Bộ Y tế cảnh báo thuốc giả chữa bệnh xương khớp trên thị trường
Bộ Y tế đã nhận được các văn thư thông tin về việc phát hiện mẫu sản phẩm nghi ngờ là thuốc giả dùng trong chữa bệnh xương khớp xuất hiện trên thị trường.
Ngày 28/3, theo thông tin trên báo SK&ĐS, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông tin về việc thuốc giả Actemra 400 mg/20 mL xuất hiện trên thị trường. Theo Cục Quản lý Dược, đơn vị này đã nhận được các văn thư số RA/01/03/2022 đề ngày 03/3/2022 và số RA/04/03/2022 đề ngày 10/3/2022 của Văn phòng đại diện Công ty F. Hoffmann-La Roche Ltd Thụy Sĩ tại TP Hà Nội thông tin về việc phát hiện mẫu sản phẩm nghi ngờ là thuốc giả, trên nhãn ghi: Actemra 400 mg/20 mL, số lô B2101B32.
Công ty F. Hoffmann-La Roche Ltd đã so sánh, đối chiếu và xác nhận mẫu sản phẩm nghi ngờ là thuốc giả do khách hàng cung cấp (được mua từ website: https://alomuathuoc.vn/san-pham/thuoc-actemra-400mg-20ml-gia/) có các dấu hiệu khác biệt so với mẫu lô thuốc ActemraÒ 400 mg/20 mL, số lô B2101B32 do Công ty F. Hoffmann-La Roche Ltd phân phối và chỉ lưu hành tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Được biết, Công ty F. Hoffmann-La Roche Ltd là chủ sở hữu các thuốc Actemra, có tác dụng làm giảm tình trạng viêm nên thuốc được bác sĩ chỉ định dùng trong các trường hợp viêm khớp dạng thấp hoặc phối hợp với kết hợp methotrexate và/hoặc thuốc chống thấp khớp để điều trị thấp khớp.
Trong đó, có thuốc Actemra 200mg/ 10ml và Actemra 162mg/ 0,9ml đã đăng ký lưu hành tại Việt Nam (số giấy đăng ký lưu hành tương ứng SP-1189-20 và QLSP-1120- 18); thuốc Actemra 400 mg/20 mL chưa đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Mẫu thuốc thật và thuốc giả Actemra 400 mg/20 mL. Ảnh chụp màn hình do Cục Quản lý Dược cung cấp
Để tránh việc sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng và để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế các ngành tăng cường việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn đảm bảo kinh doanh thuốc có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ; kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc nhập lậu.
Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới người dân biết để không mua thuốc qua các thông tin trên mạng internet, chỉ mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, có đầy đủ hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của thuốc. Cục Quản lý Dược thông báo để các Sở Y tế biết và thực hiện.
Trước đó, như báo Dân Việt đã đưa tin, ngày 24/3, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cảnh báo thuốc giả Stivarga 40mg và Xarelto 10mg/15mg/20mg. Đây là các thuốc có chỉ định điều trị ung thư và đông máu.
Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành và Bayer AG thông báo cho các cơ sở kinh doanh sử dụng thuốc về các đặc điểm, dấu hiệu phân biệt giữa sản phẩm nghi ngờ là giả và thuốc do Bayer AG sản xuất, do Công ty TNHH Bayer Việt Nam hoặc Chi nhánh Công ty TNHH Zuellig Pharma Việt Nam nhập khẩu.
Đồng thời, đề nghị Sở Y tế phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới các cơ sở buôn bán, sử dụng thuốc và người dân biết để không buôn bán, sử dụng sản phẩm là hàng giả trên nhãn ghi Stivarga 40mg (film kapli tablet, Regorafenib), Xarelto 10mg (film kapli tablet, Rivaroksaban), Xarelto 15mg (film kapli tablet, Rivaroksaban)/Xarelto 20mg (film kapli tablet, Rivaroksaban) và các dấu hiệu nhận biết nêu trên.
Ngoài ra, yêu cầu nhà sản xuất Bayer AG hoặc cơ sở đăng ký thuốc Stivarga 40mg, Xarelto 10mg, Xarelto 15mg, Xarelto 20mg phải cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan và khẩn trương báo cáo trực tiếp gửi về Cục Quản lý Dược.