Bao cao su giả tràn lan thị trường, hiểm họa khôn lường
Cơ quan chức năng vừa triệt phá đường dây sản xuất bao cao su, gel bôi trơn giả trị giá 6 tỷ đồng.
Bao cao su giả (Ảnh: NLĐ)
Ngày 7/6, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Trương Chí Thành (ngụ TP HCM) cùng 3 đồng phạm để điều tra về hành vi sản xuất, buôn bán bao cao su, gel bôi trơn giả, theo Tiền Phong.
Trước đó ngày 29/5, công an bắt quả tang Trương Chí Thành và đồng bọn sản xuất, buôn bán cao su, gel bôi trơn giả các nhãn hiệu lớn trên thế giới. Cơ quan chức năng thu giữ một số lượng lớn bao cao su, gel bôi trơn giả, cùng máy móc và nguyên liệu sản xuất hàng giả này. Ước tính giá trị lên đến 6 tỷ đồng.
Báo Bảo vệ Pháp luật dẫn nguồn thông tin từ cơ quan công an cho hay, Trương Chí Thành sản xuất bao cao su giả, cung cấp cho nhiều khách hàng, trong đó có Phạm Thanh Truyền.
Sau khi mua bao cao su giả từ Thành cung cấp, Truyền bán lại cho các đại lý thứ cấp để hưởng lợi bất chính. Truyền thuê Đặng Lê Duy mỗi tháng 10 triệu đồng để làm quản lý, giao nhận hàng cho khách. Trần Xuân Nam cũng thừa nhận trực tiếp sản xuất bao cao su giả trong đường dây này.
Cũng theo Công an TP HCM cho biết, vào tháng 1/2019, Trương Chí Thành bị Đội Quản lý thị trường quận 12 phát hiện và bắt giữ khi tổ chức sản xuất bao cao su giả với số lượng rất lớn nhưng chưa bị xử lý thì lại tiếp tục phạm tội.
Hiểm họa khôn lường từ bao cao su giả
Theo VnExpress, kết quả khảo sát của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), có đến 85% bao cao su bán trôi nổi ở thị trường, không phân phối chính hãng. Chính vì thế, nguy cơ mua phải hàng giả là rất lớn. Trung bình mỗi năm, người dân Việt Nam sử dụng 500-600 triệu bao cao su, đại đa số dành cho nam giới. Tuy nhiên, đa phần người mua chỉ quan tâm đến mẫu mã, giá cả hoặc mùi hương chứ không quan tâm có phải hàng thật hay không.
Nói về những tác hại từ BCS giả, không bảo đảm chất lượng, nhiều bác sĩ cảnh báo để tiết kiệm chi phí, nhà sản xuất sẽ thay thế bằng các chất liệu rẻ tiền khiến tăng nguy cơ phát sinh, lây nhiễm các bệnh phụ khoa và ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Hơn nữa, do quy trình sản xuất BCS giả không an toàn, không được kiểm định về chất lượng nên đây còn là môi trường lý tưởng của các loại vi khuẩn và virus gây bệnh.
Theo báo Người lao động, nếu sử dụng và bị viêm nhiễm trong thời gian dài, người dùng có thể bị các bệnh phụ khoa, nam khoa, thậm chí vô sinh. Bên cạnh đó, BCS chất lượng kém còn có khả năng bị thủng, rách bất cứ lúc nào. Điều này sẽ dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn hoặc lây nhiễm các bệnh tình dục như HIV, lậu, giang mai...