Giao lưu trực tuyến: “Cô gái Việt tỷ đô và khát vọng toàn cầu”

22-06-2017 10:14:55

Các kênh truyền thông nổi tiếng thế giới đã nhắc đến hiện tượng kinh tế kỳ lạ ở Việt Nam: Một doanh nghiệp gia đình sở hữu cơ ngơi hàng tỷ USD và nằm trong số những công ty của người Việt có khát vọng vươn ra toàn cầu.

Kỳ lạ hơn, doanh nghiệp được vận hành bởi ông bố và 2 cô con gái nhưng đang chiếm lĩnh thị phần ngang ngửa Pepsi và vượt qua cả Coca-Cola.

Doanh thu của Tân Hiệp Phát năm 2016 đã đạt mốc 500 triệu USD và với việc đưa thêm nhiều nhà máy vào hoạt động, doanh thu 1 tỷ USD đã là mục tiêu gần trong vài năm tới. Đến 2027, con số này sẽ là 3 tỷ USD.

Thật bất ngờ, người gánh vác mục tiêu này là một cô gái 36 tuổi – Trần Uyên Phương.

Nữ doanh nhân nhân này đang gây xôn xao dư luận những ngày cuối tháng 6/2017 khi phát hành tự truyện “Chuyện nhà Dr Thanh” công khai những thâm cung bí sử ở gia tộc kinh doanh có tiềm lực và bí ẩn bậc nhất này.

Cuốn sách được Trần Uyên Phương dành nhiều tâm huyết viết trong gần 10 năm và vừa ra mắt đã gây ra một cơn sốt thực sự trên thị trường với khoảng 6.500 cuốn bán ra chỉ sau 3 ngày đầu tiên.

Những khát vọng, những biến cố và cả những bí mật chưa từng được nói sẽ lần đầu được bật mí.

Nữ doanh nhân này nói về những bài học, những bí mật kinh doanh, cuộc sống tỷ phú nhưng không có biệt thự, không có xe riêng, không có hàng hiệu của những người trong gia tộc này.

Tất cả đã được Trần Uyên Phương trả lời thẳng thắn trong cuộc “Giao lưu trực tuyến: Cô gái Việt tỷ đô và khát vọng toàn cầu” trên báo điện tử Dân Trí.

- Để kế thừa doanh nghiệp có giá trị cả tỷ USD, ba chị có đặt điều kiện gì với chị không? Ví dụ như phải lấy một người chồng là doanh nhân lớn chẳng hạn? (Hoàng Mạnh Tiến, Hải Dương, doanh nhân)

- Trong gia đình tôi, chúng tôi hiểu rõ, thừa kế là trách nhiệm chứ không phải là quyền lợi. Điều kiện của ba tôi cho bất cứ người kế nhiệm của gia đình là: Phải chuyển giao toàn bộ tài sản cho thế hệ tiếp theo, cộng tiền lãi.

- Thưa chị, nghe nói nhà chị có nhiều tiền mà không tiêu tiền. Nghe nói nhà chị không ai có nhà lầu, xe hơi – thế thì làm ra tiền để làm gì ạ? (Hoàng Bạch Lai – Tiền Giang)

- Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn xây dựng và thực hiện mục tiêu để đưa doanh nghiệp Việt ra thế giới. Tiền không phải là mục tiêu của gia đình tôi.

Tôi đã từng viết lá thư chia sẻ với ba tôi: "Ba ơi thắng thua là chuyện bình thường trong cuộc sống, đúng không ba? Cảm ơn ba đã cho con luôn được chơi hết mình. Cảm ơn ba cho con hiểu thế nào là đúng nghĩa chơi cuộc chơi lớn, thế nào là sống cuộc sống vì một điều gì đó chứ không phải vì có thật nhiều tiền và giữ tiền để ăn dần.

Nghe dường như rất mâu thuẫn nhưng chỉ có những người thật sự chơi cuộc chơi lớn mới hiểu được tại sao phải sống cuộc sống đơn giản, không bị lệ thuộc vào vật chất, chỉ có những người đó mới hiểu chạy theo vật chất sẽ làm “hèn” và “hư” mình".

- Năm 2015, Tân Hiệp Phát cũng dính vào khủng hoảng truyền thông lớn. Người ta cho rằng, công ty bị mang danh xấu vì chưa có hệ thống quản trị danh tiếng. Là người học về quản trị kinh doanh, chị rút ra được bài học gì, về cách giữ gìn và phát triển thương hiệu, ứng xử với truyền thông, khách hàng? (Một bạn đọc tại Cần Thơ)

- Câu chuyện của THP là vụ khủng hoảng truyền thông lớn trong nhiều năm qua, sự cố diễn ra cách đây 3 năm nhưng nó vẫn như mới xảy ra đối với nhiều người. Sự cố đó kéo dài 90 ngày liên tục trên mạng xã hội. Tôi và cả tổ chức học được rất nhiều bài học khi đi qua sự việc này.

Với đa số doanh nghiệp Việt, chúng ta ở trong giai đoạn chỉ nghĩ đến việc bán sản phẩm, hơn là xây dựng hình ảnh doanh nghiệp, hình ảnh cá nhân. Rõ ràng, chúng tôi cần cải tiến mảng truyền thông nhiều và nhiều hơn nữa. Chúng tôi đầu tư rất nhiều cho công nghệ và sản xuất. Chúng tôi tự hào khẳng định những công nghệ THP đầu tư là hiện đại nhất thế giới và đầu tiên tại Châu Á. Nhưng nhìn nhận lại, trong một số thời điểm, chúng tôi lại quá tệ trong mảng truyền thông.

Là người lãnh đạo, qua sự cố, một lần nữa tôi nhận thấy sự đoàn kết, sự gắn bó mạnh mẽ và tình cảm lớn mà đại gia đình THP dành cho nhau. Mặc dù có rất nhiều ứng viên xin việc đã sợ hãi và từ chối nhưng chúng tôi cũng tìm ra những nhân sự rất tốt, sẵn sàng bảo vệ cái đúng và tìm thách thức, khó khăn để cải tiến.

- Xin chào Báo Dân trí, xin chào cô Trần Uyên Phương. Tôi xin hỏi: Cô Uyên Phương đã lấy chồng hoặc có người yêu chưa và người đó có vai trò gì trong sự nghiệp hôm nay của cô? Xin cảm ơn. Phạm Anh Tuấn, Giảng Võ, Hà Nội ( phamanhbts2017@gmail.com )

- Câu trả lời của tôi cho câu hỏi này chưa bao giờ thay đổi. Tôi đã cưới “THP” .

Tôi xác định tôi được sống cho mọi người, bất kể họ là ai, họ sẽ có thể được thể hiện chính họ, họ có thể thực hiện ước mơ và tạo sự khác biệt cho cuộc sống của người khác.

Tôi mong muốn tìm được người bạn đời trong tương lai cùng chung mục tiêu như ba má tôi tìm được nhau.

- Đọc sách xong tôi mới hiểu đằng sau sự thành công của một doanh nhân nổi tiếng, hiểu được khó khăn chung của giới doanh nhân. Cám ơn chị và bác Thanh đã truyền cảm hứng cho người trẻ chúng tôi. Nhiều người nói về phương châm không làm ăn nhỏ của một nữ doanh nhân Việt nổi tiếng. Còn phương châm của chị thì sao? (T.Phương - Tân Bình - TP.HCM)

- Cám ơn bạn đã đọc cuốn sách, được truyền cảm hứng và tham gia chương trình giao lưu này. Ba tôi là người luôn có ý tưởng làm ăn lớn và tôi cũng được thụ hưởng ở ba tôi ý chí làm ăn lớn.

Ba tôi vẫn hay dạy nhân viên bao gồm cả chúng tôi: "Kinh doanh không khó, có thể nói kinh doanh rất dễ, nhưng kinh doanh có lời mới khó". Theo tôi, hiểu được năng lực của mình mới quan trọng. Nếu làm ăn lớn mà chúng ta mất kiểm soát thì chúng ta nên xem lại. Còn nếu làm ăn nhỏ mà chúng ta thấy có đủ sức, đủ tiềm năng phát triển thì chúng ta nên tập trung hết sức để khai thác cơ hội.

- Khát vọng toàn cầu - tôi cho rằng đó là ước nguyện của rất, rất nhiều doanh nghiệp. Với riêng chị, điều gì cần làm để hiện thực hóa được điều đó - Vươn ra biển lớn (P.A - Hải Phòng)

-  Năm 2003, chúng tôi đưa ra tầm nhìn vươn ra thế giới, thời điểm ấy, trong nghành nước giải khát, chúng tôi không đáng để được kể tên trong danh sách các các doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực nước giải khát. Đến năm 2010, chúng tôi là công ty địa phương đứng đầu nghành nước giải khát tại VN. Điều đó tạo thêm sự tự tin cho toàn bộ cán bộ công nhân viên THP và tôi tin là cho cả các doanh nghiệp Việt khác. Chúng tôi đã và đang:

1. Hoàn thiện bộ máy tổ chức.

2. Đầu tư cho chuyên gia nước ngoài sắp xếp lại quy trình để phân công rõ ràng vai trò trách nhiệm của từng vị trí trong tổ chức.

3. Mở rộng nhà máy, đầu tư công nghệ, cải tiến sản xuất.

4. Đầu tư thương hiệu.

5. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, hiện nay chúng tôi có hơn 100 sản phẩm đang được nghiên cứu

6. Đầu tư phát triển nhân sự

7. Bên cạnh đó để đạt được mục tiêu nhanh hơn chúng tôi sẵn sàng mở cửa cho các đối tác nước ngoài nếu họ có thể giúp chúng tôi đạt được mục tiêu nhưng không phải hợp tác để thôn tính. Quan trọng vẫn là sự quyết tâm của tổ chức, tiếp tục cải tiến, nổ lực hoàn thiện từng ngày để đạt được mục tiêu.

- Thưa chị, bên Tân Hiệp Phát có dự kiến phát triển về lĩnh vực cà phê hay không? Hiện tại chúng tôi đang khởi nghiệp về cà phê. Chị đánh giá sao về ý tưởng này. Cảm ơn chị và Dân Trí. (Đặng Đình Quý -dangdinhquy5984@gmail.com)

- THP sở hữu dây chuyền hiện đại nhất để có thể sản xuất cà phê sữa uống liền hoàn toàn khác biệt. Các đây 5 năm, THP đã giới thiệu ra thị trường sản phẩm cà phê VIP. Nhưng sau đó chúng tôi quyết định ngưng duy trì sản phẩm này vì nhận thấy, thói quen tiêu dùng cà phê của người Việt Nam vẫn mạnh trong phân khúc uống cà phê tại quán.

Nếu bạn muốn hỏi chi tiết, tôi sẵn sàng hỗ trợ, bạn vui lòng liên lạc qua Facebook: uyenphuong tran.

- Xuất phát từ đâu chị ra quyển sách “Chuyện nhà Dr Thanh”? Tôi nghĩ Tân Hiệp Phát không hẳn muốn kiếm tiền từ việc bán sách, đây hẳn là một chiêu trò PR? Chị hoàn toàn có quyền từ chối câu hỏi này của tôi, thưa chị!

- Cảm ơn chị, một câu hỏi hay và tôi không từ chối trả lời. Nếu là chiêu trò PR, tôi có thể có rất nhiều chiến dịch từ báo chí, mạng xã hội và truyền hình. Nếu ai đó có suy nghĩ, lựa chọn việc ra mắt một cuốn sách là công cụ PR thì không nên. Với tôi, cuốn sách đó còn là cuộc đời, ăm ắp kỷ niệm về gia đình, về ba mẹ, về người thân, về những bài học mà bao thế hệ gia đình đã trải qua và tạo dựng. Vì cuốn sách đó, tôi mất gần 10 năm để thu thập tư liệu, với rất nhiều cảm xúc.

Tôi phải chạy đua để kịp hoàn tất vào “Ngày của cha” và “Ngày gia đình Việt Nam” năm nay - bất chấp các sự ngăn cản, trong đó có cả sự ngăn cản của ba tôi. Tôi bắt đầu viết cuốn sách khi THP đang đứng đầu thị trường nước giải khát, hiện nay chúng tôi đang giữ vị trí thứ 2.

- Chị có dám nói thẳng về "vụ con ruồi" không? Vì sao vụ con ruồi Tân Hiệp Phát không trả tiền mua sự im lặng? Rõ ràng về mặt kinh tế, làm như vậy có lợi hơn. (Huy Bình – Châu Thành, Tiền Giang)

- Thưa anh, tôi sẵn sàng nói thẳng. Tôi không tin mua sự im lặng sẽ có lợi hơn về mặt kinh tế như quan điểm của anh. Chúng tôi tin vào sản phẩm của mình. Nếu chúng tôi trả tiền, chúng tôi sẽ không biết sai ở chỗ nào, chúng tôi mất kiểm soát. Khi đó chúng tôi mới thật sự mất uy tín.

- Có đúng là làm giàu không khó không, thưa cô Uyên Phương? Tôi thì tôi chẳng tin như thế. Tôi đang làm việc điên cuồng đây mà mãi chỉ lừng chừng, không có gì tiến triển suốt mấy năm nay. (Một bạn đọc tại Quảng Ninh)

- Nếu làm giàu không khó thì cháu không biết làm gì khó. Ba cháu vẫn nói gần như trong tất cả các buổi họp của Marketing. “Kinh doanh không khó, hay có thể nói kinh doanh rất dễ nhưng kinh doanh có lời mới khó”. Đi được tới đích rất khó, THP bây giờ 23 năm.

Năm thứ 20, nhà sáng lập THP đã phát biểu “Đó là 20 năm làm nháp, bây giờ mới bắt đầu”. Cháu mong chú tìm được sự đồng cảm qua cuộc đời và sóng gió mà ba cháu đi qua.

- Chào chị Uyên Phương, vừa qua em có xem, nghe và nghiền ngẫm rất lâu đoạn nói chuyện của chị trên sóng Sài Gòn FM cách đây vài ngày. Trong cuộc trò chuyện, chị có nói một ý: Uy tín, sự thành công của doanh nghiệp có được từ sự tin tưởng của người tiêu dùng. Qua "vụ án con ruồi", dưới góc độ của một người tiêu dùng thuần tuý, uy tín của Tân Hiệp Phát suy giảm trầm trọng.

- David Ogilvy có nói: We sell or else - Bán được hàng không thì vứt. Suy cho cùng, doanh nghiệp làm tất cả chỉ để thoả mãn người tiêu dùng, để bán được hàng. Là người phụ trách truyền thông của THP, trong thời gian tới, chị và công ty sẽ làm gì để "cảm hoá" người dùng lại lần nữa?

- Xin hãy cho em một lý do để tin chị. Thú thật, trong gia đình Dr. Thanh, chị là người duy nhất khiến em muốn "suy nghĩ lại" liệu có tin quy kết lỗi lầm hết cho THP hay không cho vụ án con ruồi. Cảm ơn Dân Trí và chị Uyên Phương rất nhiều! Từ H.Duyên (26 tuổi, TP.HCM)

- Rất cám ơn câu hỏi của em. Và cám ơn em đã cố thử để có tin và quy kết lỗi lầm hết cho THP không. Em có thể xem thông tin tại đây: http://tranquithanh.com/post.php?slug=382-dot-pha-doanh-so-ban-hang

Những người tiêu dùng có cách suy nghĩ và nhìn nhận của họ. Thông tin báo chí cũng đã đưa rất nhiều. Chị khẳng định: Sự tồn tại của THP là để đem dến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng tốt nhất.

Chị tốn 10 năm không để thanh minh, nhưng để chia sẻ bài học và những thành công, thất bại của THP với cặp mắt người trong cuộc. Chị mong em đọc cuốn sách và sẽ được tiếp tục trò chuyện với em trên facebook của chị: uyenphuong tran.

- Việc ông Thanh chọn chị làm người kế nhiệm mà không phải em gái Phương có khiến gia đình xảy ra cạnh tranh quyền lực không? (Hải Anh – Hà Nội).

- Gia đình tôi xác định rằng, vị trí cao ở Tân Hiệp Phát không phải là quyền lợi mà là trách nhiệm và nghĩa vụ. Mỗi quyết định đều phải có sự đồng thuận của các cá nhân. Vị trí cao nhất ở Tân Hiệp Phát không chỉ có tôi và em gái tôi, mà chúng tôi còn tìm kiếm các ứng viên khác trên toàn thế giới.

- Một người sở hữu khối tài sản lớn như cô và gia đình, quỹ thời gian mỗi ngày của cô như thế nào? Tôi chắc là vòng quay công việc sẽ rất khủng khiếp. (Tuan Pham – Hà Nội)

-  Tháng 5 vừa rồi tôi vừa hoàn tất chạy 21km tại Đà Nẵng, ban đầu tôi nghĩ không đời nào tôi làm được. Sau đó, tôi nói với ba tôi tôi sẽ ra mắt sách để kịp tặng ba vào ngày của Cha và trước ngày Gia đình Việt Nam. Ba tôi và rất nhiều người không tin tôi làm được. Tôi nghiệm ra qua cuộc đời ba tôi và chính cuộc sống của mình, những câu chuyện mà anh có thể tìm thấy trong cuốn “Chuyện nhà Dr.Thanh”, lý do không thể to hơn mục đích.

Nếu chúng ta quyết tâm, chúng ta sẽ làm được. Các bạn có thể đọc thấy rất nhiều câu chuyện gục ngã trong cuốn sách nhưng có niềm tin chúng ta sẽ vượt qua.

- Cô Uyên Phương, tôi biết điều tôi sắp nói đây chắc cũng đã nhiều người thắc mắc với cô, giá trị của một con người không nằm ở những đồ trang sức mà họ có. Nhưng thật khó hiểu nếu bạn kiếm được nguồn thu nhập khổng lồ, có gia sản cả tỷ đô la mà không sắm cho riêng mình chiếc xe. (Đỗ Chiến Thắng – Long An)

-  Việc sắm xe với tôi không khó nhưng nhu cầu hiện nay của tôi hiện nay chưa cần thiết. Đối với tôi xe là phương tiện để phục vụ chứ không để thể hiện tôi ở đẳng cấp nào. Điều tôi đặt ra cho bản thân là sao để đóng góp cho những người xung quanh và tạo cơ hội để nhiều người hơn được giúp đỡ.

- Đọc cuốn sách của cô, tôi ấn tượng mạnh với câu chuyện, cha Thanh của cô đã tự mình cắt quyền phân phối thương hiệu nước giải khát của gia đình với chính em trai cô. Tôi hiểu đó như một hình thức sa thải. Và chắc nhiều người cũng vậy. Đến giờ cô nhìn nhận điều đó ra sao? Sự quyết liệt đó phải chăng tạo ra sức mạnh cho thành công hiện nay của gia đình? (Nguyễn Bình An – nhà báo tại Hà Nội)

-  Tôi cũng viết thẳng thắn trong cuốn truyện. Đó là quyết định khó. Em trai tôi là nhà phân phối lớn, nhưng nhân viên cấp dưới lại phạm lỗi khi bán sang thị trường của nhà phân phối khác và em tôi phải chịu trách nhiệm về nhân viên của mình.

Và đối với tôi phải khóc vì điều đó, nhưng khóc và phải xử lý để đảm bảo cho hệ thống phân phối của THP thì buộc người đứng đầu phải quyết định. Đó chỉ là một ví dụ.

Để có THP ở vị trí như ngày hôm nay ba tôi đã phải tự thay đổi, tự cải tiến bản thân mình và cũng rất cương quyết để tạo tôn ti trật tự của tổ chức. Trong cuốn sách tôi cũng đề cập câu nói thuộc lòng của chị em tôi "Thượng bất chính thì hạ tất loạn".

Tôi đồng ý ba tôi đã hành động đúng.

- Việc ông Thanh chọn chị làm người kế nhiệm mà không phải em gái có khiến gia đình xảy ra cạnh tranh quyền lực không? (Hải Anh – Hà Nội).

- Gia đình tôi xác định rằng, vị trí cao ở Tân Hiệp Phát không phải là quyền lợi mà là trách nhiệm và nghĩa vụ. Mỗi quyết định đều phải có sự đồng thuận của các cá nhân. Vị trí cao nhất ở Tân Hiệp Phát không chỉ có tôi và em gái tôi, mà chúng tôi còn tìm kiếm các ứng viên khác trên toàn thế giới.

- Tôi từng được nghe một người bạn nói về cuốn sách của cô và câu chuyện gia đình của cô, tôi ấn tượng về khát vọng chính đáng và sức làm việc bền bỉ của mọi người trong gia đình ông Thanh. Rất ấn tượng. Chỉ xin hỏi cô một câu – cũng là tranh luận đang xảy ra giữa tôi và vợ: Tiết kiệm tài chính có phải là cách an toàn nhất giúp trở nên giàu có trong tương lai? Phải chăng, nếu chỉ biết chú trọng vào số tiền tiết kiệm mà quên đi việc phải tư duy làm thế nào để kiếm được nhiều tiền hơn nữa thì khó có thể trở nên giàu có. Nguyễn Đặng T.A (Nguyễn Hữu Từ, TP.Hồ Chí Minh)

- Trong câu chuyện có đoạn ba tôi yêu cầu mẹ tôi “đưa hết số tài sản mà ông nội tôi lén lút gửi ông ngoại để khi ba tôi phá sản thì có của cải để phòng thân”.Ngoài 30 khi đã lãnh đạo và quản lý một ngân sách lớn của THP. Tôi mới thật sự “ngộ” ra câu nói này. Tư duy an toàn đó chính là nỗi sợ chung nhưng từ tốt đến vĩ đại (Good to Great) thì cách làm và cách tư duy có thể hoàn toàn khác nhau.

- Xin chào cô Uyên Phương. Thật vui vì có dịp được trò chuyện cùng cô, dù chỉ là qua giao lưu trực tuyến như thế này. Cô có nghĩ rằng, mỗi chúng ta đều có cơ hội để làm giàu nhưng không phải ai cũng biết nắm bắt và tìm cho bản thân con đường nhanh nhất để làm giàu. Nếu được hỏi ý kiến và cho lời khuyên, cô sẽ nói gì?

P/s: Rất mong báo Dân trí tổ chức buổi giao lưu trực tiếp để nhiều người có thể gặp gỡ, trao đổi trực tiếp để học hỏi về câu chuyện làm giàu chính đáng, góp sức cho đất nước. Phạm Minh Đạt – phố Cửa Nam – Hà Nội

- Tôi sẽ vẫn chỉ mượn câu nói ngay trên bìa cuốn sách “Hãy thu lấy kinh nghiệm trước, tiền tài rồi sẽ đến sau”. Lý do hay phân tích cho câu ấy của ba tôi đã trả giá cả cuộc đời. Bạn đọc cuốn sách sẽ cụ thể và chi tiết hơn.

- Tôi được biết chị đi học kinh doanh ở Mỹ, nhưng về Tân Hiệp Phát làm lại là công ty gia đình, như vậy chị làm thế nào ứng dụng những gì đã học vào mô hình này. lamkhoa.vtc6@gmail.com

- Lớp tôi có 180 người đến từ hơn 50 quốc gia. Điều tôi học nhiều nhất ở trường là tư duy để làm một Nhà Kinh doanh.

Nhưng khi về làm việc cho gia đình, thì tôi lại học thêm 1 lần nữa, học cách hiểu và chấp nhận góc nhìn của ba tôi. Ba tôi vẫn hay than phiền “Tư duy xài tiền khác với tư duy kiếm tiền”.

- Xin cho biết, gia đình cô có mấy anh em và từng người đang tham gia vào công việc quản lý ở Tân Hiêp Phát thế nào ? Cảm ơn cô – chúc cô và gia đình mạnh giỏi! Hà Phương, phố yết Kiêu, Hà Nội ( tranquangbts2017@gmail.com )

- Tôi có một người em trai và một người em gái. Tùy theo khả năng và sở thích, chúng tôi được nhận vào những vị trí khác nhau, đều là những vị trí học việc.

Tôi bắt đầu từ vị trí thư ký cho phòng Marketing, sau đó được làm thư ký cho CEO, rồi lên làm trợ lý GĐ dự án ERP, được lên làm GĐ dự án ERP đại diện phía THP và lên từng vị trí cho đến Phó Tổng giám đốc như hiện nay.

- Cô đã sẵn sàng nối nghiệp cha cô chưa ? Đã sẵn sàng đối mặt trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với các hãng nước ngọt ngoại quốc sừng sỏ đã có mặt ở Việt Nam như Pepsi, Cocacola... Nếu sau này cha cô già yếu hơn, cô có tin cô đủ sức lãnh đạo DN cạnh tranh thành công với họ không ? Chúc cô thành công. Mạnh Thắng, phố Ngô Gia Tự, Long Biên-HN ( maimanhthang2017@gmail.com )

- Cảm ơn anh đã đặt câu hỏi. Ba tôi vẫn hay nói “kế thừa” hay “thừa kế”. Tôi đã chọn “kế thừa”. Ở THP mỗi vị trí đều phải được đánh giá đúng người, đúng việc. Do đó, tôi vẫn luôn nỗ lực phấn đấu mỗi ngày để mong đóng góp được cho THP phát triển và vươn ra thế giới.

Tôi tự tin thời điểm ba tôi chuyển giao sứ mệnh, cũng là thời điểm tôi đủ sức lãnh đạo doanh nghiệp này.

Nhóm Phóng viên
Theo Dân Trí //