Đổi mới thi tốt nghiệp THPT 2022: Tăng cường phân cấp
Dịch bệnh đã khiến việc dạy và học của thầy và trò có nhiều thay đổi. Đi cùng với đó là những yêu cầu về đổi mới thi cử, đánh giá và tuyển sinh. Dự kiến kịch bản đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH sẽ được lấy ý kiến và hoàn thiện hơn trong thời gian tới.
Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nêu ra tại hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học mới với giáo dục đại học (ĐH).
Giao quyền chủ động cho các địa phương
Trong nhiều nỗ lực đổi mới của ngành giáo dục những năm qua, kỳ thi tốt nghiệp THPT (trước đó là kỳ thi THPT quốc gia) có thể coi là một bước cải tiến đáng kể. Thí sinh chỉ cần thi một lần để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục ĐH, cao đẳng (CĐ) sử dụng làm căn cứ để tuyển sinh vào ĐH, CĐ thay vì tổ chức hai kỳ thi để thực hiện hai mục đích riêng rẽ như trước đây.
Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến việc học trực tiếp ở trường trở thành “niềm mong ước xa xỉ” với học sinh nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách hoặc những nơi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong điều kiện đó, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2 năm vừa qua cũng đã có những thay đổi như phải tổ chức kỳ thi làm 2 đợt, có những thí sinh được và bắt buộc phải xét đặc cách tốt nghiệp, không thể tham dự kỳ thi quan trọng này.
Như vậy là nếu dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát thì rõ ràng việc tổ chức các bài kiểm tra đánh giá trực tiếp, trong đó có kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ bị động khi phải thay đổi thời gian thi, hoãn thi, tăng thêm đợt thi… tương tự như 2 năm vừa qua.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu: Tuyển sinh ĐH năm học tới sẽ có sự đổi mới để thích nghi với việc kỳ thi tốt nghiệp THPT phải năng động hơn trước ảnh hưởng của dịch bệnh. Năm 2022 sẽ là bước đi đầu, khả năng sẽ là năm có bước giao thời, chuẩn bị cho đổi mới toàn diện hơn vào năm sau.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong các năm qua đã có những điều chỉnh theo hướng giao quyền chủ động cho các địa phương tổ chức và chịu trách nhiệm ở tất cả các khâu. Tuy nhiên, Bộ GDĐT vẫn đảm nhiệm việc ra đề chung cho toàn quốc. Nhiều ý kiến chuyên gia giáo dục cho rằng tới lúc Bộ GDĐT cần đổi mới thêm một bước nữa là giao cho địa phương tự ra đề và có phương án tổ chức kỳ thi tùy theo điều kiện thực tế và mục tiêu phát triển giáo dục của mỗi địa phương.
TP HCM đã từng đề nghị Bộ GDĐT giao cho địa phương tự tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp THPT. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết kịch bản đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH sẽ được lấy ý kiến và hoàn thiện hơn trong thời gian tới, trong đó sẽ chú trọng tăng cường phân cấp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2021.
Thúc đẩy thành lập trung tâm khảo thí
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu hai ĐH quốc gia và các ĐH vùng ngay từ bây giờ xây dựng hệ thống trung tâm khảo thí. Trong đó các ĐH vùng sẽ đóng vai trò hạt nhân cho các hoạt động kiểm tra, đánh giá, tuyển sinh trong thời gian tới.
Vụ Kế hoạch & Tài chính (Bộ GDĐT) phải trao đổi với các ĐH vùng, tập trung các dự án, các nguồn đầu tư thường xuyên và trung hạn của năm 2022 ưu tiên cao cho xây dựng hệ thống trung tâm khảo thí, để tạo tiền đề cơ sở vật chất chuẩn bị cho chủ trương đổi mới thi trong thời gian tới.
Nhiệm vụ của các trung tâm khảo thí độc lập đó là tổ chức nhiều đợt thi đánh giá năng lực (ĐGNL) trong năm để các có sở đào tạo có thể sử dụng kết quả này để tuyển sinh, giảm áp lực dồn vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Chia sẻ quan điểm này, lãnh đạo nhiều trường ĐH bày tỏ sự tin tưởng vào kết quả của kỳ thi ĐGNL được tổ chức thời gian qua của 2 ĐH quốc gia. Đồng thời mong muốn sớm triển khai các kỳ thi ĐGNL của hai ĐH quốc gia trên diện rộng để thí sinh đến từ nhiều địa phương có thể tiếp cận kỳ thi và nhiều trường ĐH sử dụng kết quả để xét tuyển.
PGS.TS Lê Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương đề xuất cần chuẩn bị hành lang pháp lý và cơ chế hoạt động để các trung tâm khảo thí độc lập này vận hành tốt sau khi thành lập. Bên cạnh đó, trường ĐH và thí sinh cũng cần chuẩn bị tâm thế để thích ứng.
Một vấn đề đặt ra là làm sao để đảm bảo cân bằng giữa các lần thi và bảo đảm độ tương thích. Ngoài ra, cần hoàn thiện hệ thống phần mềm, tính khách quan trung thực, an toàn và có tính bảo mật cao. Để làm được điều đó, cần xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, trên tinh thần công bằng, khách quan và chất lượng để các trường tin tưởng và sử dụng kết quả.
Thậm chí một số chuyên gia còn đề xuất yêu cầu “cứng” là những người tham gia ra đề ĐGNL đều phải cam kết không luyện thi bài thi ĐGNL.
Bởi trên thực tế, đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm qua, đã có những xôn xao về việc đề thi giống tới 70% đề luyện tập của một giáo viên nào đó. Nếu xây dựng được ngân hàng câu hỏi rất lớn thì khả năng học sinh “trúng tủ” sẽ giảm tải rất nhiều, từ đó triệt tiêu dạy thêm, học thêm như kỳ vọng của xã hội đối với ngành giáo dục.