Chân dung 5 vị đại gia từng giữ ngôi vị người giàu nhất Việt Nam
Mới đây nhất ngôi vị người giàu nhất Việt Nam đã ghi danh Trịnh Văn Quyết - Chủ Tịch HĐQT Tập đoàn FLC, "soán ngôi" tỷ phú Phạm Nhật Vượng khiến nhiều người bất ngờ.
Trong phiên giao dịch mới ngày 14/11, sàn chứng khoán Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Theo thống kê mới nhất, người giàu nhất Việt Nam hiện nay chính là ông Trịnh Văn Quyết, người đang có giá trị lên tới 32.901 tỉ đồng, chính thức "soán ngôi" người giàu nhất Việt Nam của ông Phạm Nhật Vượng.
Tuy nhiên, ông Phạm Nhật Vượng, người được mệnh danh tỉ phú đô la đầu tiên của Việt Nam cũng theo sát nút với tổng tài sản lên đến 32.075 tỉ đồng. Chính vì thế, thông tin về người giàu nhất Việt Nam đang được dư luận vô cùng quan tâm.
Tỷ Phú Trịnh Văn Quyết trở thành “hiện tượng chứng khoán”
ÔngTrịnh Văn Quyết sinh năm 1975 tại Vĩnh Phúc, khởi nghiệp từ lĩnh vực luật sư, tư vấn đầu tư, sau đó là kinh doanh thương mại và bất động sản.
Với hàng loạt dự án nghỉ dưỡng lớn, sân golf lớn, không chỉ ghi dấu ấn với thị trường trong nước bởi quy mô đầu tư lớn, ông còn được thế giới ghi nhận là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực tại châu Á năm 2016.
Ông còn được thế giới ghi nhận là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực tại châu Á năm 2016.
Với chênh lệch 826 tỉ đồng trên sàn chứng khoán, ông Quyết đã giành lấy ngôi vị người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam mà ông Vượng nắm giữ trong 7 năm liên tiếp (từ 2009 cho đến nay).
Tỷ phú đôla đầu tiên Phạm Nhật Vượng: Giữ "ngôi" lâu nhất
Người duy nhất trụ vững ở vị trí số 1 trong Top 10 người giàu nhất TTCK Việt Nam từ năm 2009 đến nay là tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng, ông chủ Tập đoàn Vingroup.
Ông Vượng cũng là người Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú thế giới (năm 2011) và hiện đứng thứ 903 trong danh sách những người giàu nhất thế giới (cập nhật của Forbes tháng 7/2016).
Nhắc đến ông Phạm Nhật Vượng, người ta nhớ đến những danh hiệu to tát như tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam, người xô đổ nhiều kỷ lục về tài sản trên bảng xếp hạng người giàu, người đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú của Forbes... Tuy nhiên, ít người biết vị tỷ phú này còn có công đầu, khi đưa thương hiệu mì ăn liền Việt đứng đầu một thị trường lớn ở nước ngoài.
Ông Đoàn Nguyên Đức: Tỷ phú 4 lần rớt đại học
Bầu Đức sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em. Năm 1982, ông vào TP.HCM thi đại học nhưng dù cố gắng đến mấy, cả 4 lần đi thi đều không đạt kết quả như ý muốn.
Ông Đức khởi nghiệp bằng việc trực tiếp điều hành một phân xưởng nhỏ vào năm 1990 có tên xí nghiệp tư nhân Hoàng Anh, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã. Kể từ năm 1990 đến nay, doanh nghiệp của ông Đức đã phất lên như diều gặp gió.
Năm 2008, lần đầu tiên cổ phiếu của HAGL được niêm yết trên sàn chứng khoán. Với trên 55% số cổ phiếu sở hữu, bầu Đức trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt, với giá trị tài sản thời điểm cuối 2008 là 6.159 tỷ đồng.
Thế nhưng, chỉ trong vòng khoảng cuối 2015 đến nay, HAGL đã gánh số nợ hơn 33.000 tỷ đồng từ các hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này khiến bầu Đức rớt hạng thảm hại và chỉ giữ vị trí 12 trong danh sách. Tài sản của bầu Đức hiện tại ước tính là 1.913 tỷ đồng với 347 cổ phiếu HAG.
Ông Trương Gia Bình “vua” sàn chứng khoán thế hệ đầu
Phó GS-TS Trương Gia Bình sinh năm 1956 quê ở Đà Nẵng, là chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, từng là Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Hà Nội.
Ông Trương Gia Bình trở thành người giàu nhất trên TTCK năm 2006. Thời điểm đó, ông Bình nắm giữ 5,12 triệu cổ phiếu FPT. Tính theo giá khớp lệnh cổ phiếu FPT ngày 29/12/2006 là 460.000 đồng mỗi cổ phiếu, thì tài sản của ông Bình đạt gần 2.400 tỷ đồng.
Hiện nay, số cổ phiếu nắm giữ của ông tại FPT lên đến 32,6 triệu cổ phiếu. Tổng tài sản của ông là 1.438 tỷ đồng, xếp thứ 17 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.
Ông Đặng Thành Tâm: Làm ăn lận đận sau ngôi vị giàu nhất
Người giàu nhất TTCK năm 2007 là ông Đặng Thành Tâm. Ông Tâm là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, chủ sở hữu của hai công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp: Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) cùng Công ty cổ phần Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), với tổng tài sản năm 2007 lên đến 6.300 tỷ đồng.
Năm 2006, ông là thành viên Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC, thành viên tư vấn cao cấp chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu WTO của Chính phủ Việt Nam. Ngoài ra ông còn giữ nhiều chức vụ quan trọng trong lĩnh vực thương mại và kinh tế của Việt Nam.
Chỉ một năm giữ ngôi vị người giàu nhất TTCK Việt Nam, ông Tâm nhanh chóng nhường vị trí đầu bảng lại cho ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn HAGL.
Sau những "trầy trật" làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, ông Tâm tuyên bố buông những lĩnh vực ngoài ngành, quay về với giá trị cốt lõi. Song năm 2016 vẫn là năm làm ăn không mấy thuận lợi của vị đại gia này. Hiện tài sản của ông Tâm chỉ còn 1.226 tỷ đồng, xếp vị trí 20 trong bảng xếp hạng người giàu nhất trên TTCK.