Báo chí quốc tế: Việt Nam sẽ 'đón sóng' đầu tư sau đại dịch
Báo chí quốc tế cho rằng, thành công trong cuộc chiến ứng phó đại dịch Covid-19 giúp Việt Nam trở thành điểm đến thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Báo chí quốc tế: Việt Nam sẽ 'đón sóng' đầu tư sau đại dịch. Ảnh minh họa/Reuters
Báo Straits Times của Singapore ngày 12/5 dẫn nhận định của các chuyên gia tư vấn kinh doanh cho biết, nhà đầu tư nước ngoài ngày càng quan tâm đến Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm dấy lên hơn nữa nhu cầu dịch chuyển sản xuất.
“Trong một, hai tháng đầu tiên khi dịch bùng phát, mọi thứ chững lại. Nhưng giờ đây chúng tôi đã bắt đầu nhận được ngày càng nhiều email từ các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam”, Trent Davies, giám đốc tư vấn kinh doanh quốc tế của công ty tư vấn Dezan Shira & Associates, cho biết.
Reuters dẫn đánh giá của Kizuna Joint Development, công ty có cơ sở khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng nhận định: "Chúng tôi cho rằng vốn đầu tư nước ngoài sẽ rót vào Việt Nam sau đại dịch nhờ ứng phó nhanh chóng".
Nhờ các biện pháp ứng phó sớm như giãn cách xã hội, cách ly cộng đồng cùng với năng lực xét nghiệm và truy vết tiếp xúc, cho đến nay Việt Nam chỉ ghi nhận 288 ca mắc Covid-19. Việt Nam được đánh giá là ứng phó dịch tốt hơn do với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, những nơi đã ghi nhận hàng nghìn ca Covid-19.
Việt Nam tự sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế và xuất khẩu sang nhiều nước như Iran, Phần Lan, Malaysia. Bộ xét nghiệm này đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Anh công nhận hồi tháng trước, cho phép thiết bị y tế này được xuất khẩu vào châu Âu. Việt Nam cũng bắt đầu thử nghiệm vắc xin phòng Covid-19 trên chuột.
Sản xuất khẩu trang đã tạo động lực cho ngành dệt may vốn bị ảnh hưởng do nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường phương Tây giảm do đại dịch. Thậm chí trước khi dỡ lệnh hạn chế xuất khẩu vào cuối tháng trước, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 80 triệu khẩu trang trong nửa đầu tháng 4 sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong khi đó, nhu cầu đối với mặt hàng này tại các thị trường châu Âu cũng rất lớn. Ngoài xuất khẩu, Việt Nam cũng viện trợ khẩu trang cho nhiều nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thu hút FDI trong 4 tháng đầu năm giảm là do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, kết quả này vẫn khả quan khi cao hơn mức bình quân giai đoạn 2016 - 2018 và chỉ giảm nhẹ so với các nước trong khu vực
Tiến sĩ Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) – cho biết trên Tạp chí Tài chính, đại dịch Covid-19 đang làm giảm sút tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, được xem là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam sau đại dịch.
Cùng với thành công trong phòng chống, dịch bệnh, sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc triển khai đồng bộ chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt khó khăn cũng sẽ là điểm cộng thu hút FDI trong thời gian tới.
Sau đại dịch, khi lòng tin vào Việt Nam đã tăng lên, khi việc đi lại của các nhà đầu tư không bị hạn chế, các kế hoạch đầu tư tạm hoãn sẽ được khởi động trở lại… “Các nhà đầu tư dù có thận trọng hơn nhưng sẽ tiếp tục lựa chọn Việt Nam là điểm đến” - Tiến sĩ Phan Hữu Thắng chia sẻ.
Kết quả khảo sát mới đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, có tới 65,8% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam làm ăn có lãi hoặc không lỗ; 63,9% có định hướng mở rộng sản xuất, kinh doanh trong 1 - 2 năm tới.
Ngoài ra, với chi phí thuê đất, văn phòng, nhân công thấp cũng tạo nên sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng.
Ông Hirai Shinji - Trưởng đại diện JETRO tại TP. Hồ Chí Minh - đánh giá, khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và có thể vượt qua đại dịch với tổn thất tối thiểu, khi đó dòng vốn FDI (bao gồm cả doanh nghiệp Nhật Bản) sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam.
Theo Giám đốc điều hành Phòng thương mại Mỹ (AmCham) Adam Sitkoff, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn ở khu vực châu Á sau những nỗ lực cải cách môi trường đầu tư kinh doanh và mở cửa hội nhập của Chính phủ trong những năm gần đây.