Bệnh tay chân miệng bùng phát ở Hòa Bình, Vĩnh Long

21-11-2018 11:51:00

Bệnh tay chân miệng đã xuất hiện ở hầu hết các huyện của hai tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Long. Rất may chưa phát hiện ca tử vong.


Trẻ em mắc bệnh chân tay miệng ngày càng gia tăng tại Hòa Bình (Ảnh: Hoàng Hà/Vietnamnet)

Gần đây, nhiều phụ huynh ở Hòa Bình đã ăn không ngon, ngủ không yên vì gia đình có trẻ mắc tay chân miệng. Theo Vietnamnet, thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hòa Bình cho thấy, số ca bệnh tăng nhanh trong thời gian gần đây (tháng 9 ghi nhận 52 ca, tháng 10 ghi nhận 33 ca). 

Bệnh tay chân miệng đã xuất hiện ở 10/11 huyện, thành phố của tỉnh Hòa Bình. Trong đó, huyện Lạc Thủy 26 ca, huyện Cao Phong 24 ca, TP.Hòa Bình 16 ca, Yên Thủy 15 ca, Mai Châu 11 ca... Riêng huyện Cao Phong có 4 ổ dịch tai các xã: Thung Nai, Yên Lập, Bình Thanh và Dũng Phong.

Trong khi đó, bệnh tay chân miệng cũng đang diễn biến phức tạp tại Vĩnh Long. Theo VOV news, từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Vĩnh Long đã phát hiện gần 2.590 ca mắc, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.

Các ổ dịch xuất hiện đều tại các huyện và thành phố trong tỉnh, hầu hết các bệnh viện tuyến huyện đều quá tải; một số bệnh viện phải kê thêm giường bệnh nhưng vẫn có tình trạng bệnh nhân nằm chung giường. Nhưng nhờ phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên không có trường hợp tử vong.

Hiện ngành y tế Vĩnh Long đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong phòng ngừa bệnh lây lan và phun thuốc tiêu độc khử trùng tại 60 ổ dịch trong tỉnh, không để các ổ dịch phát triển mạnh trong thời gian tới.

Bệnh tay chân miệng là do bị nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Để phòng bệnh tay chân miệng, người lớn và trẻ em cần tập thành thói quen thường xuyên rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh sẽ. Ngoài ra cần thực hiện ăn chín, uống sôi và khử trùng các đồ chơi, vật dụng của trẻ.


Xem thêm video: Trẻ 10 tháng tuổi bị tím đùi, xước mặt sau khi từ trường mầm non về

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //