Dự báo giá heo hơi hôm nay 19/2: Giá lợn hơi mới nhất tăng cao

19-02-2018 05:00:45

Dự báo giá heo hơi hôm nay 19/2, giá heo (lợn) hơi mới nhất ở 3 miền bắt đầu tăng cao, một số địa phương giá heo có thể lên tới 37.000 đồng/kg.


Giá lợn hơi mới nhất ở 3 miền có xu hướng tăng. Ảnh minh họa

Giá heo hơi hôm nay 19/2  có xu hướng tăng cao

Dự báo giá heo hơi hôm nay 19/2, giá heo (lợn) hơi mới nhất ở 3 miền bắt đầu tăng cao, một số địa phương giá heo có thể lên tới 37.000 đồng/kg. Ngày hôm qua, tại miền Bắc giá heo hơi tại một số địa phương giáp biên vẫn đạt mức tốt dao động từ 35.000 đồng đến 37.000 đồng/kg. 

Các địa phương khác như Sơn La cũng vẫn có mức giá dao động từ 35.000 đồng/kg đến 36.000 đồng/kg. Một số tỉnh trọng điểm khác vẫn có mức giá phổ biến từ 33.000 đến 35.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên hôm nay giá heo hơi nhìn chung tiếp tục ổn định và không có thay đổi nhiều so với ngày hôm qua. Vùng Bắc Trung Bộ nhìn chung giá heo cao hơn vùng Nam Trung Bộ từ 1.000 đồng/kg đến 2.000 đồng/kg. Toàn khu vực dao động từ 31.000 đồng đến 36.000 đồng/kg.

Tại miền Nam, các tỉnh như Cà Mau, TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước, An Giang,... đang là những tỉnh có mức giá tốt nhất và dao động từ 30.000 đồng/kg đến 33.000 đồng/kg. Một số địa phương khác Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang,... giá heo thấp hơn chỉ dao động từ 28.000 đồng/kg đến 30.000 đồng/kg.

Người phụ nữ ở Quảng Bình thành công nhờ nuôi lợn rừng

Chị Nguyễn Thị Huy ở thôn Liêm Tiến, xã Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) mày mò nuôi heo rừng. Trên diện tích hơn 200m2 đất vườn, chị xây dựng hệ thống chuồng nuôi, xung quanh giăng lưới B40, báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin. 

Xong phần chuồng trại, chị Huy phải vay thêm 20 triệu đồng nữa để mua 8 con heo giống. Học hỏi mọi người đi trước, chị chọn 7 con heo nái và 1 con heo đực. Thả đàn heo đầu tay vào chuồng, chị thở nhè nhẹ với đủ điều lo lắng.

Heo đồng bằng thì chị cũng nuôi quen, nhưng heo rừng lại là một chuyện khác. Người phụ nữ quen bán buôn cá mú miền biển phải học trên cả sách vở, cả kinh nghiệm của người đã từng nuôi. Trong chuồng, được phân thành các khu cho heo chạy, cho ăn… Hàng ngày, các khu trong chuồng đều được dọn vệ sinh sạch sẽ. Thức ăn của heo chủ yếu từ nguồn rau, cỏ tự trồng hoặc mua của bà con xung quanh.

Ngoài ra, heo được ăn thêm nhiều loại thức ăn sạch như khoai, sắn, cám gạo. Để tạo thêm dinh dưỡng, chị Huy mua các loại sản phẩm biển thứ phẩm rẻ tiền như ghẹ, tôm cá phơi khô, nghiền thành bột cho heo ăn. Không chỉ chăm chút về thức ăn, chế độ dinh dưỡng, chị Huy còn theo đúng định kỳ thực hiện khử trùng chuồng trại, tiêm các loại vắc xin cho đàn heo.

Không phụ lòng chị, đàn heo cứ lớn dần. Rồi heo cái động đực, có chửa. “Hôm con heo nái đẻ lứa đầu tiên, tôi cả đêm mất ngủ. Vừa mừng vừa lo. May sao, lứa đó có được 7 con. Rồi tháng sau, heo nái thứ hai đẻ thêm 8 con. Bà con biết chuyện, ai cũng mừng, khen tôi mát tay. Còn tôi mừng kiểu khác. Mừng kiểu đưa được heo rừng về với biển mặn mòi”, chị Huy mừng rỡ nói.

Tính lại, sau gần một năm đầu tư đưa heo rừng về vườn nhà, chị Huy đã xuất bán được lứa đầu tiên. Cầm cọc tiền thương lái trả, chị nghe mằn mặn trên môi, nước mắt đã rơi xuống tự lúc nào.

“Sau hơn một năm lăn lộn với heo rừng, tôi cũng đã có chút kinh nghiệm và có được đồng vốn nên quyết định ngoài nuôi heo nái bán giống, nay mở rộng thêm quy mô nuôi heo thịt thương phẩm”, chị Huy bộc bạch.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //