Bão số 4 di chuyển thần tốc, Nghệ An, Hà Tĩnh đã có mưa lớn

29-08-2019 16:22:37

Ngày mai 30/8, bão số 4 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11

Chiều 29/8, trong lúc bão số 4 đang hướng vào đất liền thì nhiều nơi trên địa bàn TP Vinh, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) và các huyện phụ cận; địa bàn huyện Nghi Xuân, các huyện ven biển Hà Tĩnh đã xuất hiện mưa lớn.

Cùng với thu hoạch, người dân thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò và các huyện ven biển Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu (Nghệ An); các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Lộc Hà…(Hà Tĩnh) đang chằng chéo nhà cửa, cửa hàng, đưa tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn. Nhiều nhà hàng dịch vụ ở thị xã Cửa Lò đã quyết định đóng cửa từ sáng để đảm bảo an toàn.

Vụ tai nạn xảy ra trên quốc lộ 1A (đoạn qua đèo Lý Hòa, Quảng Bình) do bão số 4 gây mưa lớn. Ảnh: PLO.

Để ứng phó với cơn bão số 4, hiện nay Nghệ An đã kêu gọi gần 3.900 tàu thuyền vào neo đậu khu vực an toàn, các thuyền còn xa bờ đã nhận được thông tin và di chuyển tránh trú an toàn trong tối 28/8. Tỉnh Nghệ An cũng đã ra lệnh cấm biển từ 5h ngày 29/8; các khu vực nuôi trồng thủy sản cũng đã chủ động các phương án phòng chống an toàn; sẵn sàng phương án di dời 26 nghìn người dân.

Đồng thời, ngành nông nghiệp chỉ đạo nhân dân thu hoạch trên 10 nghìn ha lúa hè thu chủ yếu ở vùng trũng. Kiểm tra các công trình thủy lợi đảm bảo khả năng vận hành tiêu úng hiệu quả.

Hiện nay lúa mùa trên các cánh đồng ở các địa phương trên đã chín vàng, người dân đang nỗ lực gặt lúa để tránh bão vào quật đổ, mưa lũ ngập hỏng. Mưa giông đang đổ xuống diện rộng nên nông dân thu hoạch lúa và hoa màu, thủy hải sản đang găp khó khăn.

Chi cục Thủy sản Nghệ An đã phát bản tin thông báo qua máy thông tin liên lạc tầm xa sóng HF VX-1700 trên tần số 8058 kHz của Trạm bờ Chi cục, tất cả các tàu đang khai thác trên biển đã liên lạc được với Trạm bờ, nắm bắt diễn biến của cơn bão số 4 để chủ động phòng tránh. Không có tàu thuyền nào mất liên lạc.

Ông Lê Đình Long, Phó Chánh Văn phòng, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cũng vừa ký công điện yêu cầu về triển khai công tác phòng chống bão số 4. Ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký công điện khẩn về việc cấm tàu, thuyền ra khơi trong cơn bão số 4. 

Bão số 4 đang di chuyển rất nhanh, dự kiến đổ bộ đất liền vào sáng hoặc trưa mai, 30/8

Sáng 29-8, ông Lê Đình Sơn- Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, đã ký Công điện khẩn gửi các ban cán sự đảng, đảng đoàn; ban thường vụ các huyện, thành thị, đảng ủy trực thuộc; các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh…

Theo công điện, để tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống bão, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do bão số 4, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương, đơn vị hoãn các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung ứng phó với bão số 4 với phương châm “4 tại chỗ”.

Ông Sơn yêu cầu các đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo, động viên bà con nông dân, huy động lực lượng, phương tiện máy móc và công nhân thu hoạch nhanh nhất lúa Hè Thu, các loại cây ăn quả để tránh thiệt hại do mưa lũ với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Bằng mọi biện pháp để thông tin, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi trú ẩn an toàn trước khi bão vào; hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu, thuyền tại các âu tránh trú bão đảm bảo an toàn, đồng thời cấm biển, không cho phương tiện ra khơi khi thời tiết còn diễn biến nguy hiểm.

Các đơn vị cũng được yêu cầu tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chủ động chằng chéo nhà cửa, bảo vệ an toàn các cơ sở nuôi trồng thủy, hải sản; kiểm tra các công trình thủy lợi, đê điều, hồ đập nhất là những nơi xung yếu, có nguy cơ sạt lở để kịp thời có phương án bảo vệ công trình.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Tiểu ban An toàn nghề cá và UBND các huyện ven biển thông báo cho số tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn; tổ chức kiểm đếm, quản lý tàu, thuyền. Từ 13h ngày 29/8, nghiêm cấm tất cả các loại tàu, thuyền kể cả tàu vận tải và tàu du lịch ra khơi.

Tàu lớn vào sông Lam (giáp ranh Nghệ An và Hà Tĩnh) neo đậu tránh bão số 4. 

Thông báo đến tận người dân về diễn biến của cơn bão; sẵn sàng phương án sơ tán dân những vùng nguy cơ lũ quét, lũ ống và sạt lở đất. Kiểm tra vận hành các công trình thủy lợi, nhất là các hồ đập nhỏ, chủ động phương án tiêu thoát lũ an toàn; tiếp tục đốc thúc, giúp đỡ bà con nông dân thu hoạch lúa hè thu trước bão.

Bí thư tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị các địa phương, đơn vị hoãn tất cả các cuộc họp, tập trung cho công tác phòng, chống bão số 4.

Hưng Tuấn
Theo Đời sống Plus/GĐVN //