Gói vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng: Người dân hiểu chưa trúng, Phó Thống đốc nói gì?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là nguồn huy động của các ngân hàng, không phải nguồn ngân sách như nhiều người nói. Người mua nhà được hưởng tới 3,5% lãi suất cả đầu vào lẫn đầu ra.
Chia sẻ về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang được triển khai tại 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, VietinBank, BIDV và Vietcombank), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, hiện nay vẫn còn những người hiểu chưa trúng về gói tín dụng này. Chính vì vậy, Phó Thống đốc đã làm rõ một số thông tin.
Cụ thể, ông Tú cho biết hiện nay, có 2 kênh vay mua nhà ở xã hội. Kênh thứ nhất là vay Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất ưu đãi. Nguồn vốn cho vay là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.
Kênh thứ 2 là vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại khác vẫn cho vay mua nhà theo chính sách của từng ngân hàng.
Riêng về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Phó Thống đốc nhấn mạnh, không phải là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước như nhiều người nói. Như đề cập ở trên, nguồn ngân sách Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội đang cho vay và giải ngân cho đối tượng là người nghèo theo Nghị định 100 – đó là một kênh khác. 120.000 tỷ đồng này hoàn toàn là nguồn vốn của 4 ngân hàng thương mại gồm Agribank, VietinBank, Vietcombank và BIDV huy động trong nền kinh tế và dành ra để cho vay với lãi suất ưu đãi từ 1,5% - 2% trên tinh thần tự nguyện.
"Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai gói này, trong đó có 4 ngân hàng thương mại nhà nước đăng ký, mỗi ngân hàng 30.000 tỷ đồng. 4 ngân hàng này dành ra 120.000 tỷ đồng không phải để một cục tiền chết, mà đặt ra con số 120.000 tỷ đồng phấn đấu với mức lãi suất giảm 1,5% - 2% nhằm thực hiện mục tiêu 1 triệu căn nhà cho người nghèo và công nhân theo đề án của Chính phủ", Phó Thống đốc cho hay.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là nguồn huy động của các ngân hàng, không phải nguồn ngân sách. (Ảnh: HT)
Về thời gian thực hiện, ông Tú thông tin: Kênh cho vay 120.000 tỷ đồng không thực hiện trong năm nay, mà thực hiện đến năm 2030.
Về đối tượng và điều kiện vay, Phó Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước không quy định đối tượng được mua nhà ở xã hội. Khách hàng thuộc đối tượng như thế nào, điều kiện ra sao do Bộ Xây dựng và Chính quyền địa phương quy định.
Về phía ngành ngân hàng, chỉ quy định khi khách hàng thuộc đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng lại chung cư cũ có nhu cầu đến vay ngân hàng và thủ tục vay như các khoản vay thông thường. Các ngân hàng cũng không có quy định riêng nào ngoài quy định cho vay thông thường hiện nay.
Về lãi suất, hiện gói này giảm 1,5% lãi suất cho vay đối với nhà đầu tư và 2% đối với người mua nhà. Như vậy thực chất người mua nhà được giảm 3,5% lãi suất.
"Đầu vào cũng được hưởng thông qua người đầu tư chắc chắn giá bán phải rẻ hơn và đầu ra là người mua nhà đang được hưởng là 2%. Như vậy đã có sự hỗ trợ tới 3,5% cả đầu vào và đầu ra", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Thống đốc, trong các danh mục công bố hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo danh mục dự án nào đã tiến hành để được đầu tư và có công trình để được mua bán mới được vay. Hiện có 3 dự án trên Bắc Giang bắt đầu mua nhà và Vietinbank triển khai ngay cho vay. Các dự án mới chỉ nằm trên giấy thì không thể cho vay.
Liên quan đến lãi suất vay gói 120.000 tỷ đồng này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi trên đối với người mua nhà ở xã hội vẫn rất cao nếu so với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm áp dụng cho năm 2023 đối với người mua nhà ở xã hội.
Đồng thời, theo ông Châu, với quy định "áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 5 năm" và "lãi suất cho vay khi hết thời gian ưu đãi" thì "ngân hàng thương mại và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất" có thể dẫn đến "rủi ro" cho người vay vốn.
Chủ tịch HoREA đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu đề xuất gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng (bằng khoảng 30% nhu cầu nguồn vốn để thực hiện Chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030) theo cơ chế "tái cấp vốn, cấp bù lãi suất" theo kế hoạch chi ngân sách nhà nước trung hạn tùy thuộc vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay với lãi suất ưu đãi khoảng 4,8-5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm để trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.