Công an TP.HCM xem xét họp báo vụ CSGT Tân Sơn Nhất bị tố vòi tiền

25-05-2020 19:18:08

Liên quan vụ cán bộ Đội CSGT Tân Sơn Nhất bị người vi phạm tố vòi 6,2 triệu đồng, Lãnh đạo Công an TP.HCM đã chỉ đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) xác minh làm rõ sự việc.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng Phòng PC08, hôm nay xác nhận với Zing đã báo cáo việc này với lãnh đạo Công an TP. "PC08 đã báo cáo vụ việc lên Ban giám đốc Công an TP.HCM để xin ý kiến chỉ đạo. Ngoài ra, PC08 cũng đang xin ý kiến Công an TP để tổ chức họp báo", ông Bình nói.

Trước đó, ngày 24/5, trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Phạm Duy Linh - Đội trưởng Đội CSGT Tân Sơn Nhất cho biết đã nắm được thông tin về vụ việc một trung uý công an thuộc đội này bị tố cưỡng đoạt tiền và đang tiến hành phối hợp để xác minh. 

"Chúng tôi đang phối hợp với phía phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt để xác minh. Việc này về mặt thẩm quyền thuộc lãnh đạo cấp trên" - ông Phạm Duy Linh nói. Vị Đội trưởng đội CSGT Tân Sơn Nhất cũng cho biết ngay sau khi có thêm thông tin vụ việc sẽ trao đổi cụ thể hơn với báo chí.

Người tố giác là anh Thái Đăng Phú làm công nhân (trú tỉnh Bình Dương). Anh này gửi đơn đến các cơ quan chức năng kèm các cuộc ghi âm trao đổi, làm việc với cán bộ bị tố giác và cơ quan CSGT. Anh Phú đã gửi đơn tố giác tới nhiều cơ quan báo chí với nội dung như sau:

Theo báo NLĐ, khoảng 9 giờ ngày 12/5, anh chạy xe máy (mới mua 2 hôm trước) từ Bến xe An Sương (quận 12) về đến đoạn qua Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) thì 2 CSGT không phải đứng chốt trên đường mà trên một xe đặc chủng ra hiệu dừng xe để kiểm tra giấy tờ.

Do xe mới mua và đang chờ cấp biển số nên anh Phú cho biết chỉ cung cấp được giấy phép lái xe và giấy biên nhận giao xe của cửa hàng bán. Tuy nhiên sau đó, CSGT thông báo lỗi xe không biển số mức phạt là 6,2 triệu đồng, nếu đóng tại chỗ thì trả lại giấy phép lái xe và cho đi ngay.

Tuy nhiên, anh Phú không đồng ý. Sau đó, trung úy M. đưa xe và người về trụ sở đội CSGT Tân Sơn Nhất. Tại đây, trung úy M. đưa anh Phú vào một phòng làm việc...


Xe đang đợi cấp biển số của anh Phú. 

Tại đây, CSGT M. "hạ giá" mức phạt còn 6 triệu đồng và Phú vẫn không đồng ý với lý do không có nhiều tiền. Lúc này, CSGT M. gợi ý Phú nhờ bạn bè chuyển tiền bằng Internet banking (giao dịch ngân hàng trực tuyến). Phú tiếp tục từ chối đề nghị từ CSGT M. vì cho rằng: "Đâu phải ai cũng có ứng dụng chuyển tiền đó đâu anh".

Sau đó, Phú được dẫn sang một phòng riêng, CSGT yêu cầu anh này đóng 5 triệu đồng để nhận lại giấy tờ và được thả đi ngay. Tuy nhiên, Phú nói không đủ tiền thì CSGT M. ngỏ ý kiểm tra ví.

"Tôi vừa mở ví ra, hé thấy có tiền, anh ấy rút luôn 2 triệu. Tôi giằng lại nhưng không kịp. Anh CSGT nói lấy trước 2 triệu và giữ bằng lái, cho tôi về lấy thêm 3 triệu rồi sẽ trả lại bằng lái sau", Phú kể với Zing.

Sau khi lấy một số tiền của anh Phú thì anh này được phép lái xe về, còn bằng lái thì vẫn bị trung úy M. giữ lại. Liền sau đó, anh Phú liên tục nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0394.956... xưng là M. gọi hối thúc đưa thêm tiền. Quá bức xúc, anh T.Đ.P. đã tìm đến Công an TP.HCM để tố giác.

Chiều 14/5, anh Phú đến Thanh tra Công an TP.HCM để tố giác, nhờ mật phục bắt quả tang việc trung úy M. o ép lấy thêm tiền. Nhưng sau đó, anh Phú được giới thiệu làm việc với một cán bộ của Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt. Đến chiều tối cùng ngày, anh Phú được gọi xuống làm việc với Đội CSGT Tân Sơn Nhất.

Tại trụ sở, anh Phú làm việc với lãnh đạo Đội CSGT Tân Sơn Nhất và đề nghị trích xuất hình ảnh từ camera thì được trả lời rằng, camera chỉ lưu dữ liệu được 1 ngày nên không trích xuất được. Sau đó, anh Phú đề nghị được gặp trực tiếp CSGT tên M. để nói chuyện. Anh M. đã ra gặp xin lỗi và mong anh Phú bỏ qua sự việc nhưng anh không chấp nhận.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //