Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo đánh cắp tiền mã hóa

26-12-2024 17:59:26

Scam Sniffer (trang web chuyên đăng tải các bài báo về phòng, chống lừa đảo mạng) cho biết, nhiều đối tượng xấu đã cài cắm phần mềm chứa mã độc vào các trang web giả mạo được lập ra với mục đích xác thực tài khoản Telegram của người dùng.

Người dân cần cảnh giác trước những lời mời, dụ dỗ tham gia đầu tư ngoại hối, tiền ảo. Ảnh minh họa.

Các đối tượng lập ra nhiều tài khoản X giả mạo người nổi tiếng trong lĩnh vực trao đổi tiền mã hóa, giới thiệu người dùng vào các hội nhóm, group chat Telegram để trao đổi và học hỏi kinh nghiệm kiếm tiền.

Sau khi truy cập, người dùng sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin và xác minh danh tính thông qua đường link dẫn tới phần mềm xác thực tự động của Telegram (Verification Bot).

Tiếp theo, người dùng sẽ được chuyển hướng tới trang web giả mạo, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và chấp thuận để tải về phần mềm với mục đích giám sát hệ thống dữ liệu trong thiết bị của người dùng, đề phòng trường hợp thiết bị có chứa virus.

Thực chất đây là phần mềm mã độc chạy trên lệnh Powershell, được các đối tượng tạo ra để làm tê liệt thiết bị và đánh cắp tiền mã hóa từ các ứng dụng trao đổi tiền có sẵn trong thiết bị của người dùng.

Trước thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mới này, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được những lời mời, dụ dỗ tham gia đầu tư ngoại hối, tiền ảo; Cẩn trọng xác thực tài khoản của đối tượng thông qua các trang web uy tín; Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của các đối tượng lạ, không tải về các ứng dụng không rõ nguồn gốc.

Người dân cũng cần trang bị cho mình những kiến thức về lĩnh vực đầu tư và giao dịch tiền mã hóa thông qua các nền tảng và trang web đáng tin cậy, đồng thời gia tăng bảo mật cho các tài khoản trực tuyến cũng như thiết bị điện tử cá nhân.

Khi bắt gặp dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần nhanh chóng trình báo với lực lượng chức năng có thẩm quyền trong lĩnh vực an ninh mạng để kịp thời điều tra và ngăn chặn hành vi lừa đảo

Tiền ảo trong thời gian gần đây lại rất nóng, song việc chưa quản lý hiệu quả tài sản ảo khiến nhiều hình thức lừa đảo rộ lên. Một ước tính được đưa ra với nền kinh tế ngầm, dòng tiền ảo tại Việt Nam trong năm 2023 đạt mức 120 tỷ USD. Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, con số này chứng minh rằng tài sản mã hóa đã và đang tồn tại trong nền kinh tế. “Nếu không có khung pháp lý rõ ràng, chúng ta sẽ tiếp tục đối mặt với bất cập trong quản lý và khó có thể kiểm soát được dòng chảy tài chính. Việc ban hành khung pháp lý không chỉ cần thiết để quản lý mà còn giúp Nhà nước tận dụng tiềm năng kinh tế từ tài sản ảo” - ông Quỳnh phân tích.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Việt Nam cần thiết lập một bộ luật riêng để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa. Bộ luật này cần quy định rõ ràng các loại tiền mã hóa nào được phép giao dịch, cơ chế giám sát các giao dịch và quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia. Điều này không chỉ tạo sự minh bạch trong thị trường mà còn cung cấp cơ sở pháp lý vững chắc để bảo vệ nhà đầu tư trước những rủi ro lừa đảo.

Song song với việc ban hành luật, việc cấp phép và giám sát chặt chẽ các sàn giao dịch tiền mã hóa trong nước là giải pháp mang tính đột phá. Khi các sàn giao dịch trong nước hoạt động dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước, nhà đầu tư sẽ có môi trường giao dịch an toàn hơn. Đồng thời, điều này cũng hạn chế dòng tiền chảy ra nước ngoài thông qua các sàn giao dịch không rõ ràng. Các sàn được cấp phép cần đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt về bảo mật thông tin, minh bạch tài chính và bảo vệ quyền lợi người dùng.

Một yếu tố quan trọng khác là tăng cường nhận thức của cộng đồng về rủi ro khi đầu tư vào tiền mã hóa. Các chiến dịch tuyên truyền cần được triển khai để nhà đầu tư hiểu rõ về bản chất của tiền ảo, nhận diện các dấu hiệu lừa đảo và trang bị kỹ năng cần thiết khi tham gia thị trường này. Hệ thống giáo dục cũng có thể tích hợp các khóa học, hội thảo chuyên sâu về công nghệ blockchain và tiền mã hóa để cung cấp kiến thức nền tảng cho công chúng.

Việc áp dụng chính sách thuế đối với giao dịch tiền mã hóa không chỉ là biện pháp quản lý mà còn giúp tăng nguồn thu ngân sách. Các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Singapore đã áp dụng các mô hình thuế đối với tiền mã hóa, tạo ra một nguồn thu lớn từ các giao dịch trực tuyến. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm này để vừa tận dụng tiềm năng kinh tế, vừa thúc đẩy sự minh bạch trong thị trường.

Đồng thời, việc thành lập một cơ quan chuyên trách để giám sát và quản lý thị trường tiền mã hóa cũng là một giải pháp cần thiết. Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm theo dõi các giao dịch, đánh giá rủi ro và đề xuất chính sách phù hợp với tình hình thực tế. Sự hiện diện của một cơ quan chuyên trách không chỉ giúp tăng cường hiệu quả quản lý mà còn củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành để đảm bảo rằng các chính sách liên quan đến tiền mã hóa được thực thi một cách đồng bộ và hiệu quả. Việc phối hợp này sẽ giúp hạn chế tình trạng chồng chéo hoặc bỏ sót trong quản lý, đồng thời tạo tiền đề cho việc phát triển bền vững lĩnh vực này trong tương lai.

T.Hằng
Theo Đại Đoàn Kết //