Giá hồ tiêu hôm nay 21/8: Vẫn đang ở mức thấp
Hôm nay giá tiêu vẫn đi ngang, mức giá cao nhất 45.000 đồng/kg được ghi nhận ở Bà Rịa - Vũng Tàu, thấp nhất 43.000 đồng tại Đồng Nai.
Cụ thể, giá tiêu tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hôm nay về ngưỡng 45.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Gia Lai có giá 43.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá tiêu tại Bình Phước, Đắk Nông (Gia Nghĩa), Đắk Lắk (Ea H'leo) đứng yên ở mức 44.000 - 44.500 đồng/kg. Giá tiêu tại Đồng Nai đi ngang ở ngưỡng 43.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất tại các địa phương trọng điểm.
Thị trường giá nông sản trong nước theo sát diễn biễn giá nông sản thế giới. Thị trường xuất khẩu nông sản càng lúc càng cạnh tranh gay gắt, không chỉ giá mà còn sản lượng. Vì thế giá nông sản thế giới biến động sẽ tác động thị trường giá nông sản tại Việt Nam. Giá cả thị trường nông sản như hồ tiêu, cà phê tăng sẽ giúp người nông dân gắn bó với nông nghiệp.
Giá hồ tiêu hôm nay vẫn đang ở mức thấp.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong những ngày đầu tháng 8, giá hạt tiêu đen trong nước giảm. So với ngày 31/7, giá hạt tiêu đen giảm từ 1,1 - 2,3%. Cụ thể, ngày 12/8, giá hạt tiêu đen thấp nhất ở mức 42.000 đồng/kg tại tỉnh Đồng Nai; cao nhất ở mức 45.000 đồng/kg tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Giá hạt tiêu trắng ổn định so với cuối tháng 7, ở mức 69.000 đồng/kg, nhưng thấp hơn mức 83.000 đồng/kg của cùng kỳ năm 2018. Trong tháng 7, giá tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt mức 2.547 USD/tấn, tăng gần 4% so với tháng 6, nhưng giảm 18% so với tháng 7/2018. Diễn biến 7 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu đạt 2.556 USD/tấn, giảm 24,5% so với cùng kì năm trước.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hạt tiêu dưới dạng thô mà chưa đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ hạt tiêu như chế phẩm trong sinh học, y tế, chế biến thực phẩm chức năng hoặc những sản phẩm có liên quan.
Để phát triển bền vững trong bối cảnh giá hạt tiêu ở mức thấp như hiện nay, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng ngành công nghiệp chế biến hạt tiêu của Việt Nam cần phải hướng tới tạo ra những sản phẩm mang tính chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng cao hơn cho ngành.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh tiêu.
Trong đó, 60 doanh nghiệp chế biến và trực tiếp xuất khẩu. Trong số này, có 18 doanh nghiệp chế biến lớn với công suất khoảng 80.000 tấn/năm, 14 nhà máy có hệ thống xử lý tiêu qua hơi nước với công nghệ khá hiện đại, đạt tiêu chuẩn ASTA, ESA, JSSA.
Sản phẩm tiêu chế biến chủ yếu bao gồm tiêu đen, tiêu trắng, tiêu nghiền bột; ngoài ra còn có các sản phẩm có số lượng ít như: tiêu đỏ, tiêu xanh, tiêu đỏ ngâm nước muối,...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng cơ cấu sản phẩm tiêu chế biến chưa hợp lý, tiêu trắng (tiêu sọ) có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 10 - 15% tổng sản lượng. Tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, luôn cạnh tranh bằng giá ở phân khúc thấp.