Giá gas hôm nay ngày 17/5/2024: Thế giới tăng 0,56%
Giá gas hôm nay ngày 17/5/2024 ghi nhận thị trường thế giới tăng 0,56%, trong nước không biến động.
Giá gas hôm nay ngày 17/5/2024 ở thị trường trong nước
Theo ghi nhận giá gas hôm nay ngày 17/5 ở thị trường trong nước không biến động, vẫn theo giá giảm từ 1/5. Theo đó, với loại bình gas 12kg, các hãng gas sẽ giảm giá với mức giảm hơn 7.000 đồng/bình. Như vậy, giá gas bán lẻ trong nước đã giảm tháng thứ hai liên tiếp kể từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 5/2024 tại thị trường Hà Nội là 448.800 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.795.200 đồng/bình công nghiệp 48 kg, lần lượt giảm 7.300 đồng/bình 12 kg và 29.100 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).
Nguyên nhân giảm giá lần này do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 5 ở mức 582,5 USD/tấn, giảm 35 USD/tấn so với tháng 4 và cũng như biến động Tỷ giá USD nên ở trong nước thực hiện điều chỉnh theo mức giảm tương ứng.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước đã có 3 lần tăng (tháng 1, tháng 2, tháng 3) và 2 lần giảm (tháng 4, tháng 5).
Giá gas hôm nay ngày 17/5/2024 trên thị trường thế giới
Theo ghi nhận vào phiên giao dịch sáng 17/5/2024, giá gas hôm nay tại thị trường thế giới tăng 0,56% lên mức 2,5 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 6/2024.
Các nhà phân tích tại Engie EnergyScan cho biết, với việc tồn kho khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) vẫn ở mức cao (khoảng 64,38%) nên bất kỳ sự phục hồi giá nào sẽ bị hạn chế.
Gã khổng lồ khí đốt Na Uy Equinor đã âm thầm giành lại vị trí đứng đầu cung cấp khí đốt ở châu Âu từng thuộc về Gazprom của Nga. Trong hơn 2 năm kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine khiến giá khí đốt tăng vọt, Equinor đã từng bước thống trị thị trường khí đốt châu Âu.
Theo Bloomberg, Na Uy hiện cung cấp 30% lượng khí đốt của châu Âu trong khi Gazprom cung cấp khoảng 35% tổng lượng khí đốt của châu Âu trước chiến sự Ukraina. Trong số hơn 109 tỉ mét khối khí đốt mà Na Uy xuất khẩu sang châu Âu vào năm ngoái - đủ để cung cấp năng lượng cho Đức đến năm 2026 - khoảng 2/3 được Equinor tiếp thị và bán.
Mặc dù Na Uy được coi là đối tác thương mại ổn định với lịch sử lâu dài và nhất quán trong việc cung cấp năng lượng cho châu Âu, nhưng tình trạng mất điện kéo dài và việc xử lý các thách thức bảo trì - cả hai đều ảnh hưởng đến giá năng lượng - đã gây ra những tác động lan tỏa khắp lục địa.