Bật mí cách đọc diễn văn của các nhà hùng biện tài ba

13-09-2016 00:00:00

Cách đọc diễn văn, thuyết trình hay phát biểu trước đám đông sẽ giúp ngay cả những người nhút nhát, sợ hãi đám đông cũng có thể trở thành nhà hùng biện tài ba.

Trong cuộc đời mình, chắc hẳn ai cũng có ít nhất một lần phải nói chuyện trước đám đông. Bạn có bao giờ tự hỏi vì sao có những người lại có thể diễn thuyết hàng giờ liền nhưng khán giả vẫn hào hứng lắng nghe? Có những người dù chỉ phải trình bày một vài quan điểm ngắn gọn nhưng vẫn lắp bắp, nói năng không rõ ràng, mạch lạc. Dù bạn có mắc chứng sợ đám đông hay không thì cũng nên tham khảo cách đọc diễn văn sau để tự tin khi thuyết trình, phát biểu ý kiến cá nhân.

Cách đọc diễn văn hay, biểu cảm không hề khó như tưởng tượng

Chuẩn bị kỹ

Bước đầu tiên trong mọi cuốn bí kíp thuyết trình đều nói về khâu chuẩn bị. Để tự tin với bài diễn văn, diễn thuyết của mình, bạn cần phải chuẩn bị kỹ các nội dung, nên viết lại ra giấy và tập nói trước gương. Không chỉ chuẩn bị về nội dung, bạn cần chuẩn bị cả bản thân. Ví dụ nghe một bản nhạc thư giãn trước giờ diễn thuyết; tập vài động tác xoay chân tay, cổ chân; uống nước ấm; tìm tông giọng phù hợp với nội dung bài diễn thuyết; chọn trang phục phù hợp với buổi nói chuyện. Đừng quên phát âm thật chuẩn, không nói ngọng, nói sai chính tả và hít một hơi thật sâu trước khi bắt đầu.

Trong lúc thuyết trình

Không nên bắt đầu ngay vào nội dung mà cần có một vài phút giới thiệu bản thân, tóm tắt ý chính của buổi nói chuyện hoặc giao lưu làm quen với khán thính giả. Phần nội dung chính của bài diễn văn chỉ nên kéo dài khoảng 20 phút, gói gọn trong 3 ý chính với cấu trúc: Mở bài – Thân bài – Kết bài rõ ràng, mạch lạc.

Là người diễn thuyết, bạn phải nhớ được ý chính mình cần nói nhưng không nên đọc thuộc lòng, biến bài diễn văn thành giờ đọc sách tẻ nhạt. Cần phải biết phân biệt giữa ‘đọc’ và ‘nói’. Rất nhiều người không biết cách đọc diễn văn thường xuyên mắc phải lỗi này. Thay vì nói chuyện, phát biểu diễn cảm và sinh động, họ lại gây cảm giác nhàm chán khi chỉ đơn thuần là đọc lại nội dung học thuộc lòng.

Cách đọc diễn văn hay làm nên thành công của nhiều chính khách

Trong quá trình diễn thuyết, có thể khéo léo lồng ghép một vài mẩu chuyện ngắn liên quan để dẫn dắt hoặc đặt một số câu hỏi để tương tác với khán giả. Tránh chỉ tập trung vào phần số liệu, hình ảnh và chỉ giao tiếp một chiều.  Ngoài ra, có thể kết hợp với các phương tiện trình chiếu, nghe nhìn thích hợp.

Ngôn ngữ cơ thể cũng là một trong những ‘chìa khóa thành công’ trong cách đọc diễn văn hay. Đừng chỉ nhìn chằm chằm vào tờ giấy, vào một hướng nào đó hay đứng im một chỗ suốt bài nói chuyện. Hãy sử dụng những động tác tay, giao tiếp bằng mắt và đôi khi đi lại sao cho hợp lý nhất để không biến mình thành máy nói. Đặc biệt, cần giữ một thái độ hứng thú, tự tin và đôi khi là hài hước (nếu phù hợp văn cảnh) trong bài diễn văn.

 

Minh Thùy
Theo Đời Sống Plus //