Đàm Vĩnh Hưng ký tên lên tranh: Chủ bức tranh đáng bị lên án đầu tiên
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên ký tên lên bức tranh theo yêu cầu của chủ sở hữu, song hành động này vẫn khó chấp nhận ở cả góc độ nghệ thuật và văn hóa.
Đàm Vĩnh Hưng ký tên lên tranh: Chủ bức tranh đáng bị lên án đầu tiên
Bức xúc trước những hành vi được cho là coi thường nghệ thuật, coi thường giới họa sĩ và công chúng, không chỉ giới chuyên môn mà các văn nghệ sĩ và công chúng đồng loạt lên tiếng phán đối hành vi của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Lệ Quyên...
Họa sĩ Lê Kinh Tài cho biết: “Chúng tôi nghĩ vẫn còn kịp để Lệ Quyên và Đàm Vĩnh Hưng tổ chức một buổi họp báo xin lỗi công khai cá nhân hoạ sỹ Hứa Thanh Bình nói riêng và giới cầm cọ cả nước nói chung. Nghệ sỹ cũng là người, ai cũng có thể mắc sai lầm, quan trọng là biết sửa sai. Biết tôn trọng người khác, đó cũng là cách tự trọng mình.
Tôi thiển nghĩ, người hoạt động nghệ thuật phải biết tôn trọng tác giả cũng như tác phẩm nghệ thuật của nghệ sỹ khác, âu mới giữ được nhân cách và nhân phẩm của chính mình”.
Ngay sau khi ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đăng tải dòng trạng thái ngỏ lời xin lỗi, lập tức nhận được những comment phân tích, bình luận chỉ ra những lỗi cơ bản trong hành xử với tác phẩm nghệ thuật.
Facebook Ha Nguyen Do Cuong viết: "Tôi yêu thích ngắm các bức tranh mà giờ thấy đau lòng thay cho người họa sĩ vẽ tác phẩm này. Nếu thực sự anh/chị là người có biết suy nghĩ thì sẽ biết cách từ chối, hoặc ký lên khung tranh chứ ai lại thượng cả vào bức tranh như thế. Người ta ngắm bức tranh chứ ai ngắm chữ ký anh chị? 100, 1000 năm nữa thế hệ sau sẽ chẳng biết anh/chị là ai? Nhưng bức vẽ chắc chắn vẫn sẽ có người thưởng lãm nếu các anh chị không bôi bẩn lên như thế...
Mỗi một bức tranh là duy nhất, không thể có bức thứ hai cho dù được cùng tác giả vẽ, cùng tổng thể giống nhau về màu sắc thế nào đi chăng nữa. Giá trị như thế nên mới có Công ước Bern để giữ nguyên tác của bức tranh. Không hiểu, không biết không có tội, nhưng đã không hiểu, không biết mà còn cố tình cãi lý cãi cùn, đấy là cái tội. Tội không chịu học, không chịu nhìn nhận cái sai".
Bức xúc trước những hành vi được cho là coi thường nghệ thuật, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nói: “Đây là biểu hiện giao dịch danh vọng thiếu đứng đắn. Kẻ thèm khát tên tuổi còn kẻ thì tuỳ tiện ban phát tên tuổi. Nói cho nhẹ nhàng thì cái chữ ký như một chi tiết ỡm ờ và lạc lõng của bức tranh...”.
Cùng chung mạch suy nghĩ của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến nói: “Việc họ Đàm và các đồng nghiệp ký tên lên bức tranh, phản cảm thì tất nhiên rồi. Có đau là đau cho tác giả bức tranh. Thiết nghĩ từ bây giờ họa sĩ bán tranh nên thòng điều kiện cấm ký lên tranh”.
Được biết, Mạnh Thường Quân đấu giá thành công bức tranh với giá 200 triệu đồng là ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản Lộc Sơn Hà và Think Big Group, chuyên kinh doanh về mảng bất động sản và là nhà phân phối chiến lược của tập đoàn FLC. Trước khi trở thành doanh nhân bất động sản, Nguyễn Mạnh Hà từng là một người nổi tiếng hoạt động trong ngành đa cấp, giữ hàm Sư tử đồng Quốc tế, một danh hiệu cao cấp tại Tập đoàn đa cấp Thiên Sư (Tiens), có trụ sở đóng tại khu công nghiệp Đại An, TP. Hải Dương.
Việc đề nghị các nghệ sĩ tham gia trong đêm nhạc ký tên lên bức tranh của chủ sở hữu tác phẩm cũng nhận chỉ trách gay gắt từ giới họa sĩ và cộng đồng mạng. Họa sĩ Phạm Kiên cho rằng: “Người đáng lên án đầu tiên là Mạnh Thường Quân bỏ số tiền 200 triệu để mua bức tranh và những chữ ký “rẻ tiền” nhằm khoa trương và đánh bóng cho một sự kiện thật thiếu văn hoá.
Đương nhiên sự đề nghị đó lại được nhóm ca sỹ cũng thiếu hiểu biết ký tên vào tác phẩm. Vậy cả 2 đối tượng này đều đáng lên án, mà người đáng lên án mạnh hơn cả là chủ sở hữu bức tranh khi đề nghị các ca sỹ ký vào đó. Anh ta quá coi thường một tác phẩm nghệ thuật và không hiểu biết về giá trị nghệ thuật khi cho rằng bỏ tiền ra sở hữu và mặc nhiên có quyền làm những điều thiếu văn hoá nhất. Các ca sỹ thụ động, tuy nhiên cũng chứng tỏ ứng xử quá kém trong những tình huống đó. Họ không biết đúng sai và từ chối việc làm đó.
Tất nhiên, người mua có quyền sở hữu, tuy nhiên đây là một tác phẩm nghệ thuật. Việc làm của anh sẽ bị cộng đồng lên án. Cũng như anh sinh một đứa trẻ ra đời, nhưng anh không thể nhân danh cha nó mà có quyền hành hạ và làm nhục. Vì thế tác giả có quyền khởi kiện”.
Vũ Tuấn Anh, Nhà đấu giá Chon’s: Chon’s đang đồng hành, nỗ lực cùng với các cơ quan chức năng, cộng đồng yêu nghệ thuật chung tay xây dựng thị trường mỹ thuật Việt minh bạch. Việc các nghệ sĩ ký tên lên tranh là việc làm đáng buồn và tôi phản đối. Chon’s cũng đang cùng với các thiết chế xã hội khác chiến đấu, lên án mọi hành vi làm giả mạo, làm bẩn môi trường văn hóa. Hy vọng chúng ta sẽ ý thức được trách nhiệm xã hội của bản thân để cùng nhau xây dựng một cộng đồng xã hội tốt đẹp, nhân văn.” |
Xem thêm: Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên đấu giá bức tranh 200 triệu đồng