Danh thủ bóng đá Việt Nam lừng lẫy một thời làm gì sau khi "về hưu"?
Khi đến độ tuổi nhất định, các cầu thủ bóng đá đều sẽ giải nghệ. Vậy các danh thủ bóng đá Việt Nam một thời hiện làm gì sau khi rời khỏi sân cỏ.
Làm HLV bóng đá
Thông thường, dân đá bóng sau lúc treo giày đều chọn nghiệp HLV. Nhưng cả nước có được mấy người thành công như các HLV Phan Thanh Hùng (Hà Nội T&T), Nguyễn Hữu Thắng (SLNA), Lê Huỳnh Đức (CA TP.HCM), Nguyễn Văn Sỹ (Nam Định) hay Hoàng Anh Tuấn (Khánh Hòa).
Không gặp thời khi hành nghề HLV bóng đá đỉnh cao, nhiều danh thủ phải lui về huấn luyện bóng đá trẻ, bóng đá phong trào như trường hợp của Nguyễn Văn Dũng (Nam Định, bốn lần đoạt giải vua phá lưới toàn quốc), Triệu Quang Hà (Thể Công)...
HLV Huỳnh Đức là người thành công tiêu biểu sau khi giải nghệ. Ảnh: Internet
Hành trình đến với nghiệp HLV muôn phần gian nan, biết vậy nhưng Minh Phương (SHB Đà Nẵng), Tài Em (Đồng Tâm Long An) vẫn cặm cụi theo học các lớp HLV từ thấp đến cao do Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) tổ chức.
Kinh doanh
Cựu tuyển thủ quốc gia Bùi Hữu Lợi (CAHN) đã mở quán ăn gia đình trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Hữu Lợi nói vui: “Nhờ trời thương, quán được anh em thể thao và giới văn nghệ sĩ chiếu cố đông đảo hằng đêm nên cũng có được đồng ra đồng vào không chỉ nuôi sống vợ con mà còn tạo công an việc làm cho hơn 20 nhân viên khác. Nhưng đó cũng là một “canh bạc” liều lĩnh mà đến giờ nghĩ lại, tôi vẫn không hết hồi hộp, âu lo...”
Quang Hải, cựu tuyển thủ quốc gia giành ngôi vô địch AFF Suzuki Cup 2008 đã phải chính thức nói lời chia tay sân cỏ năm 2016. Tiền đạo người Khánh Hòa đã trở về quê hương mở trang trại nuôi gà chọi. Bên cạnh đó, cựu cầu thủ của CLB Than Quảng Ninh còn phụ giúp bà xã kinh doanh nhà hàng, hải sản và bán yến sào.
Còn Phùng Văn Nhiên, cầu thủ khoác áo Hải Phòng giành huy chương bạc V.League 2016 từng có ý định giải nghệ sau khi gặp chấn thương liên miên. Văn Nhiên và bà xã đã đầu tư 12 hecta cà phê và hồ tiêu tại quê nhà Pleiku (Gia Lai), trị giá khoảng 6 tỷ đồng để kiếm thêm thu nhập sau khi giải nghệ.
Cựu thủ môn Dương Hồng Sơn phụ giúp vợ bán nông sản. Ảnh: TTVH
Thủ môn Dương Hồng Sơn - Quả bóng vàng Việt Nam 2008, sau khi quyết định giải nghệ vào năm 2015, ngoài công tác làm HLV đào tạo trẻ tại CLB Hà Nội T&T, thủ môn người Nghệ An còn kiêm thêm nghề tay trái là phụ giúp vợ bán nông sản và yến sào.
Và các hướng đi khác
Một số khác chọn con đường đi định cư nước ngoài cùng gia đình và có cuộc sống ổn định nhờ làm việc cho các hãng xưởng, công ty ở Úc như Hoài Linh (CA TP.HCM), Hà Vương Bửu (CSG) hay ở Mỹ như Phạm Văn Tám, Phan Huy Khải (CSG), Vũ Trọng Thành (Sở Công nghiệp), Trọng Linh (CA TP.HCM).
Số khác được tuyển vào biên chế, hiện công tác trong ngành công an như Vũ Minh Hiếu, Tuấn Thành (CSGT Hà Nội), Lã Xuân Thắng (cảnh sát hình sự Long Biên, Hà Nội), Chu Văn Mùi (CSGT Q.6, TP.HCM), Bùi Sĩ Thành, Bùi Tuấn Anh, Phan Bá Hùng (Trung tâm TDTT CA TP.HCM), ngành Hải quan như Đỗ Khải, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Hoàng Tân.
Tay săn bàn một thời của CA TP.HCM - tiền đạo Nguyễn Hoàng Tuấn - tìm kế mưu sinh bằng việc làm quản lý sân bóng đá mini, thi thoảng kiếm thêm đồng ra đồng vào bằng việc cầm còi điều khiển các trận đá bóng phong trào.
Quốc Vượng sau khi giải nghệ. Ảnh: Zing news
Cựu tuyển thủ Quốc Vượng sau khi giải nghệ từng làm việc tại công ty vận tải Văn Minh. Sau đó, anh chuyển sang làm truyền thông cho một hãng đồ uống tới nay. Thu nhập không cao, nhưng công việc mới giúp Quốc Vượng có đủ kinh tế để chăm lo cho gia đình.