'Cứu tinh' của trẻ em bản địa Canada
Năm 2010, ngay khi vừa được thuyên chuyển tới Trường Ikusik nằm trong vòng Bắc Cực, cô Maggie MacDonnell đã đối mặt với thách thức bất ngờ.
Đó là các em học sinh nơi đây muốn tự sát để thoát khỏi cuộc sống quá khó khăn.
Cuộc sống ở nơi khắc nghiệt
Ikusik là ngôi trường nhỏ, nằm trong làng Salluit của người Inuit, dân tộc bản địa phía Bắc Quebec, Canada. Theo điều tra dân số năm 2016, Salluit có 1.483 người. Vì địa thế khó tiếp cận, mọi người chỉ có thể ra vào làng bằng đường hàng không.
Trong Salluit chỉ có 2 trường học: Trường Tiểu học Pigiurvik và Trường Trung học Ikusik. Khí hậu ở Salluit lạnh tới mức cực đoan. Vào mùa đông, nhiệt độ nơi đây thường xuyên xuống dưới -25 độ C. Những ngày và tháng quá lạnh, trường học buộc phải tạm đóng cửa.
Từ lâu, thiếu thốn giáo viên là rào cản lớn nhất đối với hoạt động giáo dục ở Salluit. Phần lớn các thầy, cô giáo được tuyển dụng hoặc thuyên chuyển tới đây đều không trụ được quá nửa năm. Bên cạnh nhiệt độ lạnh cực đoan, các thầy cô còn bỏ việc vì thực tế khắc nghiệt khác: Học sinh tự sát.
Cuộc sống của người Inuit nổi tiếng là “không thể sống được”. Phần lớn cư dân vẫn sống dựa vào săn bắt, hái lượm, phụ thuộc hoàn toàn vào tài nguyên tự nhiên. Trong khi đó, vòng Bắc Cực không sẵn động thực vật. Khẩu phần ăn của người Inuit thường chỉ có thịt động vật săn được và một chút cỏ, củ, rễ cây, quả mọng, rong biển. Tuổi thọ trung bình của người Inuit thấp hơn tuổi thọ trung bình của Canada 13 năm.
Hầu hết thanh, thiếu niên Inuit chỉ có thể kiếm sống bằng cách kế tục truyền thống săn bắt, hái lượm. Nhiều người không chịu đựng được tương lai u ám, sa đà vào nghiện ngập rượu và ma túy. Một số người, vì quá tuyệt vọng, tự kết liễu cuộc đời. Tại Canada, tỷ lệ tự sát của thanh, thiếu niên Inuit là vấn đề quan ngại nhất.
Chân dung cô giáo Maggie MacDonnell. Ảnh: Quỹ Varkey
Nhà giáo kiên gan bền chí
Cô Maggie chào đời ở Nova Scotia, sớm tiếp xúc và nhận thức được các bất công mà người bản địa Canada phải đối mặt. Trước khi tới Trường Ikusik, cô từng có 5 năm giảng dạy ở Đông Phi, trong ngôi trường dành riêng cho trẻ tị nạn và tích lũy được nhiều kinh nghiệm đối phó với vấn đề trầm cảm ở học sinh.
“Tôi biết, Ikusik thường xuyên phải tuyển giáo viên và cũng chỉ định sẽ ở lại lâu nhất là 2 năm”, cô Maggie nhớ lại. Nhờ tìm hiểu thông tin trước khi tới dạy, cô biết các thiếu niên ở Salluit vướng vào nhiều tệ nạn xã hội, điển hình là nghiện ngập, lạm dụng tình dục, mang thai ở tuổi vị thành niên… Cộng đồng Inuit Canada có 3 vấn đề nổi cộm: Thiếu nhà ở, mất an ninh lương thực và khủng hoảng tự tử. Đặc biệt, phần lớn người tự sát là thanh, thiếu niên. “Khi đến đây, tôi được biết nhiều học sinh đã phải đi đưa tang đến 30 - 40 lần, nhiều người đã khuất là chính bạn bè của các em”, cô Maggie xót xa nói. Chẳng bao lâu sau ngày đầu tiên đứng lớp, cô đã được một số học sinh tâm sự “muốn tự kết liễu để giải thoát”.
“Tôi nhận thấy, việc cần kíp nhất là tiếp cận cộng đồng, tìm ra gốc rễ của vấn đề khủng hoảng tự tử và đưa ra giải pháp đối phó thích hợp nhất”, cô Maggie kể lại. Với suy nghĩ này, cô gặp gỡ chính quyền địa phương, người cao tuổi, phụ huynh, cùng họ thảo luận, đề ra phương hướng giải quyết và gây quỹ. Sau khi có quỹ, cô xây dựng trung tâm thể dục, mở Câu lạc bộ Chạy Salluit (Salluit Run Club - SRC) tin tưởng hoạt động thể chất sẽ góp phần phục hồi sức khỏe, tinh thần cho học sinh, từ đó ngăn chặn nguy cơ tự tử.
Tiếp theo, cô Maggie mở bếp ăn chung để học sinh tham gia nấu ăn cho người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và người suy dinh dưỡng. Trong trường học, cô cũng mở chương trình dinh dưỡng, chế biến các món ăn nhẹ lành mạnh cho học sinh. Chưa hết, cô Maggie còn mở lớp dạy kỹ năng sống cho trẻ em gái, nâng cao nhận thức của người dân về nếp sống an toàn…
“Nếu đầu tư đúng mức và đúng cách vào giáo dục, chúng ta có thể thay đổi tư duy và tạo ra mục đích sống cho thiếu niên”, cô Maggie khẳng định. Thay vì chỉ 2 năm như dự định, cô đã ở lại Salluit lâu dài, kiên trì tiến hành các chương trình giáo dục và tạo nên thay đổi lớn.
Một số thanh niên trong Câu lạc bộ Chạy Salluit do cô Maggie mở. Ảnh: Quỹ Varkey
Hàn gắn dân tộc
Tháng 3/2017, cô Maggie được Quỹ Varkey trao giải Giáo viên toàn cầu cùng tiền thưởng 1 triệu đô la. Trong năm này, có tổng cộng 20 nghìn giáo viên từ 179 quốc gia tranh giải và cô Maggie đã vượt qua tất cả. Với 1 triệu đô la tiền thưởng, cô quyết định giải ngân dần, tài trợ và giúp đỡ hoạt động giáo dục cho các cộng động bản địa gặp khó khăn trong nước.
Nhờ chiến thắng giải Giáo viên toàn cầu, cô Maggie có được vé đưa học sinh và giáo viên Inuit đến Liên hoan phim Toronto, chiếu phim tài liệu về SRC, giới thiệu và lan tỏa sức mạnh phục hồi của học sinh và cộng đồng người bản địa. Sau buổi chiếu phim, hai học sinh của cô đã được mời tới văn phòng Liên Hợp Quốc ở New York, trò chuyện với cựu Tổng thống Bill Clinton. Trong chuyến thăm Chile, họ cũng được Tổng thống đương nhiệm là Michelle Bachelet mời gặp.
Tháng 7 cùng năm, cô Maggie đưa 4 thanh niên Inuit đến Nova Scotia, tham gia dự án dạy chèo thuyền kayak của mình. Với người Inuit, thuyền kayak là biểu tượng dân tộc, biểu thị sức sống mạnh mẽ. Tuy nhiên, trải qua thời kỳ thuộc địa và chính sách đồng hóa, nó đã bị tước đoạt khỏi họ. Sau khóa học kéo dài một tuần, các thanh niên đã nhận được chứng chỉ chèo thuyền. Họ đại diện cho thế hệ trẻ lấy lại bản sắc văn hóa Inuit.
“Giáo dục đem lại cho chúng ta cơ hội hòa giải. Tôi tin rằng, nếu chính phủ biết nắm bắt cơ hội này, Canada sẽ trở thành tấm gương hàn gắn quan hệ với người bản địa tiên phong, vừa đạt được sự đoàn kết dân tộc vừa tạo cảm hứng cho toàn cầu”, cô Maggie nhấn mạnh.