Đến xe ôm chuyên nghiệp còn sợ tên đường

14-11-2016 07:21:09

TP.HCM có nhiều tên đường viết tắt, đánh số khó hiểu, khó tìm. Nhiều đường trùng tên với nhau gây ra nhầm lẫn, có tên đường còn thô tục.

Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển cho biết toàn TP có 1.774 đường mang tên tạm và khoảng 400 tên đường “có vấn đề” như tên không có ý nghĩa, tên trùng, tên khác nhau của cùng một nhân vật; nhiều tên đường còn ghi sai tên danh nhân; tên thiếu thẩm mỹ…

Viết tắt và đánh số tùy tiện

Pháp Luật TP.HCM đã tìm đến quận 12 và huyện Hóc Môn - nơi có nhiều khu vực được mệnh danh là ma trận tên đường với cách đặt tên đường viết tắt, kèm đánh số khó hiểu, khó nhớ.

Ở quận 12, tên đường được đặt theo tên phường, ví dụ phường Đông Hưng Thuận thì tên đường sẽ là viết tắt tên phường kèm với số thứ tự sau đó như ĐTH 02, ĐTH 11…

Tương tự, ở phường Trung Mỹ Tây thì sẽ tìm thấy rất nhiều các con đường TMT 01, TMT 2A, TMT 05, TMT 10, TMT 13. Nhiều người còn tỏ ra ngạc nhiên hơn khi thấy đường TCH.34-35-36 ở phường Tân Chánh Hiệp.

Anh Lê Quang Cường chạy xe ôm khu vực phường Trung Mỹ Tây nhiều năm nay nhưng cũng không tài nào nhớ nổi những con đường đặt tên theo kiểu viết tắt kèm số như thế này.

“Các con đường đánh số không theo thứ tự gì cả, cũng không hiểu logic như thế nào nên rất khó xác định vị trí. Nhiều nơi còn chẳng thèm đề biển tên đường.

Cứ từ đường Nguyễn Ảnh Thủ mà rẽ vào bất kỳ con đường nhỏ nào thì trong đó y hệt là ma trận, rẽ phải là đường có số này, rẽ trái là đường được đánh số nọ, không theo trật tự nào hết” - anh Cường than vãn.

Anh Cường cũng cho biết dù chạy xe ôm ở khu vực này rất lâu nhưng chỉ quen thuộc mỗi đường TMT 2A và TMT 13, còn những con đường khác thì phải hỏi dò mới tìm ra.

Đến huyện Hóc Môn, tình trạng đặt tên đường theo kiểu này còn bát nháo hơn. Cụ thể, đi dọc đường Phan Văn Hớn ở xã Xuân Thới Thượng là bắt gặp các con đường: XTT2, XTT5, XTT 46, XTT 19, XTT 27… được đánh số không theo bất kỳ nguyên tắc nào; gần đó còn thấy ngay đường XTT 6-2, XTT 6-2-1, XTT 6-2-2.

Qua xã Xuân Thới Sơn thì tên đường không còn viết tắt và viết thẳng đuột là Xuân Thới Sơn 19, Xuân Thới Sơn 20, Xuân Thới Sơn 21A, Xuân Thới Sơn 31A hay đến xã Xuân Thới Đông thì tên đường lại được đặt là Xuân Thới 15, Xuân Thới 21.

Ở đây, nhiều người cũng trố mắt với một con đường được đặt theo cách nối tên của hai xã như đường Xuân Thới Sơn - Xuân Thới Đông.

Ông Hà Văn Pha (ngụ xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn) cũng lắc đầu với tên đường ở xã mình. “Tôi ở khu vực này mà nhiều khi người lạ đến hỏi đường tôi cũng chịu thua, nhiều khi ở đây là đường Xuân Thới 1 nhưng đường Xuân Thới 2 lại nằm ở rất xa chứ không ngay cạnh.

Những người giao nước, giao hàng cho nhà tôi thường tìm không ra, ai đến nơi cũng bày tỏ bực bội vì tên đường rối rắm, viết tắt và khó nhớ như thế này” - ông Pha nói.

Hô biến tên danh nhân thành tên lạ

Phần lớn các con đường ở TP.HCM đều đặt theo tên của danh nhân, chứng nhân lịch sử. Tuy nhiên, không phải tên của họ luôn được viết đúng. Nhiều tên đường đã quá đỗi thân thuộc với người dân TP nhưng đến khi biết đó là tên sai thì ai nấy cũng té ngửa.

Chẳng hạn, con đường mang tên Ngô Thời Nhiệm (quận 3) được biết đến là danh sĩ, nhà văn đời hậu Lê - Tây Sơn, người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh nhưng tên thật của ông phải là Ngô Thì Nhậm.

Hay đường Lê Thánh Tôn (quận 1) thì đúng ra phải là Lê Thánh Tông, đường Hoàng Đức Tương (quận 11) đúng ra là Hoàng Đức Lương, Tôn Thất Đạm (quận 1) thì đúng ra là Tôn Thất Đàm, còn Trương Quốc Dung (quận Phú Nhuận) thì đúng ra là Trương Quốc Dụng, Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức) thì đúng ra là Kha Vạng Cân…

Trước đây, đường Sương Nguyệt Ánh (quận 1) cũng là viết sai tên của con gái thứ năm của cụ Nguyễn Đình Chiểu, tên thật là Sương Nguyệt Anh và mới đây đã được sửa lại thành đúng.

Bên cạnh đó, ngay tại quận 1 trung tâm TP, người dân cũng đã quá quen với các con đường được đặt theo tên của vĩ nhân nước ngoài như đường Alexandre de Rhodes, Calmette, Pasteur, Yersin.

Ở TP.HCM còn có những con đường độc, lạ, không nhầm lẫn vào đâu được như đường Kênh Nước Đen, Ấp Chiến Lược, Tên Lửa (quận Bình Tân); đường Cống Lở (quận Tân Bình); Bờ Bao Tân Thắng (quận Tân Phú). Trước đây ở quận Tân Phú còn có đường Điện Cao Thế mà sau này đã được đổi thành đường Nguyễn Thế Truyện.

Anh Nguyễn Văn Hai (chạy xe ba gác gần đường Kênh Nước Đen) thông tin: “Đường Kênh Nước Đen có từ rất lâu rồi, có lẽ do kênh này bị ô nhiễm, hôi thối, nước có màu đen nên người ta đặt tên đường như vậy luôn cho dễ nhớ thôi. Nhưng đặt tên kiểu này khiến nhiều người bị phản cảm về hình ảnh của kênh rạch ở TP.HCM”.

Hay đến quận Phú Nhuận, đoạn gần đường Phan Xích Long, sẽ bàng hoàng với hơn 10 con đường nằm gần nhau đều được đặt tên theo tên của các loài hoa như Hoa Mai, Hoa Sứ, Hoa Phượng, Hoa Đào, Hoa Lan….

Chú Đoàn Thế Hùng (người dân sống tại khu vực này) khẳng định trước giờ ở đây chưa từng trồng các loại hoa ứng với tên con đường nhưng không hiểu sao đường lại đặt tên như thế này.

“Tôi còn nhớ khoảng năm 2002 khu vực này được giải tỏa, các con đường hình thành thì được đặt tên theo các loài hoa luôn. Dù vậy sống ở đây từ nhỏ đến giờ chưa thấy ở đây trồng hoa gì cả” - chú Hùng nói.

Ngoài những ví dụ điển hình về ma trận tên đường thì không ít người cũng bức xúc với tình trạng tên đường trùng nhau. Đơn cử như đường Lý Thường Kiệt, vốn là con đường xương sống của quận 10 nhưng nhiều người lại không biết có một con đường cũng mang tên Lý Thường Kiệt ở huyện Hóc Môn.

Hay nhắc đến đường Phan Văn Trị là nghĩ ngay đến quận Gò Vấp nhưng còn một con đường cũng mang tên này ở quận 5. Còn nhiều tên đường khác cũng trùng nhau như Nguyễn Du (nằm ở quận 1 và quận Gò Vấp), Phạm Ngũ Lão (quận 1 và quận Gò Vấp), Bạch Đằng (quận Bình Thạnh và quận Tân Bình)…

Lê Thoa
Theo Pháp Luật TP.HCM //