Bộ Y tế yêu cầu tránh lạm dụng chỉ định trong khám chữa bệnh hậu Covid-19
Bộ Y tế yêu cầu bảo đảm các chỉ định phù hợp, tránh tình trạng lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp, không cần thiết trong khám chữa bệnh hậu Covid-19.
Theo Sức khỏe & Đời sống, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa ký ban hành công văn gửi Giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế; Thủ trưởng y tế ngành về việc tăng cường khám chữa bệnh thường quy và cho người sau mắc Covid-19 (hậu Covid-19).
Tại công văn này, để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho người dân nói chung và người sau khi mắc Covid-19, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc các Bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng Y tế ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai một số giải pháp.
Cụ thể, Bộ Y tế yêu cầu khám, chữa bệnh thường quy và khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người có dấu hiệu, triệu chứng sau khi mắc Covid-19 theo phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, theo cách tiếp cận đa khoa, chuyên khoa khi người dân có các dấu hiệu, triệu chứng thuộc các chuyên khoa (đặc biệt chú ý về lĩnh vực hô hấp, tim mạch, sức khỏe tâm thần, phục hồi chức năng...), bảo đảm các chỉ định phù hợp, tránh tình trạng lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp, không cần thiết.
Bên cạnh đó, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người mắc và sau mắc Covid-19. Thực hiện theo đúng các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế đã ban hành: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tâm thần; Hướng dẫn Phục hồi chức năng bệnh Viêm đường hô hấp cấp tính do SARS CoV-2 (Covid-19); Tài liệu hướng dẫn phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc COovid-19.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, củng cố hệ thống khám bệnh, chữa bệnh để thực hiện công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh thường quy, đồng thời bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó chú trọng các giải pháp cải tiến, tăng cường chất lượng khám chữa bệnh.
Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức để người dân và nhân viên y tế hiểu đúng và đầy đủ về các dấu hiệu, triệu chứng sau mắc Covid-19, thời điểm người dân cần đi khám, chữa bệnh, tránh để người dân lo lắng, hoang mang quá mức, tránh lạm dụng chỉ định ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tuyên truyền, phổ biến kiến thức và tư vấn sức khỏe cho người dân về phương pháp phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc và cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn về hoạt động chuyên môn, thông tin, quảng cáo khám chữa bệnh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc hoặc chấn chỉnh nếu cần thiết.
Bộ Y tế giao thủ trưởng các đơn vị có giường bệnh tổng hợp báo cáo về tình trạng hậu Covid báo cáo Bộ Y tế để tiếp tục đề xuất cập nhật hướng dẫn chuyên môn, giúp tối ưu hóa kết quả điều trị. Trên đây là ý kiến của Bộ Y tế, yêu cầu Giám đốc các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế ngành nghiêm túc triển khai thực hiện.
Về tình hình dịch Covid-19 hôm nay, theo báo Người lao động, Bộ Y tế cho biết từ 16 giờ ngày 28/5 đến 16 giờ ngày 29/5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 890 ca nhiễm mới (giảm 224 ca so với ngày trước đó) tại 39 tỉnh, thành phố (có 617 ca trong cộng đồng).
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.717.251 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.257 ca nhiễm).
Trong ngày cả nước có thêm 8.439 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 9.448.352 ca. Số bệnh nhân đang thở ôxy là 189 ca, trong đó 6 bệnh nhân đang can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).
Trong 24 giờ qua, cả nước không ghi nhận 0 ca tử vong. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp nước ta không có bệnh nhân tử vong do Covid-19. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.078 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.