Dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại, Hà Nội yêu cầu chuẩn bị ứng phó

01-09-2022 09:10:44

UBND thành phố Hà Nội mới đây đã có văn bản về việc đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Sự kiện:
Hà Nội

Nhân viên y tế xét nghiệm Covid-19 cho người dân. Ảnh minh hoạ

UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản về việc đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Theo đó, để tiếp tục bảo vệ và duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang có nguy cơ quay trở lại, UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn diện công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn quản lý.

Trong đó, phải chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng trên địa bàn, đảm bảo tiến độ theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, UBND thành phố; sử dụng kịp thời, hiệu quả số vắc xin phòng Covid-19 được phân bổ, tránh lãng phí.

Các cấp chính quyền trên địa bàn đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người; tiếp tục khẩn trương tổ chức nhiều hình thức tiêm chủng như điểm tiêm cố định, điểm tiêm lưu động tại các khu công nghiệp, trường học… làm tăng khả năng tiếp cận của người dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho người dân từ 5 tuổi trở lên để đảm bảo mục tiêu đề ra.

Thành phố cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã chỉ đạo rà soát, cập nhật kịch bản, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế theo hướng dẫn của ngành y tế để sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, bảo đảm người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay tại cơ sở; kiên quyết ứng phó kịp thời, hiệu quả trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại.

Văn bản của UBND thành phố nêu rõ, cơ quan, địa phương nào không kịp thời kiểm soát, để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

UBND thành phố giao Sở Y tế Hà Nội là phải thường xuyên theo dõi tình hình dịch trên thế giới, đặc biệt sự xuất hiện các biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh hơn, khả năng gây bệnh nặng hơn; thường xuyên trao đổi, cập nhật thông tin và các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, cơ quan chuyên môn tuyến trên và các tổ chức, chuyên gia uy tín.

Ngoài ra, chủ động đánh giá tình hình dịch, mức độ nguy cơ, dự báo diễn biến để xây dựng kịch bản hướng dẫn các đơn vị triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, tham mưu đề xuất, báo cáo UBND thành phố chỉ đạo các nội dung vượt quá thẩm quyền.

Về tình hình dịch Covid-19 trên cả nước, bản tin phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế ngày 31/8 cho biết, có 2.727 ca Covid-19 mới, giảm hơn 500 ca so với ngày trước đó; trong ngày có gần 8.500 bệnh nhân khỏi và không có trường hợp nào tử vong.

Theo Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.411.679 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.005 ca nhiễm).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.117 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 256.646.264 liều. Riêng ngày 30/8 có 354.499 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm.

 

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //