Bi kịch của mỹ nữ xinh đẹp thành người đàn bà không mặt

23-02-2018 12:13:47

Mang theo hình hài không còn nguyên vẹn 66 năm cuộc đời sau khi mắc phải căn bệnh lạ, cụ già đáng thương ấy khiến những người dù là mới gặp lần đầu cũng phải rơi nước mắt.

Cụ Phạm Thị Sen sống một mình trong căn nhà nhỏ ở thôn Cao Trung, xã Đình Phùng (Kiến Xương, Thái Bình). Ảnh: Tuấn Khang

Xót xa kiếp hồng nhan

Đến thôn Cao Trung, xã Đình Phùng (huyện Kiến Xương, Thái Bình) hỏi về gia đình cụ Phạm Thị Sen (83 tuổi) thì không một ai là không biết. Trong trí nhớ của những người dân nơi đây, cụ Sen hiền lành, vui tính nhưng lại có một hoàn cảnh rất đáng thương.

“Không hiểu là cụ bị mắc bệnh gì nhưng mắt mũi bị “ăn” hết, ai đến muốn gặp cụ phải nói chuyện thật to thì cụ mới nghe thấy được. Hoàn cảnh cụ đáng thương lắm”, một người dân vừa chỉ đường vừa cho biết về cụ bà mà tôi sắp được gặp mặt.

Men theo con đường bê tông khang trang tiến sâu ra phía cánh đồng của thôn, căn nhà mái ngói nhỏ bé rêu phong cũ kỹ của cụ Sen đã hiện ra trước mắt.

Trước khoảng sân tráng xi măng, vườn rau với đủ các cây trái quen thuộc của vùng nông thôn Bắc Bộ. Cũng giống như căn nhà của cụ, tất cả đều nhỏ bé, hài hòa, bắt mắt và gây ấn tượng với những người lần đầu đến thăm.

Bên trong căn nhà nhỏ bé, 2 chiếc giường đơn, một chiếc bàn cùng vài ba chiếc ghế được sắp xếp rất ngăn nắp và tuân theo một quy luật nào đó để cụ Sen có thể dễ dàng tìm thấy được.

Căn bệnh cam thổ mã quái ác ăn mòn 2 mắt, mũi của cụ Sen. Ảnh: Tuấn Khang

Chỉ tay vào mâm cơm đặt trên chiếc bàn nhỏ giữa bàn cụ Phạm Thị Tuyết (73 tuổi, em gái cụ Sen) tiếp lời: “Bữa trưa hôm nay của bà nhà tôi nhưng hôm nay cụ mệt nên vẫn còn bỏ lại đó”.

Cụ Tuyết đưa ánh mắt hướng ra phía người chị gái đang ngồi xếp bằng trên chiếc giường đơn. Gắn bó với cụ Sen từ nhỏ, lại chứng kiến những biến cố liên tiếp ập đến với người chị gái nên cụ Tuyết không giấu được sự xúc động mỗi khi nhắc lại.

Theo lời cụ Tuyết, gia đình cụ có 4 anh chị em trong đó cụ Sen là người con thứ 2. Khi mới sinh ra, cụ Sen hoàn toàn bình thường như bao người khác. Thậm chí, khi còn thiếu nữ, cụ Sen được đánh giá là một trong những cô gái có nhan sắc khả ái, thông minh và rất đảm đang công việc nhà.

Cũng chính vì thế nên thời còn thiếu nữ, cụ Sen nhận được sự chú ý, theo đuổi của nhiều người trong đó có người là con cái của những gia đình giàu có trong xã. Tuy vậy, cụ Sen lại quyết định gửi gắm tình cảm của mình cho một người hiền lành, chăm chỉ cùng xã nhưng khác thôn.

Vì bệnh ăn mất mũi nên cụ Sen phải thở bằng miệng dẫn đến giọng nói không còn rõ ràng. Clip: Tuấn Khang

“Khi đang yêu nhau và chuẩn bị làm lễ cưới thì chị tôi đột nhiên phát bệnh. Tôi nhớ năm ấy chị tôi vừa tròn 17. Lúc đó, chị tôi bỗng ngứa ran hết mặt mũi, chữa trị nhiều nơi cũng không thấy tiến triển cũng không ai biết đó là bệnh gì.

Cứ thế vài năm sau, bệnh ăn sâu vào người khiến mắt, mũi, môi của chị tôi bị ăn hết, cứ dần dần mất đi. Về sau, có người bảo chị tôi mắc bệnh cam thổ mã. Họ bảo bệnh này không có thuốc chữa và để càng lâu thì con cam càng ăn mất bộ phận trên cơ thể người”, cụ Tuyết nhớ lại.

Xót xa cho hoàn cảnh của mình, lại nghĩ thương cho chàng trai mà mình đang đem lòng yêu thương, sau nhiều ngày quyết định, cụ Sen nhờ người thân đến tận nhà người yêu để thông báo hủy bỏ hôn ước.

Trong tiếng nói thều thào câu được câu mất, cụ Sen tâm sự: “Bệnh tôi như vậy, có lấy về cũng chỉ khổ họ ra nên tôi quyết định hủy bỏ hôn ước”.

Neo đơn tuổi xế chiều

Mất đi hình hài, cô gái xinh đẹp ngày nào bỗng nhiên mất đi cả tương lai, mơ ước về một gia đình nhỏ bé. Và cứ như thế, 66 năm trôi qua, cụ Sen mang theo bên mình khuôn mặt không trọn vẹn của mình sống côi cút trong căn nhà nhỏ bé của mình.

Thời gian đầu, khi bệnh mới phá ra, cụ Sen vẫn có thể tự làm những công việc hàng ngày như nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa nhưng càng về sau, khi bệnh tật bắt đầu nặng hơn, cụ không làm được gì nữa. Tất cả mọi công việc đều phải nhờ đến cụ Tuyết cùng họ hàng, làng xóm giúp đỡ.

“Mắt chị tôi không nhìn được gì nữa, thở cũng phải thở bằng mồm, tai cũng bắt đầu bị ăn khiến khả năng nghe bị ảnh hưởng. Hơn nữa, lưng chị tôi lại bị còng, nhiều lúc nằm lâu mệt người muốn đi lại cho khuây khỏa thì đều phải chống 2 tay lê đi chứ có đi bằng chân được nữa đâu”, cụ Tuyết chua xót kể.

Cũng theo như lời cụ Tuyết, mặc dù mắc phải căn bệnh khiến cơ thể bị hủy hoại nhưng cụ Sen lại có một trí nhớ rất tốt. “Cứ đọc đến tên các cụ trong xóm là chị tôi có thể nhớ một cách tỉ mỉ cụ này còn sống hay đã mất, mất năm bao nhiêu và thọ bao nhiêu tuổi”, cụ Tuyết kể.

Cụ Sen vẫn ăn uống bình thường và thường hay cập nhật những tin tức thời sự thông qua chiếc đài chạy bằng pin. Ảnh: Tuấn Khang

Có gia đình, con cháu nhưng cụ Tuyết nhiều năm qua vẫn sang sống chung với chị gái. Hơn 1 năm trở lại đây vì sức khỏe yếu mà cụ Tuyết không còn có khả năng chăm sóc cho chị mình. Hàng ngày, cứ tới bữa ăn, các cháu của hai cụ lại sang chăm sóc.

Là người gắn bó và chăm sóc, lo cơm nước cho cụ Sen, cô Nguyễn Thị Tỉnh (SN 1959, cháu gọi cụ Sen bằng dì) cho biết cụ Sen vẫn ăn uống bình thường và thường hay cập nhật những tin tức thời sự thông qua chiếc đài chạy bằng pin.

“Cụ tôi vẫn ăn uống được, trừ những khi trái gió trở trời thì việc ăn uống khó khăn hơn. Những khi tôi đến thăm, cụ đều bắt tôi mở những tin tức thời sự để cụ nghe chứ cụ không thích nghe kinh Phật.

Tai cụ nghe kém đi nên mỗi khi mở đều phải vặn hết cỡ âm lượng cụ mới nghe được. Đến thời điểm hiện tại, căn bệnh quái ác vẫn đang tiếp tục hành hạ dì tôi khi dì thường xuyên bị ngứa dai dẳng ở những nơi bị bệnh ăn.

Tuy nhiên, qua cách tiếp xúc, nói chuyện với con cháu, với những người đến thăm, tôi biết cụ đã bớt đi được mặc cảm về bệnh tật của mình. Trước kia, cứ có người lạ hỏi chuyện hoặc xin chụp ảnh là cụ đều không cho nhưng bây giờ cụ đã thoải mái hơn”, cô Tỉnh chia sẻ.

Tuấn Khang
Theo Đời sống Plus/GĐVN //