Chuyên gia dinh dưỡng mách chế độ ăn ''siêu chuẩn'' cho người cao tuổi dịp Tết
Không chỉ trẻ nhỏ mà người cao tuổi cùng cần phải lưu ý chế độ dinh dưỡng trong dịp Tết bởi khả năng nhai nghiền thức ăn và chức năng tiêu hoá của họ đều giảm.
Làm sao để những ngày Tết thật vui nhưng vẫn đảm bảo một chế độ dinh dưỡng khoa học cho người cao tuổi?
Trao đổi với PV Đời sống Plus, TS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng cho biết, người cao tuổi hay mắc một số bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, tiêu hóa…Vì vậy, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của người cao tuổi rất cần được chú ý, để bệnh không trở nặng sau những ngày vui Tết. Trong đó, điều quan trọng nhất là người cao tuổi cần ăn uống đúng giờ, đủ chất và tuyệt đối không bỏ bữa.
Những vấn đề cần hạn chế về dinh dưỡng cho người cao tuổi dịp Tết
Ngày Tết, mọi người thường có xu hướng ăn nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, theo TS Từ Ngữ, hệ tiêu hóa của người cao tuổi dễ bị ảnh hưởng nếu ăn quá nhiều, quá no. Vì vậy, TS Từ Ngữ cũng khuyến cáo người cao tuổi nên hạn chế các món chứa nhiều mỡ động vật và chất béo no (đồ nguội, thịt đông, lạp xưởng, bánh chưng, bánh tét…), hạn chế ăn muối và các món nhiều muối (các loại thịt ngâm, dưa muối, dưa món…) cũng như các loại bánh kẹo, đồ ngọt.
Đặc biệt, một thói quen nhiều người cao tuổi mắc phải là tiết kiệm những thực phẩm dư thừa, không dùng hết trong ngày Tết nên đem đi cất vào tủ lạnh, sau đó lại lấy ra hâm lại và ăn tiếp, thậm chí việc hâm thức ăn diễn ra nhiều lần.
Theo TS Từ Ngữ cho rằng, việc hâm đi hâm lại thức ăn thừa không an toàn cho sức khỏe, dễ gây ngộ độc. Thực phẩm rất dễ mất chất, biến chất khi bị nấu quá lâu, nấu đi nấu lại nhiều lần. Bên cạnh đó, một số loại vi khuẩn có thể phát triển trong nhiệt độ thấp nên dù thực phẩm được bảo quản trong ngăn đá thì việc hư hỏng vẫn có thể xảy ra.
Về cơ bản chế độ dinh dưỡng của người cao tuổi ngày Tết vẫn nên bám sát chế độ ăn cơ bản ngày thường, không nên quá khác biệt
Lời khuyên về dinh dưỡng từ chuyên gia
TS Từ Ngữ cho biết, ở người cao tuổi khả năng nhai nghiền thức ăn và chức năng tiêu hoá đều giảm. Vì vậy, dù là ngày Tết mỗi bữa ăn cho người cao tuổi nên ăn ít và ăn nhiều bữa trong ngày. Mặt khác, các bà nội trợ trong gia đình cần đa dạng hoá món ăn để mọi người trong gia đình trong đó có người cao tuổi có đủ nguồn dinh dưỡng đồng thời dễ tiêu hoá, hấp thụ.
Nên ăn thức ăn mặn, nhạt vừa phải, không nóng quá, không lạnh quá và không nhiều dầu mỡ, ưu tiên những thức ăn mềm, dễ nhai, dễ tiêu và bổ sung rau giúp việc tiêu hóa dễ dàng. Người cao tuổi lưu ý nên ăn chậm, nhai kỹ cũng như uống đủ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày trong đó có thể bao gồm nước lọc, nước canh, nước trái cây…
Nên ăn nhiều gạo lứt, rau xanh để tăng lượng vitamin, muối khoáng và duy trì chức năng vị giác ở lưỡi, kích thích nhu động ruột, giúp đại tiện dễ dàng hơn.
Hạn chế hấp thụ thức ăn nhiều năng lượng dịp Tết vì tuổi càng cao thì nguồn năng lượng cần thiết đối với cơ thể càng giảm dần bởi hoạt động thể lực và tỷ lệ trao đổi chất ở lứa tuổi này đều giảm nếu hấp thu quá nhiều năng lượng, dẫn đến béo phì. Ngược lại, hấp thu quá ít năng lượng sẽ bị gầy yếu, sức đề kháng của cơ thể sẽ giảm sút vì thế dù là ngày Tết vẫn cần duy trì thực đơn ăn uống khoa học và không quá khác biệt so với ngày thường.