Đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 8 tuyến xe buýt nhanh
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội cho biết, theo quy hoạch giao thông, đến năm 2030 đã được phê duyệt thì Hà Nội sẽ có 8 tuyến xe buýt nhanh (BRT).
8 tuyến xe buýt nhanh (BRT) gồm: Kim Mã - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa, dài 14 km; Ngọc Hồi - Phú Xuyên (đi theo Quốc lộ 1 cũ), dài 27 km; Sơn Đồng - Ba Vì, dài 20 km; Phù Đổng - Bát Tràng - Hưng Yên, dài 15 km; Gia Lâm - Mê Linh (vành đai 3), dài 30 km; Mê Linh - Sơn Đồng - Yên Nghĩa - Ngọc Hồi - Quốc Lộ 5 - Lạc Đạo (vành đai 4), dài 53 km; Ba La - Ứng Hòa dài 29 km; Ứng Hòa - Phú Xuyên, dài 17 km.
Đến năm 2030, theo dự kiến Hà Nội sẽ có 8 tuyến xe buýt nhanh BRT. Ảnh: Vietnam+
Tuy nhiên, ông Viện thông tin thêm: “Tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng tài chính, thành phố sẽ quyết định triển khai tuyến BRT nào trước. Trong năm nay, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu để triển khai thêm các tuyến theo đúng quy hoạch”.
Sau 10 ngày đầu triển khai đưa tuyến BRT Kim Mã – Yên Nghĩa vào khai thác, Giám đốc Sở Giao thông HN đánh giá tuyến BRT này được dư luận đồng tình ủng hộ.
“Số lượng hành khách đang tăng lên mỗi này, bình quân mỗi chuyến buýt nhanh có khoảng 40 hành khách (xe chưa 80 người), trung bình 40 hành khách mỗi chuyến (sức chứa của xe là 80)”, ông Viện cho biết.
Giám đốc sở Giao thông HN hi vọng trong thời gian tới ý thức người tham gia giao thông sẽ được cải thiện. Ảnh: Vietnam+
Giám đốc Sở Giao thông HN cũng hy vọng trong thời gian tới, hành khách đi BRT sẽ tăng lên sau khi được kết nối với các tuyến khác.
Về việc một số hạng mục đầu tư của tuyến buýt nhanh bị hư hỏng như hệ thống chiếu sáng, sàn lát nhà chờ..., ông Viện khẳng định đã tiếp thu ý kiến người dân để tiến hành rà soát và chỗ nào hư hỏng sẽ sửa chữa ngay.
Theo ông Viện, các nút giao thông, các điểm quay đầu sẽ được điều chỉnh để xe buýt nhanh hoạt động thuận tiện nhất, đỡ gây xung đột giao thông.
Cùng với đó, Sở Giao thông và công an thành phố nghiên cứu tạo "làn sóng xanh" cho buýt nhanh qua các nút giao thông.
Sau 1 tháng vận hành, công an thành phố sẽ tiến hành xử phạt theo quy định đối với các phương tiện lấn làn buýt nhanh. Ảnh: Dân trí
Cụ thể, trong khi chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối “làn sóng xanh” tự động, cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh nhịp đèn tín hiệu xanh thuận lợi nhất để buýt nhanh không phải chờ đèn đỏ.
Lãnh đạo Sở Giao thông nhấn mạnh cần tiếp tục tuyên truyền để người dân Thủ đô làm quen với buýt nhanh.
Trong những ngày đầu triển khai buýt nhanh BRT, đơn vị không xử phạt các phương tiện vi phạm mà chỉ tập trung nhắc nhở, tuyên truyền.
Sau 1 tháng vận hành, công an thành phố sẽ tiến hành xử phạt theo quy định đối với các phương tiện lấn làn buýt nhanh.
Về hình thức phạt, lãnh đạo Phòng CSGT cho biết, sẽ áp dụng cả hình thức phạt “nguội” qua camera giao thông.