Chuyện lạ ở Thái Nguyên: Muốn lấy sổ đỏ phải đóng cả trăm triệu đồng

14-12-2017 08:22:45

Muốn lấy được sổ đỏ người dân phải đóng cả trăm triệu, thậm chí lên đến tiền tỷ. Câu chuyện tưởng như đùa này lại đang diễn ra khiến 28 hộ dân tại xóm Đồi Chè rơi vào cảnh điêu đứng.

Chi vài trăm triệu mới có sổ đỏ

Phản ánh đến tòa soạn Đời sống Plus, nhiều hộ dân sinh sống tại xóm Đồi Chè, xã Cổ Lũng (Phú Lương, Thái Nguyên) đang rất bức xúc với việc chính quyền xã Cổ Lũng và huyện Phú Lương yêu cầu mỗi hộ gia đình nếu muốn lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để hợp thức hóa quyền sử dụng đất bắt buộc phải đóng một số tiền rất lớn.

Trong buổi làm việc với PV, ông Phan Văn Bích (60 tuổi) cho biết: “Nhà tôi sinh sống ổn định tại diện tích đất của gia đình được vài chục năm nay. Thời điểm năm 1992, tôi có làm đơn đề nghị lên chính quyền xã để xin làm sổ đỏ.

Tại thời điểm trên, vị cán bộ địa chính xã cho biết theo quy định gia đình ông không phải mất một khoản phí nào trong việc làm sổ đỏ. Sau thời gian đó, tôi có hỏi nhiều lần về vấn đề sổ đỏ với xã nhưng họ đều lấy lý do chưa giải quyết được”.

Nhiều hộ dân ở xóm Đồi Chè khốn đốn vì sổ đỏ

Khoảng thời gian sau ngày 15/10/1993, Luật đất đai được ban hành, gia đình ông Bích được thông báo nếu muốn làm sổ đỏ thì phải nộp số tiền 1 triệu đồng/m2 đất sử dụng.

“Theo chúng tôi được biết, đến năm 2005 là thời điểm đã hoàn thành thủ tục cấp sổ đỏ cho chúng tôi nhưng không hiểu vì lý do gì mà xã và huyện lại không thông báo.

Đến đầu năm 2017, họ mới bắt đầu thông báo có sổ đỏ và yêu cầu chúng tôi phải nộp số tiền lãi, tiền phạt vì chậm đến lấy sổ đỏ. Tổng số tiền nhà tôi phải nộp nếu muốn lấy sổ đỏ là hơn 600 triệu nên chúng tôi đang rất bức xúc”, ông Bích cho biết.

Cũng giống như nhà ông Bích, gia đình ông Lương Quang Minh là một trong những hộ phải đóng số tiền nhiều nhất nếu muốn lấy sổ đỏ. Tổng số tiền gia đình ông Minh phải đóng lên đến 1,2 tỷ đồng cho hơn 400m2 đất sử dụng.

“Vì sao đã có sổ đỏ từ năm 2005 nhưng mãi đến năm 2017 họ mới ra quyết định thông báo sau đó lại yêu cầu đóng thêm khoản phạt và tiền lãi ngân hàng do chúng tôi không đến lấy sổ.

Khi đem vấn đề này ra thắc mắc trước các cấp chính quyền họ vẫn khăng khăng cho rằng đã thông báo đến người dân. Nếu như chính quyền đã có thông báo, hộ nhà tôi không biết thì sẽ có những hộ khác, không có lý gì mà tất thảy 28 hộ dân đều không biết thông báo lấy hộ khẩu được”, ông Minh bức xúc cho biết.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương: "Đã thông báo nhưng người dân không đến lấy"

Gia đình ông Trịnh Xuân Hải (68 tuổi) cũng là một trong những hộ gia đình phải nộp số tiền lên đến cả trăm triệu nếu như muốn được xã cấp sổ đỏ chứng minh quyền sử dụng đất.

“Năm 1994, lúc tôi vừa làm nhà xong, đoàn công tác của xã, xóm đến ép tôi làm sổ đỏ. Tại thời điểm đó, tôi có trình bày rằng mình vừa mới làm nhà xong, không có tiền sẽ làm sau thì được đoàn hợp thức cho biết nếu tôi không làm luôn thì sẽ cho máy xúc đến để phá nhà.

Văn bản xử lý vi phạm luật đất đai do UBND huyện Phú Lương ban hành 

Nghe thấy thế tôi sợ quá mới đi vay mượn ở khắp nơi mới được có 6 triệu đồng để nộp. Thời điểm đó, tổng số tiền tôi phải nộp chỉ là 17,5 triệu đồng nên còn nợ lại 11,5 triệu đồng”, ông Hải trình bày.

2 năm sau, khi không thấy có sổ đỏ, ông Hải đã hỏi xã Cổ Lũng thì xã hướng dẫn lên hỏi huyện. Khi ông Hải lên hỏi cán bộ huyện thì nhận được thông tin khi nào có sổ đỏ huyện Phú Lương sẽ thông báo.

“Đến khoảng vài năm sau, tôi có lên huyện để hỏi về vấn đề này thì họ cho biết việc làm sổ đỏ của tôi đã chuyển sang một mốc mới với giá 1 triệu đồng/m2. Điều này khiến tôi rất bức xúc. Hiện tại, tôi vẫn còn giữ tất cả những giấy tờ biên nhận khi đó”, ông Hải cho hay.

Trong văn bản UBND tỉnh Thái Nguyên gửi các đơn vị cũng có nêu rõ nhưng trường hợp đã sử dụng đất ổn định trước thời điểm 15/10/1993 thì không phải nộp tiền sử dụng đất

Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với PV, ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết: “Sổ đỏ được huyện cấp ra hơn 10 năm về trước nhưng các hộ dân không đến nhận. Bây giờ, nguyện vọng người dân là muốn cấp sổ nhưng theo quy định của nhà nước, nhà nào muốn lấy sổ phải nộp tiền”.

Khi được hỏi về việc tại sao sổ đỏ đã có từ hơn 10 năm về trước nhưng bây giờ UBND huyện mới thông báo cho người dân ông Hưng cho hay: “Lúc đó UBND huyện có văn bản thông báo nhưng người dân không đến nhận, không nộp tiền nên sổ mới bị tồn lại đến bây giờ”.

PV tiếp tục hỏi về việc phía UBND huyện còn lưu những thông báo trong các năm trước đó cho người dân không? Ông Hưng cho biết những văn bản đó vẫn còn nhưng việc tìm kiếm sẽ mất thời gian đồng thời hẹn yêu cầu PV cho UBND huyện thêm thời gian để chuẩn bị những tài liệu cần thiết sau đó sẽ trao đổi cụ thể hơn về vụ việc.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN //