Bật khóc khi nghe thầy trò Làng Nủ kể về trận lũ quét kinh hoàng

04-10-2024 07:41:47

Sau trận lũ quét, sạt lở đất, nhiều học sinh mất cả bố lẫn mẹ, thậm chí có em mất toàn bộ gia đình, anh chị em.

Em Hoàng Anh Quân chia sẻ tại Chương trình "Cùng Tiền Phong nâng bước em tới trường".

Lần đầu tiên đặt chân đến Thủ đô Hà Nội, Hoàng Anh Quân, người Làng Nủ, học lớp 8 Trường Tiểu học & THCS Số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) là một trong số gần 70 học sinh bỗng chốc trở thành trẻ mồ côi sau trận lũ quét kinh hoàng sáng 9/9.

Anh Quân kể, sáng hôm đó, cả nhà em đang ngủ thì nghe thấy tiếng nổ to ở trên núi. Cả nhà ra xem thì không thấy gì. “Bố em bảo ba mẹ con xuống nhà trước. Một lúc sau, đất đá ầm ầm đổ xuống, em chỉ kịp kêu "bố ơi chạy đi" rồi chạy theo mẹ” – Anh Quân nói trong nước mắt lưng tròng, rồi bật khóc nức nở khi nhớ lại cảnh cả nhà và bố bị đất, đá vùi lấp, cuốn trôi.

Thầy Phạm Đức Vinh và học trò Hoàng Anh Quân tại Chương trình "Cùng Tiền Phong nâng bước em tới trường".

Hơn 20 ngày, bố của Quân vẫn chưa được tìm thấy trong đất đá, bùn lũ ở Làng Nủ. Thầy Phạm Đức Vinh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS số 1 Phúc Khánh cho biết, toàn trường có 66 phụ huynh mất tích và tử vong, 13 học sinh vĩnh viễn không thể quay lại trường. 7 học sinh may mắn sống sót đang nằm viện điều trị. Các em trở thành trẻ mồ côi, trong đó phần lớn là mất cả bố lẫn mẹ, thậm chí có em mất toàn bộ gia đình, anh chị em.

"Cơn bão Yagi tàn phá cơ sở vật chất của nhà trường và người dân. Nhưng cơ sở vật chất thì khắc phục được, còn mất mát về con người không biết bao lâu mới có thể nguôi ngoai"- thầy Vinh nghẹn ngào nói và nắm chặt tay học trò.

Thời điểm trận lũ quét xảy ra, nhà trường đóng cửa nghỉ học tránh bão. Sáng sớm 9/9, khi nhận được tin dữ, thầy Vinh vội vã vượt quãng đường gần 20km để vào Làng Nủ. Nhiều đoạn đường bị sạt lở nên phần lớn thầy phải đi bộ.

Sau đó, thầy Vinh và một số giáo viên đã có mặt tại Làng Nủ để tham gia tìm kiếm người mất tích cùng các lực lượng chức năng. Nhiều thầy, cô vừa lội bùn, vừa khóc trước cảnh tượng tang thương ngoài sức tưởng tượng.

Giáo viên xúc động khi nghe câu chuyện của 2 thầy trò.

Ngày hôm sau, thầy Vinh đề xuất với chính quyền địa phương, đưa toàn bộ học sinh Làng Nủ còn an toàn về trường. Cả làng không còn gì. Nhiều học sinh mất toàn bộ nhà cửa, tài sản, mất cha, mẹ, người thân. Chờ cho gia đình các em ổn định cuộc sống không biết đến lúc nào. Chưa kể nguy cơ sạt lở vẫn còn.

Thêm vào đó, các em cần rời khỏi nơi tang thương này để ổn định tâm lý. “Dù điều kiện nội trú ở trường còn thiếu thốn, nhưng việc có bạn bè, với các hoạt động liên tục sẽ phần nào giúp các em nguôi ngoai. Nhà trường cũng bố trí các thầy, cô ở lại ngủ cùng các em, để các em cảm thấy an tâm, tin cậy", thầy Vinh cho hay.

Học sinh xúc động khi nghe Hoàng Anh Quân chia sẻ câu chuyện của mình.

Vốn chỉ có khả năng đáp ứng cho khoảng 20-30 học sinh bán trú, nay Trường Tiểu học và THCS Số 1 Phúc Khánh trở thành nơi nội trú của hơn 100 em. Thầy Vinh cho biết, trường nhận được sự hỗ trợ của chính quyền, các nhà hảo tâm làm gấp rút bếp ăn tập thể, sửa lại các phòng chức năng để chuyển đổi thành phòng ở, mua sắm trang thiết bị phục vụ nội trú, trữ đủ gạo muối…

Hiện việc nội trú của học sinh Làng Nủ tại trường đã được triển khai thuận lợi. Các em ở trường từ thứ 2 đến thứ 6, cuối tuần về nhà với gia đình. Khó khăn nhất là học sinh lớp 1. Các em còn nhỏ quá, lần đầu xa gia đình, đêm về nhớ mẹ nhớ bố lại khóc. Tuy nhiên, nhà trường vẫn động viên, thuyết phục các gia đình cho con em ở nội trú cho tới khi Làng Nủ tái định cư ổn định.

 

Minh Phong
Theo Giáo dục & Thời đại //