khắc khoải trong tâm hồn mọi người về ý nghĩa của cuộc sống. Sống không chỉ là sự tồn tại như W.Shakespeare đã viết trong Hamlet “to be or not to be”. Tồn tại hay không tồn tại, và con người không chỉ là tồn tại mà là phải sống với những ý nghĩa cao đẹp của nó.
+ Niềm tin là gì? Tin vào cuộc sống là tin vào thiên nhiên, con người, trí tuệ của nhân loại, tình yêu thương của con người dành cho nhau, khả năng của bản thân, kinh nghiệm của cha ông, kiến thức trong sách vở,… 
+ Tại sao phải có niềm tin vào cuộc sống? Bởi vì niềm tin có ý nghĩa, giá trị, sức mạnh to lớn đối với cuộc sống của từng con người

*Niềm tin mang lại động lực tinh thần giúp người ta làm việc;
*Niềm tin mang lại niềm vui cho con người khi làm việc;
*Niềm tin mang lại niềm an ủi, khích lệ, động viên khi người ta gặp những việc buồn đau, bất trắc;
*Niềm tin giúp người ta vượt qua những khó khăn, thử thách, trở ngại;
*Có niềm tin, con người có thể có sự bình an, hạnh phúc, chịu đựng, nhẫn nại, kiên trì trước các nghịch cảnh éo le;
*Không có niềm tin, người ta dễ rơi vào tâm trạng bất an, khủng hoảng khi đương đầu với các thử thách;
*Không có niềm tin, người ta dễ sống theo kiểu ăn miếng trả miếng, mạnh được yếu thua;

- Bài học rút ra:

+ Phải thấy được giá trị to lớn của niềm tin vào cuộc sống;
+ Phải tin vào những điều cao cả, tốt đẹp, thiêng liêng và không nên tin vào những điều chỉ có giá trị tạm bợ, không có ý nghĩa cao quý.
+Có niềm tin nhưng không mê tín, không dựa dẫm, không ỷ lại, không mù quáng. Có những niềm tin mù quáng dẫn con người đến những bi kịch khóc liệt, thậm chí đánh mất cả cuộc đời mình. Cần biết trau dồi, học tập, rèn luyện để có thể sống độc lập, tự tin và có năng lực chuyên môn cần thiết.

- Kết thúc vấn đề:

+Niềm tin là một động lực cần thiết giúp con người làm nên những công trình vĩ đại. Cuộc sống bình yên, hạnh phúc và có ý nghĩa hơn nếu con người có những niềm tin đúng đắn.

Câu 2 phân tích khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong đoạn thơ.

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. 
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng;

Học sinh có thể  giải quyết vấn đề theo hướng sau:

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đoạn trích:

- Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Thơ ông là sự kết hợp hài hòa giữa lí tưởng CM với cảm hứng trữ tình. Một trong những bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu là bài Việt Bắc.
- Bài thơ được sáng tác năm 1954, nhân dịp trung ương Đảng và chính phủ rời chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Bài thơ là khúc hát ân tình của người kháng chiến đối với quê hương đất nước, nhân dân cách mạng được thể hiện bằng hình thức đậm đà tính dân tộc. 
- Đoạn thơ là nỗi nhớ nồng nàn về một Việt Bắc – vừa thơ mộng vừa hùng tráng trong kháng chiến.

2. Phân tích đoạn thơ

* Khái quát chung:

 - “Việt Bắc” là địa danh ở phía Bắc của miền Bắc Việt Nam, là chiến khu cách mạng trong thời kì kháng chiến chống Pháp.
- Cái tên “Việt Bắc” không chỉ gợi niềm tự hào về vẻ đẹp của quê hương đất nước mà còn gợi đến hình ảnh của Trung Ương, Chính phủ, Bác Hồ, về người cách mạng và nhân dân Việt Bắc đã đoàn kết một lòng để lập nên những chiến công vang dội trong thời kì chống Pháp. Bên cạnh những đoạn thơ trữ tình ngọt ngào, ta còn bắt gặp những khúc ca hùng tráng tràn đầy khí thế chiến đấu và chiến thắng của quân dân ta mà tiêu biểu là bức tranh Việt Bắc ra trận.
- Theo dòng nhớ của chủ thể trữ tình, đoạn thơ dẫn người đọc vào khung cảnh Việt Bắc với không gian núi rừng rộng lớn, với khí thế hùng dũng của đoàn quân ra trận...

* Phân tích:

a. Bức tranh thiên nhiên sát cánh cùng con người đánh giặc:

Nhớ khi giặc đến giặc lùng 
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành lũy sắt dày 
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù.

- Động từ nhớ cùng với biện pháp liệt kê hai cụm từ giặc đến giặc lùng đã bộc lộ nỗi nhớ của người kháng chiến về Việt Bắc trong những năm tháng kháng chiến khó khăn, gian khổ: giặc đến bủa vây, lùng sục, bắt bớ những người kháng chiến. Đại từ ta thay thế cho thiên nhiên và con người. Hóa ra, rừng cây núi đá luôn sát cánh cùng con người đánh giặc, đuổi Tây. Hai câu thơ vừa thể hiện lòng căm phẫn kẻ xâm lược vừa thể hiện lòng biết ơn của cách mạng đối với thiên nhiên, đất trời Việt Bắc. Hình ảnh Núi giăng thành lũy cùng với phép nhân hóa trong hai cụm từ rừng che, rừng vây cho thấy sự hùng vĩ, trùng điệp của núi rừng Việt Bắc đã trở thành những bức tường, thành lũy dày đặc để che chở cho bộ đội trước sự vây ráp của kẻ thù đồng thời giúp bộ đội ta vây bắt kẻ địch.

Mênh mông bốn mặt sương mù
Ðất trời ta cả chiến khu một lòng.

- Nỗi nhớ còn gắn với những ngày sương mù phủ đầy lên khắp núi rừng Việt Bắc. Đây là hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt, trời lạnh thấu xương nhưng lại có ý nghĩa đối với kháng chiến. Sương mù mênh mông ngăn cản bước tiến của kẻ thù để bảo vệ Người cách mạng. Câu thơ Ðất trời ta cả chiến khu một lòng ngắt nhịp 3/3/2 nhấn mạnh thiên nhiên và con người đồng lòng chiến đấu tiêu diệt kẻ thù chung. Lời thơ nhắc tới ba yếu tố đất, trời, ta (chỉ con người) làm ta nhớ đến câu nói nhân gian Thiên thời địa lợi nhân hòa. Hóa ra cuộc chiến đấu của nhân dân ta có sự hợp nhất, đồng lòng từ sức trời, đất và con nguời.

b. Bức tranh hùng vĩ của những đêm Việt Bắc trong mùa chiến dịch:

Những đường Việt Bắc của ta 
Ðêm đêm rầm rập như là đất rung.

- Cách viết Việt Bắc của ta không chỉ thể hiện ý thức tự hào về quyền làm chủ quê hương, đất nước mà còn là niềm tự hào về vùng đất Việt Bắc bất khả xâm phạm. Ta cũng chợt nhớ đến những vần thơ hào sảng của Nguyễn Đình Thi: “Trời xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta...” Các từ láy đêm đêm, rầm rập cùng với hình ảnh so sánh thậm xưng như là đất rung diễn tả khí thế xung trận mạnh mẽ, hùng dũng của đoàn quân và nhịp độ khẩn trương gấp gáp của một lực lượng đông đảo tạo thành sức mạnh tổng hợp như làm cho mặt đất cũng rung chuyển. Câu thơ tạo nên nét vẽ hào hùng, là âm vang của cuộc cuộc kháng chiến thần thánh và sức mạnh nhân nghĩa bốn nghìn năm của dân tộc, không một thế lực nào có thể ngăn cản được...
- Nhà thơ miêu tả khái quát con đường ra trận để nói lên khí thế dũng mãnh của con người ra trận.

Quân đi điệp điệp trùng trùng 
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan 

- Từ láy điệp điệp, trùng trùng diễn tả chính xác không khí tự tin, hồ hởi của dòng người vô tận, người người lớp lớp như sóng cuộn thi nhau ra tiền tuyến, tất cả vì kháng chiến. Hình ảnh ẩn dụ ánh sao đầu súng gợi ánh sao vừa gần gũi, thân quen với mũ nan của anh chiến sĩ, vừa như rực sáng trên đầu mũi súng người lính, tượng trưng cho ánh sáng của lý tưởng, của niềm lạc quan. Lời thơ bay bổng gợi nhớ hình ảnh đầu súng trăng treo (Chính Hữu). Trong đêm tối hình ảnh đoàn quân hiện lên càng mạnh mẽ, oai hùng trong tư thế làm chủ đất trời,vũ trụ. Đó là những con người anh hùng của mảnh đất anh hùng.

Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

- Trong chiến tranh, nhân dân ta lấy ngày làm đêm, lấy đêm làm ngày. Bởi thế nên giữa đêm Việt Bắc ra quân, cạnh những đoàn quân đi, ta còn thấy hình ảnh của Dân công đỏ đuốc từng đoàn. Biện pháp đảo ngữ gợi tả hình ảnh từng đoàn dân công hùng dũng, hiên ngang, dài bất tận dưới ánh đuốc bập bùng với khí thế, niềm tin mãnh liệt. Hình ảnh muôn tàn lửa bay mang lại vẻ đẹp bay bổng, lãng mạn cho câu thơ. Những tàn lửa bay ra từ bó đuốc rơi xuống đất thật sự làm cho con đường ra trận thêm lung linh, huyền ảo... Hình ảnh phóng đại Bước chân nát đá lấy ý từ câu thành ngữ chân cứng đá mềm khẳng định ý chí, sức mạnh phi thường đạp bằng mọi chông gai, khó khăn, thử thách trên con đường ra trận của nhân dân trong kháng chiến.

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên.

- Hai câu thơ đối lập giữa bóng tối và ánh sáng. Bỏ đằng sau cái nghĩa thực của cuộc hành quân xuyên rừng vượt núi, xuyên qua đêm tối sương dày thăm thẳm thì nghĩa bóng về hình ảnh ngày mai lại thật lạc quan phơi phới. Nghệ thuật so sánh thật tài tình... Câu thơ vừa thể hiện được cái dư vị của cảnh hành quân hoành tráng, đầy hào khí chiến đấu, chiến thắng, vừa thể hiện niềm lạc quan phơi phới: tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
Đoạn thơ nói về Việt Bắc buổi đêm nhưng có nhiều chi tiết nói về ánh sáng: ánh sáng của các vì sao, của các bó đuốc, của muôn tàn lửa, của đèn pha ô tô. Tất cả đã phản ánh niềm tin vào sự tất thắng, vào Cách mạng của quân và dân ta.

c. Niềm phấn khởi tự hào truớc những tin vui chiến thắng vang dội:

- Nhớ những chiến công vang dội những ngày đầu kháng chiến của quân và dân ta:

Ai về ai có nhớ không? 
Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng 
 Nhớ sông Lô, nhớ phố Ràng 
 Nhớ từ Cao-Lạng nhớ sang Nhị Hà...

- Đại từ phiếm chỉ ai lặp lại hai lần vừa chỉ người ra đi vừa chỉ người ở lại. Câu hỏi tu từ có nhớ không vừa như hỏi người ra đi vừa như tự chất vấn mình, nhắc nhở nghĩa tình đừng quên nghĩa tình kháng chiến. Bốn câu thơ nhưng từ nhớ được lặp lại sáu lần đã khắc họa sâu sắc nỗi nhớ quay quắt, da diết về quê hương Việt Bắc.
- Nỗi nhớ ấy gắn liền với những chiến công lớn ở Phủ Thông, đèo Giàng, sông Lô, phố Ràng, Cao-Lạng, Nhị Hà. Các địa danh được liệt kê từ xa cho đến gần (từ hồi đầu chống Pháp ở Phủ Thông, đèo Giàng; đến trận đánh sông Lô trong chiến dịch Việt Bắc năm 1947 cho đến trận đánh đồn phố Ràng ở Yên Bái năm 1948; chiến dịch Cao – Lạng năm 1950 giải phóng biên giới Việt - Trung), giọng thơ hào sảng cho thấy niềm tự hào của tác giả về quyết tâm chiến đấu và sự lớn mạnh của lực lượng kháng chiến.
- Những chiến thắng liên tiếp:

Tin vui chiến thắng trăm miền 
 Hòa Bình, Tây Bắc, Ðiện Biên vui về 
 Vui từ Ðồng Tháp, An Khê 
 Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.

- Bốn câu thơ cuối nói tới những chiến thắng dồn dập đổ về Việt Bắc từ khắp các chiến trường trong cả nước. Từ vui được lặp lại bốn lần, các cụm từ vui về, vui từ, vui lên diễn tả niềm vui vĩ đại,vừa tạo không khí phấn chấn, rộn ràng, vừa biểu đạt được ý: Việt Bắc chính là đầu não của cuộc kháng chiến. Niềm vui khắp nơi được tụ về rồi tỏa đi trăm ngả.
Những địa danh gắn liền với những chiến công liên tiếp vừa chan chứa chất thơ vừa dào dạt niềm tự hào, niềm vui sướng mãnh liệt trước chiến thắng vang dội, lẫy lừng của quân dân ta trong kháng chiến. Hàng loạt địa danh được liệt kê, mỗi địa danh ghi dấu một chiến công của dân tộc. Cách gọi tên địa danh diễn tả tình yêu núi sông và niềm tự hào trào dâng của tác giả.
Nhận xét chung: với bút pháp vừa hiện thực, vừa lãng mạn, nhà thơ đã vẽ nên một bức tranh Việt Bắc ra trận thật đẹp và hoành tráng. Đoạn thơ không chỉ làm sống dậy những năm tháng hào hùng của dân tộc mà còn mang đến cho ta niềm tin yêu quê hương cách mạng anh hùng.

*Nghệ thuật:

- Đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu: đậm đà tính dân tộc với thể thơ lục bát, ngôn ngữ bình dị với nhiều từ láy, biện pháp nghệ thuật quen thuộc của dân tộc với kiểu tiểu đối, phép trùng điệp, so sánh... Đoạn thơ có âm điệu sôi nổi, dồn dập, mạnh mẽ...
3. Kết bài:

- Đoạn thơ đậm chất sử thi hào hùng, mang không khí thần thoại và cảm hứng anh hùng ca.
- Khắc họa thành công hình ảnh Việt Bắc anh hùng trong kháng chiến. Bộc lộ niềm tự hào về sức mạnh dân tộc, làm sống lại một thời kì lịch sử đã qua với những chiến tích lớn và niềm vui lớn.

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Cập nhật nhanh nhất đáp án đề thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia đợt 2 năm học 2020-2021. Đề thi có lời giải chi tiết, đáp án của 24 mã đề trắc nghiệm với những môn: Môn Toán, Môn Anh, Môn Sử, Môn Địa, Môn Lý, Môn Hóa, Môn Sinh, Môn giáo dục Công Dân có trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia.

Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, có 26.014 thí sinh sẽ dự thi đợt 2. Đây là những thí sinh trong diện F1, F2, thí sinh ở những địa bàn đã phải cách ly do dịch Covid-19 nên không thể dự thi đợt 1.

Trong đó, Đà Nẵng có số thí sinh sẽ dự thi đợt 2 đông nhất là 10.807, tiếp đến là Quảng Nam 9.103 thí sinh, Đắk Lắk có 5.396 thí sinh. Một số tỉnh như Sơn La, Nam Định, Hải Phòng, Kon Tum, Bà Rịa- Vũng Tàu, mỗi nơi có 1 thí sinh thi đợt 2.

Doisongvietnam.vn sẽ cập nhật Điểm thi THPT 2020 và Điểm chuẩn Đại học 2020 trong thời gian sớm nhất.

Ngân Quỳnh (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //