Bé 10 tháng tuổi tử vong do ngạt nước, nhà có trẻ nhỏ nhất định phải biết điều này
Dù rất nhiều trường hợp trẻ em tử vong vì rơi vào chậu nước nhưng dường như lời cảnh báo lâu nay vẫn không được cha mẹ lấy đó là bài học đắt giá nên vẫn còn những cái chết thương tâm xảy ra.
Mới đây nhất, ngày 13/4, BS Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng các bác sĩ không thể cứu được cháu bé hơn 10 tháng tuổi tử vong do ngạt nước.
Theo báo Pháp luật TPHCM, vào buổi trưa 12/4, cha của bé nằm nghỉ để con chơi loanh quanh. Sau 30 phút anh quay tìm con thì phát hiện bé đã úp mặt vào thau nước dưới nhà. Ngay lập tức gia đình tiến hành sơ cứu nhanh cho cháu rồi đưa vào BV Hóc Môn. Tại đây bệnh nhi được đặt nội khí quản, cấp cứu, sau đó đưa vào BV Nhi đồng 1.
Bệnh nhi đến BV Nhi đồng 1 trong tình trạng thiếu ôxy não khá nặng, tím tái, trụy mạch, đồng tử giãn, tổn thương phổi... Tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhi được hồi sức tim phổi, điều trị chống phù não liên tục nhưng tình hình không được cải thiện đã khiến bé tử vong.
Có rất nhiều trẻ em bị tử vong vì rơi vào chậu nước cha mẹ cần hết sức thận trọng. Ảnh minh họa: Dân Trí
Tương tự, cách đây không lâu, bé gái chưa đầy 1 tuổi đang chơi trong phòng trọ thì bất ngờ ngã vào chậu nước. Dù được người thân đưa vào bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) cấp cứu nhưng cháu đã không qua khỏi, theo đó, Zing News ghi nhận.
Theo đó, vào khoảng 14h ngày 9/9, bé L.H.Y (13 tháng tuổi) được mẹ cho chơi trong nhà trọ gần cầu vượt Sóng Thần, thị xã Dĩ An, Bình Dương (đoạn giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và TP.HCM).
Trong lúc chơi, bé gái bất ngờ ngã vào chậu nước dẫn đến ngưng thở. Người nhà nạn nhân nhanh chóng đưa bé Y. vào bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) cấp cứu nhưng không qua khỏi. Tại bệnh viện, đôi vợ chồng trẻ đau đớn, gào khóc thảm thiết trong lúc chờ nhận thi thể con khiến hàng chục người trong bệnh viện xót xa, thương cảm.
Làm gì để tránh nguy hiểm cho con trẻ?
Báo Dân Trí đưa tin, thống kê tại bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho thấy, gần như ngày nào cũng có trẻ phải nhập viện cấp cứu vì tai nạn với đủ các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Các tai nạn chủ yếu thường gặp là tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt hoặc có thể là những vụ ngộ độc do uống phải hóa chất, dầu hôi đựng trong chai nước giải khát. Nguyên nhân khiến trẻ gặp tai nạn phần nhiều xuất phát từ sự lơ là, thiếu cảnh giác hoặc chủ quan, thiếu hiểu biết của người lớn.
Riêng những tai nạn đuối nước, chính sự chủ quan của phụ huynh khi để các vật dụng chứa nước như xô, chậu trong nhà vệ sinh, nhà tắm, nhà bếp, vô tình trở thành cái bẫy đối với trẻ. Mặt khác, tai nạn đuối nước ở trẻ khi đi tắm sông - suối - ao - hồ; tai nạn do té từ cây cao, bị ong chích; bỏng lửa, bỏng nước sôi... cũng rất phổ biến vào mùa nắng nóng đặc biệt là thời điểm trẻ nghỉ hè.
Theo các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh nên lưu tâm sắp xếp các vật dụng trong gia đình từ dụng cụ chứa nước đến dụng cụ nhà bếp, phòng khách, phòng ngủ... để tránh gây tai nạn cho con trẻ, thường xuyên để mắt đến con em mình. Từng bước dạy cho trẻ kỹ năng sống để tránh những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.
Mỗi phụ huynh cần tìm hiểu, học tập, trang bị cho mình những kiến thức sơ cấp cứu ban đầu đối với các tai nạn thường gặp. Những giải pháp đơn giản như nhấn tim, hà hơi thổi ngạt, vỗ lưng, ấn ngực... sẽ là “vũ khí” tận dụng thời gian vàng (3 đến 5 phút sau tai nạn) cứu con trẻ thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” trước khi cần sự hỗ trợ chuyên môn sâu từ y bác sĩ.
Mỗi bậc cha mẹ nên học cách sơ cứu tại nhà cho trẻ
Trả lời trên Vnxpress, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết đa số trẻ bị ngạt nước nếu ngưng tim ngưng thở quá 4 phút sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến não. Nếu tình trạng ngưng thở quá 10 phút, nạn nhân hầu như vô phương cứu chữa, khó tránh nguy cơ tử vong. Một số trường hợp có thể giữ được mạng sống nhưng để lại di chứng nặng nề, phải sống đời sống thực vật. Trong khi đó ngạt nước do ngã chúi đầu vào xô, lu đựng nước, chậu nước, hòn non bộ, là tai nạn rất thường gặp cho trẻ nhỏ.
"Phát hiện và sơ cấp cứu cho trẻ bằng cách nhồi tim, hà hơi thổi ngạt trong thời gian vàng 4 phút đầu là cực kỳ quan trọng vì sẽ giúp cung cấp máu và oxy lên não kịp thời", bác sĩ Phương khuyến cáo.
Theo lời khuyên của các bác sĩ, khi con trẻ gặp nạn đuối nước, sau khi sơ cứu ban đầu và gọi cấp cứu 115, trên đường đưa trẻ đến cơ sở y tế cần tiếp tục ấn tim hà hơi thổi ngạt liên tục không được gián đoạn. Rất nhiều trẻ đến viện vẫn không thể qua khỏi vì không được sơ cứu đúng cách ngay khi xảy ra tai nạn.
Trên Báo Công an TP.HCM, bác sĩ Phương đưa ra khuyến cáo tai nạn do bé té ngã vào lu nước, xô, chậu, thau,… là tai nạn xảy ra thường xuyên, vì trẻ em thường hiếu động, nhất là giai đoạn mới biết bò, biết đi. Đặc biệt, ở lu, xô, thau nước đầy thì ít xảy ra, nhưng khi nước sắp cạn thì nhiều trường hợp bé với tay để chơi và ngã luôn vào các dụng cụ chứa nước này. Về phần cha me, khi không thấy con, đi tìm thì chứng kiến luôn cảnh đau lòng.
Trẻ giai đoạn mới biết bò, biết đi, phụ huyng phải giám sát không rời trẻ. Lu, xô, chậu trong nhà phải nằm khu cách ly, trẻ không tiếp cận được để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Mẹo giúp bé hết nôn trớ