Cú sốc kinh tế châu Âu
Các nền kinh tế châu Âu có năng suất thấp và cú sốc năng lượng Nga khiến triển vọng tăng trưởng cực kỳ ảm đạm.
IMF đánh giá bi quan về tăng trưởng châu Âu, ảnh hưởng từ lực lượng lao động lành nghề thấp và cú sốc năng lượng Nga.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế EU không tăng trưởng nhanh như mong đợi và năng suất đang là vấn đề ở mọi quốc gia thành viên, RT đưa tin.
Giám đốc Bộ phận Châu Âu của IMF, ông Alfred Kammer, đã chia sẻ triển vọng kinh tế khu vực của khối này vào đầu tuần này và đánh giá không mấy tích cực.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến ở EU chỉ đạt 1,1% trong năm nay và 1,6% vào năm 2025, tăng so với mức 0,6% của năm trước đó.
Bình luận về báo cáo, ông Kammer chỉ ra ba yếu tố đang kìm hãm EU.
“Đầu tiên, thị trường của châu Âu quá phân mảnh để cung cấp quy mô cần thiết cho các công ty phát triển.
Thứ hai, châu Âu không thiếu tiền tiết kiệm, nhưng thị trường vốn của họ không cung cấp được, để thúc đẩy các công ty trẻ và năng suất. Ngoài ra, châu Âu đang thiếu lao động có tay nghề ở nơi cần thiết” - Giám đốc bộ phận châu Âu của IMF cho biết.
Ông Kammer cho biết việc xóa bỏ các rào cản còn lại đối với việc lưu thông tự do hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động sẽ giải quyết được hầu hết các vấn đề này.
Ông Alfred Kramer cũng nhấn mạnh tác động của "cú sốc giá năng lượng lớn do Nga gây ra mà châu Âu đang phải trải qua", trong đó Đức bị ảnh hưởng nhiều nhất do ngành sản xuất thâm dụng năng lượng của nước này.
Sau khi xung đột Ukraine leo thang vào tháng 2 năm 2022, EU đã đưa ra ưu tiên hàng đầu là ngừng phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Các lệnh trừng phạt đối với Moscow và hành động phá hoại đường ống Nord Stream vào năm 2022 đã dẫn đến sự sụt giảm lớn trong nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho khối này.
Vị quan chức IMF cũng chỉ ra khoảng cách thu nhập bình quân đầu người 30% giữa EU và Mỹ, mà ông mô tả là "gây sốc". Ông than thở rằng "khoảng cách này vẫn không thay đổi trong hai thập kỷ nay".
Một phần là do năng suất thấp ở các thành viên mới nhất của khối này tại Trung, Đông và Đông Nam Âu (CESEE).
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết vào tháng 10 rằng việc Brussels từ chối mua năng lượng của Nga đã kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế của EU.
Một số nước EU khác, như Hungary, Áo, Slovakia, Cộng hòa Séc và Ý, vẫn đang nhập khẩu khí đốt qua đường ống của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng cảnh báo châu Âu về nền kinh tế trở nên "thảm họa" khi lựa chọn từ bỏ khí đốt tự nhiên đầy cạnh tranh của Nga.
Trong khi đó, nền kinh tế Nga được IMF đánh giá lạc quan hơn. Tổ chức này gần đây đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2024 của Nga từ 3,2% lên 3,6%.
IMF cũng xếp hạng Nga là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới dựa trên sức mua tương đương (PPP).