Cách chi tiêu hiệu quả để tránh rỗng túi những ngày Tết mà chúng ta nên học theo
Tết càng gần nhu cầu mua sắm càng tăng cao, với mặt hàng đa dạng, giảm giá tới tấp hiện nay nếu không biết cách kiểm soát sẽ khiến bạn rơi vào tình trạng rỗng túi. Cách chi tiêu hiệu quả để tránh sạch ví những ngày Tết không phải ai cũng làm được dưới đây là gợi ý cho bạn.
Tất bật với cả đống công việc cuối năm, nhiều người dễ có tâm lý mua sắm trong tình cảnh vội vã, đông đúc. Đa phần sẽ mua sắm một cách tùy hứng mà không lên một bảng danh sách những thứ cần mua sắm trong dịp này. Lập kế hoạch chi tiêu là cách chi tiêu hiệu quả để tránh rỗng túi những ngày Tết không phải ai cũng làm được.
Lập danh sách cần phải cụ thể những thứ cần mua và cân nhắc xem mình có thật sự cần mua món đồ này không, nếu thật sự cần thiết mới mua về nhà. Chi tiết hơn, xác định rõ ràng giữa những thứ quan trọng cần phải có và những sản phẩm không có cũng chẳng sao để lược bớt những vật dụng, thực phẩm không thực sự cần thiết và hữu dụng.
Nên có kế hoạch chi tiêu sẽ tiết kiệm hơn trong ngày Tết. Ảnh minh họa
Thực tế, khi lên một danh sách những thứ dự kiến mua sắm sẽ cho bạn cân đối được nguồn tài chính thực của mình. Bạn sẽ có một lộ trình và quy trình hợp lý, mua cái gì trước, cái gì sau; mua ở cửa hàng nào trước, cửa hàng nào sau và phân bố tài chính cho phù hợp. Nhờ vậy, bạn sẽ tiết kiệm được tương đối chi phí. Khi không định lượng mình phải mua những gì, thấy món đồ hay hay hoặc đẹp đẹp là mua quá nhiều sản phẩm mà không quan tâm tới độ cần thiết gây lãng phí tiền bạc và thời gian.
Với riêng chị em phụ nữ, việc lập ra danh sách các thứ cần phải sắm, số tiền cần chi, thời gian đi mua… sẽ giúp cho đi chợ Tết trở nên thuận lợi và dễ kiểm soát hơn, tránh "vung tay quá trán" theo ngẫu hứng khiến tiền trong túi cứ "đội nón ra đi" mà không hay.
Cùng với việc lập danh sách chi tiêu, bạn cũng cần tránh những lỗi sau nếu không muốn mình rỗng túi ngày Tết:
Ham mua hàng giảm giá
Nhiều người, nhất là chị em phụ nữ có thói quen ham rẻ thấy khuyến mãi nhiều là mua, hoặc đồ nào thấy thích là mua, nhưng thực tế mua về không sử dụng được bao nhiêu chỉ với tâm lý "tranh thủ cơ hội" giảm giá sâu ở nhiều mặt hàng. Giảm giá là một chiêu thức rất hiệu quả đánh vào tâm lý người tiêu dùng. Ai cũng nghĩ rằng mình mua được mặt hàng với giá hời, nhưng đa phần hàng giảm giá sâu thường là sắp hết "đát" hoặc mẫu mã không đẹp…
Thời điểm này những mặt hàng như vậy nhiều vô số và nếu món nào giảm giá bạn cũng mua thì bạn sẽ phải cạn kiệt hầu bao. Bạn nên học cách phớt lờ những lời chào khuyến mãi nếu không muốn "cháy túi". Nếu không trước khi mua cần suy nghĩ thật kỹ. Nếu không quá cần thiết không nên mua, còn nếu thấy cần thiết hãy tinh ý khi lựa chọn sản phẩm để đảm bảo mình mua được những đồ hữu ích.
Mua hàng quá sát Tết
Có nhiều người vì bận rộn, số khác cho rằng mua những ngày giáp Tết, nhất là những ngày 29 – 30, hàng sẽ giảm giá rẻ hơn. Có thể một số mặt hàng giảm giá, nhưng thường vào ngày này các mặt hàng thiết yếu lại tăng lên cao nhất. Mua thời điểm này cũng khiến mình không có lựa chọn nhiều, việc quyết định chi tiêu thông minh là rất khó. Hơn nữa, bạn cũng dễ gặp phải tình trạng mua hàng lỗi, hàng kém chất lượng. Sắp xếp kế hoạch mua sắm sớm sẽ có thời gian chọn lựa kỹ càng.
* Không tham khảo giá cả
Thói quen nhìn thấy hàng hoá thích là mua không quan tâm đến giá cả đắt hay rẻ, nhất là trong những siêu thị hay trung tâm thương mại vì nghĩ ở đó là chuẩn. Thực tế, giữa các nhà phân phối giá có chênh lệch. Ngay cả ở các siêu thị khác nhau, giá đối với một loại sản phẩm cũng có khác. Các sản phẩm tiêu dùng, may mặc thì giá cả có thể chênh nhau nhiều. Bởi vậy nên khảo giá để mua đúng giá của sản phẩm và tiết kiệm chi phí. Việc khảo giá và so sánh hiện nay không quá khó. Trên mạng có rất nhiều trang so sánh giá với những thông tin cụ thể hữu ích cho người mua hàng.
Dự trữ quá nhiều đồ ngày Tết
Tâm lý vui chơi ngày Tết nên nhiều gia đình có thói quen mua thật nhiều thực phẩm rồi tích trữ trong tủ lạnh. Có khi nhà có đồ rồi nhưng thấy giảm giá, khuyến mại lại mua tích. Việc mua tích trữ quá nhiều thực phẩm trong những ngày lễ Tết, nhất là đối với các loại rau xanh, trái cây... sẽ rất dễ dẫn đến thực phẩm khô héo, thối, hỏng, biến dạng, biến chất... Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe gia đình mà còn gây lãng phí.
Mọi người cần tính toán lượng thực phẩm phù hợp với thành viên trong gia đình để dự trữ đồ ăn. Dù là Tết, các chợ, siêu thị… giờ đều mở cửa rất sớm sau Tết, chỉ khoảng mùng 2.