Bị cáo thảm sát 5 người ở Sài Gòn xin hiến tạng 'để ra đi thanh thản'

09-07-2018 14:45:17

Bị cáo Nguyễn Hữu Tình, kẻ sát hại 5 người trong một gia đình ở Sài Gòn gây chấn động dư luận vào Tết nguyên đán vừa qua đã xin hiến tạng tại tòa.

Sáng 9/7, TAND TP.HCM đưa bị cáo Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi, quê An Giang) ra xét xử tội Giết người và Cướp tài sản. Nạn nhân của vụ án là 5 người trong gia đình ông Mai Xuân Chinh (ngụ phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân).               

Zing thông tin, khoảng 8h hơn, Tình được đưa vào phòng xử án. Theo cáo trạng, Tình từ quê An Giang lên TP.HCM làm thuê và được ông Chinh nhận vào làm công, ăn và ngủ tại nhà. Trong quá trình làm việc, Tình làm hiệu quả thấp, hay hư hỏng sản phẩm, đi chơi game, ăn uống cả đêm nên bà Hồng (vợ ông Chinh) thường la mắng. Tình nghĩ bà chủ phân biệt đối xử với mình nên đâm ra thù ghét.

Khoảng 4h ngày 13/2, Tình làm rơi viên bi sắt trên sàn gỗ, gây ra tiếng động, bà Hồng la mắng nên gã tức giận, dùng dao đâm chết bà Hồng. Khi ông Chinh phát hiện, Tình tiếp tục đâm người này tử vong.  Sau đó, Tình tiếp tục ra tay sát hại 3 đứa con của vợ chồng chủ nhà. Tại phiên toàn, bị cáo tỏ ra bình thản, có lúc mỉm cười.


Hình ảnh Tình tại phiên tòa hôm nay. Ảnh: PLO & Zing

PLO cho biết, theo VKSND TP.HCM, hành vi của Tình thuộc trường hợp giết nhiều người, giết người dưới 16 tuổi. VKS cũng ghi nhận Tình được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự vì thành khẩn khai báo.

Từ đó, với tội giết người, VKS đề nghị phạt bị cáo mức án cao nhất tử hình. Với tội cướp tài sản, VKS đề nghị mức án từ bảy đến tám năm tù. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải chấp hành là tử hình.

Nói lời sau cùng tại tòa, bị cáo thành khẩn xin lỗi gia đình người bị hại, cha mẹ. Bị cáo xin hiến tạng cho y học để ra đi thanh thản. Trước Nguyễn Hữu Tình, từng có nhiều tử tù xin được hiến xác nhưng không được chấp nhận.

việc hiến xác của từ tù hiện nay chưa có quy định cấm, tuy nhiên sẽ gặp một số khó khăn cụ thể như sau: Theo quy định tại Điều 59 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 thì Thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc.

Việc tiến hành tiêm thuốc độc vào cơ thể của tử tù sẽ khiến cho các bộ phận, cơ quan chức năng trong cơ thể tử tù bị nhiễm độc và không có chuyên gia xác định các mô, bộ phận cơ thể còn đáp ứng được nhu cầu của y học hay không và pháp luật cũng chưa có quy định về điều này. Nếu đồng ý để tử tù hiến xác cho y học, vậy việc lấy mô, nội tạng sẽ diễn ra trước hay sau khi thi hành án phạt tử hình? 

Chuyên viên pháp lý Mai Quốc Việt chia sẻ trên Đời sống Pháp luật: "Việc tử tù muốn hiến xác là một hành vi mong muốn chuộc lỗi, muốn đóng góp một phần nào đó của người tử tù, là quyền con người, là nguyện vọng chính đáng, nhân văn.

Nhiều tử tù cũng có nguyện vọng này nhưng không được đáp ứng vì chưa có hành lang pháp lý cụ thể. Việc đồng ý để tử tù hiến xác cần có những cơ chế chặt chẽ, những quy định của văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn để tránh những hệ lụy không mong muốn”.


Xem thêm: Tỷ phú Elon Musk đưa tàu ngầm mini đến Thái Lan để giải cứu đội bóng

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //