Chuyện tình cổ tích của người thầy giáo viết chữ bằng miệng
Vượt qua nỗi mặc cảm bản thân, “thầy giáo làng” Phùng Văn Trường quyết tâm tập viết chữ bằng miệng. Để rồi chính những bức thư được viết bằng miệng đó đã xe duyên cho anh đến với người bạn đời của mình.
Vượt lên số phận
Anh Phùng Văn Trường (thôn Nhân Lý, xã Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) sinh ra trong 1 gia đình có 5 anh chị em. Là con cả trong gia đình nhưng anh không thể là chỗ dựa cho bố mẹ và các em.
Anh Trường sinh ra cũng bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng đến năm 2 tuổi, chứng liệt gân, cơ đã gắn anh với chiếc xe lăn, cùng với đó là bao nhiêu ước mơ, hoài bão cũng tan biến. Đến năm học lớp 8, bệnh tình của anh ngày càng trầm trọng, đôi tay yếu hẳn đi, mất hết cảm giác nên anh buộc phải nghỉ học, bắt đầu một cuộc sống quẩn quanh với 4 bức tường.
Thấy bạn bè cùng trang lứa tung tăng đi học, nhiều lần anh đã ứa nước mắt vì tủi thân, khát khao được đến trường luôn bùng cháy trong người chàng trai bại liệt. Thương con, bố mẹ anh mua cho một chiếc đài các – set để anh vơi bớt nỗi buồn mỗi khi bố mẹ vắng nhà.
Nhưng ngay cả bố mẹ anh cũng không ngờ rằng, chiếc các – sét nhỏ ấy đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời anh. Trong 1 đêm nằm nghe chương trình radio, anh biết đến câu chuyện về thầy Nguyễn Ngọc Ký viết chữ bằng miệng.
Trong tâm trí anh trường trỗi dậy một suy nghĩ “người ta cũng bệnh tật như mình mà người ta còn học được, lẽ nào mình lại không”. Kể từ hôm đó, anh hạ quyết tâm học lấy cái chữ. Anh nhờ bố mẹ mua cho một tập vở và bắt đầu những tháng ngày “học lấy cái chữ” của mình.
Những ngày đầu tiên, anh Trường dùng đôi bàn tay teo tóp của mình làm bút để luyện chữ. Tuy nhiên, đôi tay anh không chịu được lâu, nhiều lần viết xong một vài chữ thì tay anh tê nhức, anh đã định bỏ cuộc.
Đôi chân anh cũng ko thể cử động linh hoạt được. “Mình thấy trên người mình chỉ có mỗi cái miệng là có thể cử động được như người bình thường nên mình đã nghĩ thử lấy miệng ngậm bút để học viết chữ.
Tuy nhiên cách này không đơn giản như mình nghĩ. Mới đầu chưa quen, cây bút dài, chọc cả vào chổ họng khiến mình vừa buồn nôn, lại vừa đau. Khó chịu vô cùng. Hơn nữa bút không có điểm tựa nên việc điều khiển là rất khó.
Mãi sau này mình mới nghĩ ra cách sử dụng 2 hàm răng để cố định bút nhưng con chữ cũng không thành hình. Nhiều lúc chán nản mình đã muốn bỏ cuộc, phó mặc số phận mình cho ông trời”. Anh Trường nhớ lại.
Nhiều đêm nằm trên giường, 2 hình ảnh trái ngược cứ hiện hữu trong đầu anh. Một mặt là hình ảnh thầy Nguyễn Ngọc Kí và 1 bên là hình ảnh anh bên chiếc xe lăn, chán nản và tuyệt vọng.
Nghĩ thế anh lại gọi bố mẹ dậy, bế anh ngồi lên xe lăn rồi tiếp tục học viết chữ. “Trời không phụ lòng người có công”, sau 1 tháng miệt mài cắn bút tập luyện, những con chữ anh viết ra đã dần gọn lại, thành hình rõ ràng.
Đó là thành quả cho những ngày nỗ lực không biết mệt mỏi. Người làng mỗi khi có dịp ghé qua ai nhìn cũng phải khen, thậm chí nhiều người làng còn so sánh: “Chữ nó viết bằng mồm mà còn đẹp hơn chữ nhiều đứa viết bằng tay” khiến anh rất vui mừng.
Sau này lớn lên, thấy chữ anh đẹp, lại có khả năng dạy học, nhiều người trong xóm gửi con đến nhờ anh kèm cặp, chỉ bảo thêm. “Tiếng lành đồn xa”, ngày càng có nhiều phụ huynh đưa con em của mình đến nhờ “thầy” Trường chỉ bảo.
Anh Trường dạy chữ cho “học trò” của mình nhưng không thu bất cứ một khoản phí nào. Anh coi đó là niềm vui, nguồn động lực sống cho bản thân mình. Anh tâm sự:
“Mình thế này mà các cô, các bác ấy vẫn gửi gắm con cái cho, mình còn phải cảm ơn các bác ấy chứ nói chi đến chuyện phụ phí. Nói vậy chứ nhiều cô bác cũng hay đóng góp, nhất quyết bắt mình nhận, nếu không thì không cho con đến học nữa nên mình không từ chối được”.
Tình yêu nảy nở từ những con chữ viết bằng miệng
Hàng ngày, quẩn quanh bên lớp học, bên lũ trẻ, anh lại thấy mình yêu trẻ và thèm khát một đứa con. Tuy nhiên lại nghĩ “mình thế này, đến thân mình còn chả lo nổi cho mình nữa thì lấy ai đây” nên anh nhanh chóng gạt ý nghĩ đó sang một bên.
Nói về chị Hường - người vợ từng bao năm đầu gối, tay ấp với mình, anh Trường nghẹn ngào: “Phải nói thật, gặp cô ấy là điều may mắn nhất trong cuộc đời mình. Đến bây giờ nhiều lúc mình vẫn cảm thấy có lỗi với cô ấy. Mình thì không thể làm được gì rồi, mọi công việc trong nhà đều do cô ấy cáng đáng hết”.
Nhiều lần đem nguyện vọng của bản thân kể cho em gái, anh cũng không ngờ được rằng người em gái đó lại đi mai mối cho anh thật. Thương anh đau ốm, người em gái, lại thấy chị Hường hiền lành, người em gái đã kể hoàn cảnh của anh Trường cho chị nghe. Cảm phục trước nghị lực của anh, chị Hường đã đồng ý cho anh “theo đuổi”.
Không thể tự bước đi kiếm tìm hạnh phúc, anh Trường chỉ còn cách nhờ người em gái gửi những lá thư do chính anh dùng miệng viết cho chị Hường – người con gái anh chỉ mới chỉ biết tên mà chưa một lần gặp mặt.
Bức thư dài hơn 3 trang giấy được anh nắn nót viết bằng miệng. Trong thư anh Trường kể rõ hoàn cảnh của mình, gửi gắm nỗi niềm về một tình yêu và một hạnh phúc thực sự của một chàng trai tật nguyền.
“Mình trình bày rõ ràng tâm nguyện của bản thân trong thư rồi gửi cho cô ấy. Mình cũng nhấn mạnh về hoàn cảnh của mình. Thứ nhất mình không có chân, có tay và không thể lao động như người khác.
Thứ hai, ai lấy vợ lấy chồng đều mong muốn có con cái, nhưng có thể điều đó sẽ không đến với mình. Thứ 3, cũng là điều cơ bản nhất, nền tảng của gia đình chỉ vững chắc khi có tình thương yêu thực sự chứ không phải là thương hại và ước mong muốn lập gia đình, kiếm tìm một hạnh phúc cho mình.
Gửi bức thư ấy đi, lòng mình cũng không có nhiều hy vọng ai đó sẽ hiểu được. Nhưng chính mình cũng bất ngờ khi bức thư ấy đã cho mình đến với Hường”. Anh nhớ lại bức thư gửi vợ.
Sau ngày nhận là thứ thứ 2, chị Hường quyết định cùng 1 người bạn đến thăm anh: “Lần đầu tiên gặp anh ấy, tôi đã thấy mình có tình cảm rồi. Qua những câu chuyện kể với nhau, tôi mới thêm hiểu và trân trọng tình cảm của anh hơn”. Chị Hường nhớ lại lần đầu gặp anh Trường.
Biết chị đem lòng yêu một người tật nguyền, gia đình anh chị ra sức phản đối. Thương bố mẹ già, chị nhờ người nhắn gửi với anh rằng: “Tôi không chê anh một điểm gì, nhưng gia đình phản đối nên mong anh hãy tìm cho mình 1 người con gái khác”.
Quyết định ban đầu là vậy, nhưng chị vẫn giấu gia đình lén đến thăm anh thường xuyên. Biết mình không thể cấm đoán con được mãi, hơn nữa lại thương con nên bố mẹ chị đành đồng ý để con gái mình kết hôn với 1 người đàn ông tật nguyền.
Sau 4 tháng tìm hiểu, lễ cưới của anh chị được diễn ra vào 1 ngày đầu tháng 6 âm lịch năm 2012. Ngày đón dâu, anh không dám nhìn mọi người vì sợ chê cười, chỉ đến khi được mọi người chúc phúc anh mới nhẹ lòng.
Trong ngày cưới, bên cạnh niềm vui lấy được người vợ hiền, anh vẫn còn nhiều lo lắng khi nghĩ về tương lai, không biết mình có thể trở thành chỗ dựa cho chị hay không. Nhưng rồi, nhìn ánh mắt và nụ cười của người vợ hiền, anh lại vững tâm hơn để nghĩ về tương lai.
1 năm sau ngày hạnh phúc, ngôi nhà nhỏ của anh chị đón thêm niềm vui khi đứa con trai đầu lòng ra đời khoẻ mạnh, lành lặn. Chị Hường vui mừng khi nhắc đến cậu con trai đầu lòng:
“Tôi sợ cháu có thể bị di truyền từ căn bệnh vủa bố nhưng may mắn là cháu phát triển bình thường. Trước khi mang thai, vợ chồng tôi cũng đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho trường hợp xấu nhất xảy ra. Anh ấy đặt tên cho cháu là Phùng Thiên Trường Quảng với hi vọng cuộc đời của cháu sẽ vươn cao, vươn xa hơn nữa”.